Bất chấp rủi ro, kinh tế Việt Nam vẫn trên đà phục hồi

Mặc dù bối cảnh trong nước còn khó khăn và tình hình thế giới còn nhiều bất trắc, nhiều chỉ tiêu cho thấy, kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là một điểm sáng được ghi nhận. Ảnh tư liệu

Kỳ vọng tăng tốc cho ngành sản xuất và xuất khẩu

Theo đánh giá của các thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhìn chung tốt hơn tháng 3 và 3 tháng đầu năm; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, với những kết quả nổi bật.

Cụ thể, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 0,8% so tháng 3 và tăng 6,3% so cùng kỳ, tính chung 4 tháng tăng 6%, trái ngược với mức giảm 2,5% của cùng kỳ năm 2023. Trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 6,3%. Ở khu vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2% so tháng 3 và tăng 9% so cùng kỳ, tính chung 4 tháng tăng 8,5%. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, xuất khẩu nông sản đạt gần 20 tỷ USD. Sự phục hồi tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành Nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 đạt 50,3 điểm, trong đó lượng đơn hàng mới tăng mạnh. Đây là chỉ dấu quan trọng mang tới kỳ vọng lớn hơn về sự tăng tốc cho ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Kết quả nổi bật nữa là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,07% so với tháng 3; bình quân 4 tháng tăng 3,93%. Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm; tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời. “Đặc biệt, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, an ninh năng lượng được đảm bảo, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm” - Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ sau đó.

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là một điểm sáng được ghi nhận. Trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 61,20 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 238,9 tỷ USD, tăng 15,2%. Trong đó xuất khẩu tăng 15%, đáng chú ý là khu vực trong nước tăng tới 21%, cao hơn mức tăng của khu vực FDI là 12,9%.

Một động lực quan trọng của tăng trưởng là đầu tư cũng đạt kết quả tích cực. Theo báo cáo tại phiên họp, giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ. Thu hút FDI đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Riêng vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ, là mức cao nhất trong những năm qua. “Như vậy là chúng ta đã đưa được một lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá tại phiên họp.

Nhờ sản xuất kinh doanh phục hồi, tình hình phát triển doanh nghiệp đã khả quan hơn. Trong 4 tháng có 51.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,4% về số doanh nghiệp và 9,3% về vốn đăng ký với cùng kỳ. Cùng với đó, hơn 29.700 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4%.

Rủi ro, áp lực vẫn còn nhiều

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ này, các báo cáo, ý kiến tại phiên họp cũng cho thấy tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục. Đó là sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tăng, nhất là về tỷ giá, lãi suất. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn cao. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết, chưa tháo gỡ được nút thắt trong vấn đề pháp lý; nợ xấu có xu hướng tăng. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Đến nay, vẫn còn hơn 32 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 chưa phân bổ…

Theo các chuyên gia, nhìn chung tăng trưởng kinh tế đang phục hồi khả quan. Tuy nhiên, những tháng tới còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những biến động khó lường của tình hình thế giới.

Trong khi đó, áp lực lạm phát là vấn đề cần lưu ý. Sau 4 tháng, CPI bình quân đã tăng 3,93% so với cùng kỳ, gần cận dưới của mục tiêu cả năm là 4 - 4,5%. Hiện lạm phát đang chịu tác động của các yếu tố bên ngoài do biến động giá dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận tải đường biển, hàng không… thế giới, tác động đến giá xăng dầu, nguyên vật liệu, vận tải… trong nước. Bên cạnh đó lại cộng hưởng với các yếu tố bên trong do việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương…, nên rủi ro lạm phát càng lớn.

Tỷ giá dự báo cũng tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, làm tăng chi phí nhập khẩu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.

Đối với doanh nghiệp, nỗi lo cũng không nhỏ. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Cầu tiêu dùng trong nước 4 tháng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019. Trong khi áp lực cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu, thì một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Trước các thách thức này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phát biểu kết luận phiên họp đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát.

“Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, càng áp lực lại càng nỗ lực, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân” - Thủ tướng yêu cầu.

Thu ngân sách 4 tháng tăng mạnh

Theo báo cáo tại phiên họp, thu ngân sách nhà nước 4 tháng tăng mạnh, tình hình tài chính - ngân sách nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét. Tổng thu ngân sách 4 tháng ước đạt 733.400 tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định, tạo dư địa chính sách tài khóa.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bat-chap-rui-ro-kinh-te-viet-nam-van-tren-da-phuc-hoi-150282.html