Giáo dục trẻ khuyết tật ở Phú Thọ đối mặt nhiều khó khăn

Tích cực thực hiện quyền tiếp cận giáo dục, giáo dục hòa nhập (GDHN) cho các trẻ em khuyết tật, nhưng trên thực tế Phú Thọ gặp rất nhiều khó khăn.

Tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất khiến việc giáo dục trẻ khuyết tật tại Phú Thọ gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất khiến việc giáo dục trẻ khuyết tật tại Phú Thọ gặp nhiều khó khăn.

Theo Hội Bảo trợ Người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi, toàn tỉnh Phú Thọ hiện có trên 30.000 trường hợp NKT, số trẻ em khuyết tật khoảng 8.500 trẻ. Trẻ khuyết tật (TKT) được phân thành các nhóm: Trẻ khiếm thính, trẻ khiếm thị, trẻ khó khăn về học, trẻ khó khăn về vận động, trẻ khó khăn về ngôn ngữ, trẻ đa tật và trẻ có các dạng khuyết tật khác.

Số lượng TKT đông, nhưng toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở giáo dục chuyên biệt là Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì và 3 trung tâm GDHN được cấp phép trên địa bàn thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao, với số lượng học sinh khuyết tật được vào học rất ít so với nhu cầu đi học của trẻ.

Theo Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì, hằng năm, số lượng phụ huynh học sinh nộp hồ sơ dự tuyển đầu năm học rất lớn. Tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất và số lượng giáo viên còn hạn chế nên số trẻ được nhận vào học ít hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.

Năm học 2023-2024, Trung tâm có 132 học sinh, chia thành 11 lớp, gồm 2 lớp khuyết tật, 1 lớp khiếm thị và 8 lớp khiếm thính với 27 giáo viên.

Chỉ có 3 giáo viên trong số đó được đào tạo đúng chuyên ngành, còn lại là giáo viên phổ thông, sau khi được nhận vào làm, được tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành Giáo dục đặc biệt để có chứng chỉ hoặc phải được hướng dẫn, kèm cặp từ những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm mới được dạy học.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Phú Thọ, 3 trung tâm GDHN được cấp phép có chương trình giảng dạy chủ yếu là sàng lọc phổ tự kỷ, can thiệp sớm và dạy kỹ năng sống với giáo trình riêng của trung tâm. Tổng số giáo viên của cả 3 trung tâm là 38 người, giảng dạy cho 160 học viên các lứa tuổi từ mầm non đến THCS.

Hiện, trên địa bàn tỉnh chưa có trường đào tạo về ngành Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Hùng Vương là đơn vị duy nhất trên địa bàn mở mã ngành Công tác xã hội trong đó có các môn: Tâm lý giáo dục, Chăm sóc sức khỏe tâm thần... nhưng mỗi năm số lượng học sinh đăng ký thi vào mã ngành này rất thấp, có những thời gian dừng tuyển sinh do không có học sinh đăng ký.

Vấn đề về giáo án giảng dạy cũng khiến các giáo viên trăn trở. Hiện học sinh của Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì được học các môn văn hóa theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 chung của Bộ GD-ĐT dành cho học sinh khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ cấp tiểu học.

Sách giáo khoa chuyên biệt dành cho học sinh lớp 1 khiếm thính, khuyết tật trí tuệ vẫn dùng bản thử nghiệm của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, sách chữ nổi đều xin sách cũ của Trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Sách giáo khoa ở các lớp 2-5 vẫn sử dụng sách giáo khoa phổ thông.

Để phù hợp với thực tế địa phương, giáo viên phải soạn giáo án riêng nhằm áp dụng các phương pháp đặc thù với từng đối tượng học sinh khuyết tật.

Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập hỗ trợ TKT còn thiếu thốn, sơ sài gây khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức của các em.

Long Anh -Đức Hạnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-tre-khuyet-tat-o-phu-tho-doi-mat-nhieu-kho-khan-post683351.html