Bảo tàng Chứng tích chiến tranh: Nơi gửi những thông điệp hòa bình đến với thế giới

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã trở thành điểm đến của nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật chiến tranh gây xúc động của Việt Nam mà hơn thế bảo tàng chính là nơi kêu gọi hòa bình cho thế giới.

Khu trưng bày vũ khí bên ngoài của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Ảnh: Linh Nhi)

Mới đây, trong báo cáo tổng hợp từ trang TripAdvisor, Google Reviews, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (số 28, đường Võ Văn Tần, TP Hồ Chí Minh) đứng thứ 61 trong danh sách 99 điểm đến hấp dẫn du khách nhất thế giới và là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này. Trước đó, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng có tên trong danh sách 10 bảo tàng tốt nhất trên thế giới năm 2018 do du khách bình chọn. Trong top 10 bảo tàng được xướng tên, có 9 bảo tàng thuộc châu Âu và Bắc Mỹ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của Việt Nam là đại diện duy nhất thuộc châu Á, xếp ở vị trí thứ 10…

Tôi cùng gia đình có dịp đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh các đây không lâu, thực sự bất ngờ vì lượng du khách đến thăm bảo tàng, đặc biệt là có nhiều du khách quốc tế. Từng đoàn khách cứ lặng lẽ thăm quan, xem những hiện vật, hình ảnh, đọc kỹ từng dòng thông tin, chú thích, những câu chuyện lịch sử…

Năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhằm lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm; đồng thời, tố cáo tội ác chiến tranh xâm lược của quân đội Mỹ ở Việt Nam, Đảng bộ TP Sài Gòn (nay là Đảng bộ TP Hồ Chí Minh) đã chủ trương thành lập Nhà trưng bày tội ác Mỹ - ngụy tại đây. Sau thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, Nhà trưng bày mở cửa phục vụ khách tham quan vào ngày 4/9/1975. Nhiệm vụ của Nhà trưng bày là giới thiệu, tố cáo tội ác chiến tranh xâm lược. Qua đó, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ về cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, nâng cao cảnh giác cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Ngày 10/11/1990, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định đổi tên Nhà trưng bày tội ác Mỹ - ngụy thành Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược. Ngày 4/7/1995, quyết định đổi tên thành Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Thời gian đầu, Nhà trưng bày chủ yếu trưng bày 2 chủ đề chính, đến nay, bảo tàng có 9 chuyên đề. Mỗi chuyên đề là một câu chuyện được thể hiện một cách sống động, mang thông điệp về giá trị hòa bình, khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung…

Những hình ảnh và hiện vật tại bảo tàng tái hiện cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 chống các thế lực xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tất cả cho thấy sự khốc liệt của cuộc chiến tranh, một cuộc chiến đã gây ra biết bao đau thương mất mát mà đa số nạn nhân là người già, phụ nữ và trẻ em vô tội. Đồng thời, ghi lại sự đấu tranh kiên cường, bất khuất và khát khao độc lập dân tộc mãnh liệt của nhân dân Việt Nam…

Không chỉ lưu lại những tư liệu, hiện vật về sự tàn khốc của chiến tranh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có thể nói là “địa chỉ đỏ” về giáo dục giá trị của hòa bình. Bảo tàng được xem như một trường học ngoại khóa lý tưởng giáo dục về truyền thống yêu nước, ý thức bảo vệ và xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh cho thế hệ trẻ. Là cầu nối lịch sử giữa các thế hệ.

Bảng tàng Chứng tích chiến tranh lưu giữ hình ảnh lịch sử và gửi đi những thông điệp hòa bình cho thế giới

Rất nhiều sinh viên, học sinh các trường đại học, trung học các nước như: Hoa Kỳ, Pháp, Nhật… đã đến tham quan bảo tàng và gặp gỡ những cựu chiến binh, cựu tù chính trị, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam Việt Nam để lắng nghe những câu chuyện thật về cuộc đời của họ. Từ đó, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ quyết tâm hành động để bảo vệ hòa bình, để giúp đỡ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Tại bảo tàng cũng diễn ra nhiều cuộc hội ngộ đầy nước mắt giữa những cựu chiến binh Việt Nam và cựu chiến binh các nước tham chiến khác; những người vốn là kẻ thù của nhau, nay có thể bắt tay nhau, ôm nhau khóc, rồi hát tặng nhau và trở thành bạn bè...

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hiện lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, được đưa vào giới thiệu ở các chuyên đề trưng bày thường xuyên như: Vũ khí trưng ngoài trời, Chế độ lao tù, Chất độc da cam, Những sự thật lịch sử, Tội ác chiến tranh... Ở khu trưng bày ngoài trời là hàng chục phương tiện quân sự, vũ khí, bom đạn từng sử dụng trong các cuộc chiến.

Thực sự chưa có khái niệm, chưa hiểu gì về chiến tranh, nhưng sau gần một buổi sáng tham quan bảo tàng với những hiện vật, hình ảnh về chiến tranh, đặc biệt là xem bức ảnh lịch sử “Em bé Napalm” và được giải thích… khi rời khỏi bảo tàng cô con gái học lớp 1 của tôi chỉ nói với tôi đúng một câu: “Bố ạ, con ghét chiến tranh”… Tôi thấy chuyến tham quan bảo tàng thêm ý nghĩa và thật bổ ích.

Minh Thư

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-tang-chung-tich-chien-tranh-noi-gui-nhung-thong-diep-hoa-binh-den-voi-the-gioi-317286.html