CẦN ĐỒNG BỘ CÁC CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ MỚI

Làm thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 và 2024 sẽ là vấn đề được Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định tại kỳ họp thứ 6 tới đây. Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia tham góp ý kiến trước thềm kỳ họp lần này với mong muốn Quốc hội có lộ trình cụ thể để đồng bộ các chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế mới như kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng qua, đất nước ta có khá nhiều kết quả nổi bật, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP đạt 4,24%. Riêng quý III, GDP đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái và đã bù cho kết quả các quý trước. Nhìn chung Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác. Việt Nam đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu tác động không nhỏ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác điều hành tiền tệ linh hoạt, hiệu quả đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỉ giá phù hợp, bảo đảm tính thanh khoản của toàn hệ thống.

Chính phủ cần nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2023 (Ảnh minh họa)

Chính phủ cần nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2023 (Ảnh minh họa)

Nhìn lại 9 tháng năm 2023, nếu CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước so với dư địa 4,5% mà Quốc hội xác định, là dư địa quan trọng để những tháng cuối năm hoàn toàn có thể đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Nếu như đầu năm 2023, thách thức về giải ngân vô cùng lớn, nhưng 9 tháng năm nay, giải ngân vốn đầu tư công đã đạt 51% là rất đáng khích lệ khi trong nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50%.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023. Theo đó, kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%). Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản 3: Tăng trưởng cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, khó khăn của nền kinh tế vẫn tiếp diễn trong bối cảnh vĩ mô toàn cầu chưa ổn định, tình hình lạm phát, giá cả toàn cầu, chính sách tài khóa tiền tệ khó đoán, các nước không có kế hoạch rõ ràng. Tiếp theo là các vấn đề về địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine, giá lương thực.... Các doanh nghiệp đối diện với thách thức khi phải đáp ứng các tiêu chí xanh, giảm phát thải cho sản phẩm xuất khẩu; chuyển đổi các mô hình truyền thống, chuyển đổi năng lượng… Do đó, ở bất kỳ kịch bản nào cũng cần nỗ lực, cố gắng lớn và phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể (kịch bản GDP đạt 6%), đòi hỏi có những đột phá trong các động lực của nền kinh tế.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế

Nhìn lại những khó khăn tác động đến nền kinh tế của năm 2023, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực, sự quyết liệt hành động, quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn vừa qua. ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định với việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tín hiệu tích cực của khu vực công nghiệp-xây dựng, mức tiêu dùng cuối năm tăng lên, tăng trưởng năm 2023 có thể đạt kỳ vọng 6%. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần nỗ lực cao hơn trong 3 tháng cuối năm.

Các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế cũng nhận định, mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam năm nay hoàn toàn có thể đạt được, bởi những giải pháp đồng bộ được kích hoạt từ đầu năm như thúc đẩy, kích thích tiêu dùng, tiếp tục tăng đầu tư công. cải cách tín dụng; cắt giảm thuế VAT kéo dài sang năm 2024, tiếp tục chính sách tiền tệ thuận lợi và phối hợp tốt hơn chính sách tài khóa; khuyến khích khu vực tư nhân và bắt đầu hình thành hành lang pháp lý để phát triển kinh tế xanh, năng lượng xanh. Theo các chuyên gia, điều quan trọng là cần tăng cường niềm tin của các hệ thống kinh tế từ người tiêu dùng, nhà đầu tư, doanh nghiệp; Đẩy mạnh quản trị doanh nghiệp, ưu tiên vấn đề năng lượng, an ninh năng lượng, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh công nghệ thông tin, kinh tế số.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển

Đóng góp ý kiến để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2023, năm 2024 và cả nhiệm kỳ, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, cần có lộ trình cụ thể để đồng bộ các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế mới như kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm và kinh tế dữ liệu nhằm tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới. Theo đó, cần phải nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, gắn kết và sát thực tế.... Đây là những nội dung đã được đề cập trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021 - 2030) Việt Nam đã xác định quan điểm là phải đổi mới tư duy hành động, chủ động và nắm bắt kịp thời hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để gắn với quá trình hồi nhập quốc tế. Qua đó, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng cạnh tranh của Việt Nam.

Theo báo cáo nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số Việt Nam trong năm 2022 ước khoảng 14,26% trong tổng GDP, mục tiêu nền kinh tế số đạt 30% trong tổng GDP của Việt Nam là một thách thức lớn đối với Việt Nam.Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu lớn, với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đòi hỏi Việt Nam phải chuyển dịch nhiều ngành kinh tế. Do vậy, để thực hiện mục tiêu này, các cơ quan hoạch định chính sách cần nhìn nhận tổng thể để gắn kết, đồng bộ các chủ trương, chính sách sát thực tế, trên cơ sở lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp.

Từ đó, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, tại kỳ họp Quốc hội lần này, cần thảo luận để gắn kết các kế hoạch, chủ trương về các nền kinh tế mới một cách đồng bộ hơn, đưa ra những lộ trình thực hiện cụ thể để tránh việc chồng chéo về chính sách, bám sát với thực tiễn nền kinh tế. Đặc biệt cần quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao. Việt Nam cần phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ chi từ ngân sách cho nghiên cứu phát triển phải đạt mức bình quân của 3 nước đứng đầu ASEAN, khi đến nay khoa học công nghệ nước ta chỉ đạt 0,53% trong tổng GDP, Cần tháo gỡ những vướng mắc cho việc đầu tư ngân sách và cơ chế để thúc đẩy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ cơ chế đặt hàng nguồn nhân lực mới trong 6 ngành công nghiệp nền tảng; trong đó có ngành công nghệ số, cách làm mới trong sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy các nền kinh tế mới phát triển.

Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung

Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cũng cho rằng lợi ích và tiềm năng từ các mô hình kinh tế mới là rất lớn. Trong khi các mô hình như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ đều gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để triển khai thực hiện thành công các mô hình kinh tế mới; Cần có lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong quá trình này. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công để bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo.

Muốn làm được điều này, cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các quốc gia đang phát triển trong việc thúc đẩy triển khai các mô hình kinh tế mới để cùng hướng tới lợi ích chung, mục tiêu chung của toàn cầu về khí hậu và phát triển bền vững. Việc triển khai các mô hình kinh tế mới cũng là yếu tố tiên quyết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như các quốc gia trên thế giới đã cam kết tại Hội nghị COP26. Trong đó, các chuyên gia kỳ vọng, kỳ họp thứ 6 sẽ thảo luận và thông qua được các Luật nền tảng như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, và một số Luật đã được thông qua tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, sẽ là cơ sở để hiện thực hóa cho sự ra đời những mô hình kinh tế mới.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80687