Cái bắt tay đầy ý nghĩa giữa mây trời Hải Vân

Dễ đã mấy năm rồi tôi mới lại có dịp vượt đèo Hải Vân. Cứ ngỡ đường đèo sẽ vắng vẻ lắm, bởi từ khi có hầm đường bộ, mọi người ai cũng chọn lối ấy vì vừa an toàn vừa tiết kiệm. Nhưng hóa ra là tôi đã nhầm, đường đèo vẫn nhộn nhịp đông vui, đầy sinh khí.

Góc ảnh Hải Vân Quan từ bắc vào nam. Ảnh: Nguyễn Phong

Khách qua đèo chủ yếu là khách du lịch, tây có, ta có. Họ không hề vội vã, mà thong dong vừa đi vừa ngắm cảnh, thỉnh thoảng có cung đường nào đẹp, view nào thấy hay hay là lại dừng xe để chiêm ngắm, chụp ảnh… Năng khách, nên dân chúng nhiều người đã tranh thủ những vị trí có view đẹp, có suối trong, cây mát là tranh thủ mở hàng quán để kinh doanh. Tất nhiên, việc quản lý, việc làm sao đảm bảo an toàn cho cả du khách và môi trường… là những câu chuyện mà các cơ quan hữu trách cần phải đặt ra sớm; bởi nếu để tự phát thì sẽ nảy sinh rất nhiều phiền lụy về sau.

Khu vực đỉnh đèo vẫn là nơi nhộn nhịp đông vui nhất, cho dù di tích Hải Vân Quan đang bị rào chắn chưa cho tham quan bởi việc trùng tu vẫn chưa hoàn chỉnh (Theo kế hoạch, cuối quý II này di tích này mới chính thức mở cửa đón khách). Tôi dừng xe dạo quanh một vòng, chấp nhận nhìn ngắm công trình từ xa sau lớp rào chắn bảo vệ. Bỗng nghe lòng rộn ràng một niềm vui thật thanh khiết khi được mục kích sự hồi sinh của một di tích độc đáo và danh tiếng của đất nước từng một thời gian rất dài bị “bỏ quên” suýt thành phế tích.

Di tích Hải Vân Quan đã trùng tu xong, kế hoạch sẽ mở cửa cho du khách tham quan vào cuối quý 2/2024

Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (Bính Tuất - 1826). Đại Nam thực lục chính biên ghi: “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan (Ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân Quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”). Cái tên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” được tương truyền là do vua Lê Thánh Tông trong một lần chinh nam cách đây hơn 500 năm đã dừng chân trên đỉnh Hải Vân và cảm khái mà đặt.

Hải Vân Quan được xác định là một vị trí chiến lược xung yếu của Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế về quân sự cũng như giao thông bằng đường bộ; là cửa ngõ phía nam của vùng đất này. Thời chiến tranh, tuy “đường thiên lý” (Quốc lộ 1A) được nắn tuyến không còn xuyên qua Hải Vân Quan nữa, nhưng cả người Pháp và người Mỹ đều nhận rõ vị trí quan yếu của cao điểm này. Do vậy, họ đã cho thiết lập tại đây hệ thống lô cốt, công sự liên hoàn kiên cố để án ngự, kiểm soát tuyến giao thông huyết mạch. Dấu tích của những trận giao tranh quyết liệt vẫn còn hiện hữu trên từng mảng tường, ô gạch…

Hải Vân Quan trước khi được trùng tu

Cách đây hơn chục năm có lần dừng chân “thám thính” Hải Vân Quan, giữa lưng chừng trời mây tôi đã mông lung nhớ về vùng đất Malacca của xứ Mã Lai láng giềng. Một vịnh biển và một phần còn lại của pháo đài xưa cũ, một ngôi nhà thờ đã bị đạn bom phá hủy. Nhưng bạn đã sắp xếp để thành một khu du lịch sang trọng, đầy ắp khách. Hải Vân Quan hoàn toàn có thể trở thành một điểm nhấn trên “đường thiên lý bắc nam”, một điểm dừng chân thư giãn thú vị, ấn tượng và đầy ý nghĩa cho du khách từ Huế đi Đà Nẵng - Hội An hay ngược lại. Nghĩ, mơ và tiếc. Thế nên tôi đã òa vỡ niềm vui khi vào năm 2017, Hải Vân Quan được xếp hạng di tích Quốc gia. Vui hơn nữa khi nhận được tin Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng chung tay mỗi bên một nửa kinh phí, khởi công dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với tổng kinh phí 42 tỷ đồng. Lễ khởi công tiến hành vào cuối năm 2021, và nay thì hình vóc đẹp đẽ, bề thế của một Hải Vân Quan xưa đã sừng sững hiện hữu giữa mây trời hùng quan đệ nhất.

Một di tích quý đã được cứu nguy. Một điểm dừng chân độc đáo và ấn tượng đã thành hiện thực. Và trên nữa, đó còn là một biểu tượng đầy ý nghĩa của cái bắt tay giữa Huế - Đà Nẵng, khẳng định sức sống cũng như những đóng góp quan trọng của “Con đường Di sản miền Trung” vào sự phát triển của mỗi địa phương, của đất nước.

Diên Thống

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/cai-bat-tay-day-y-nghia-giua-may-troi-hai-van-140667.html