Vang mãi điệu chèo Văn Sơn

Những ngày này, các thành viên Câu lạc bộ hát chèo Nam quê hương, thôn Văn Sơn, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) miệt mài tập luyện chuẩn bị chương trình văn nghệ tại Lễ hội đền Cô Ba (xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng). Lắng nghe các thành viên câu lạc bộ lẩy chèo, giọng ca ngọt ngào, đậm chất tình quê, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê bất tận với chiếu chèo quê của những người nông dân chân lấm tay bùn nơi đây.

Bà Doãn Thị Thoi năm nay ngoài 70 vẫn nhiệt tình hướng dẫn các thành viên hát, múa. Bà là một trong những người “sáng lập” nên Câu lạc bộ hát chèo Nam quê hương.

Bà Thoi kể: Gia đình có truyền thống hát chèo, từ thủa nhỏ tôi được ông bà, bố mẹ dạy những bài chèo cổ, tình yêu chèo “ngấm” vào máu lúc nào không hay.

Chiến tranh kết thúc, năm 1975, bà Doãn Thị Thoi cùng chồng rời quê hương Giao Hà, xã Giao Thủy, tỉnh Nam Định lên mảnh đất biên cương Lào Cai khai hoang, lập nghiệp. Võ Lao trở thành quê hương thứ hai của ông bà. Cuộc sống tại vùng quê mới biết bao nhọc nhằn, nhưng làn điệu chèo luôn là “liều thuốc tinh thần” giúp bà vượt qua nỗi nhớ quê hương.

Với mong muốn lưu giữ lại điệu chèo quê hương, đặc biệt là xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, năm 2012, bà Thoi cùng một số người trong thôn vận động các con cháu, người thân tham gia Câu lạc bộ hát chèo Nam quê hương. Cứ tối đến, các thành viên cùng nhau luyện tập tại nhà văn hóa thôn, trau chuốt lời ca, tiếng hát, điệu múa để có tiết mục đặc sắc phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương.

Bà Trần Thị Hiệu, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo Nam quê hương chia sẻ: Câu lạc bộ hiện có gần 30 thành viên, mỗi tuần 2 buổi, không ai bảo ai đều có mặt đầy đủ tại nhà văn hóa thôn để tập luyện. Ngoài điệu chèo cổ, các thành viên trẻ tuổi còn tìm tòi những làn điệu mới để phục vụ công chúng. Yêu chèo đến mức, mặc dù chẳng có “bổng lộc”, thù lao, thậm chí phải bỏ tiền túi ra mua nhạc cụ, trang phục nhưng các thành viên vẫn say sưa ca hát suốt nhiều năm qua. Đơn giản, đó là niềm vui, đam mê và lòng nhiệt huyết của những người muốn giữ lại nét đẹp quê hương.

Bà Nguyễn Thị Hoan, thành viên câu lạc bộ cho biết: Ngày nay, đời sống phát triển, nhiều hình thức giải trí mới ra đời, nhưng người dân vẫn ý thức rằng phải giữ gìn truyền thống của quê hương, trao truyền loại hình nghệ thuật này cho lớp trẻ để nét đẹp văn hóa không bị mai một. Chẳng cần cầu kỳ, quần lụa, áo the, trống phách đủ đầy mới có thể biểu diễn, chúng tôi hát chèo, múa chèo mọi lúc, mọi nơi. Với chúng tôi, đâu cũng có thể là sân khấu.

Được bồi đắp tình yêu chèo ngay từ nhỏ từ mẹ, chị Phùng Hoài Thương (con gái của bà Thoi) kể: Ngày bé, mỗi lần đứng dưới sân khấu nghe mẹ hát chèo, tôi ngưỡng mộ lắm. Tình yêu làn điệu chèo cứ thế lớn dần theo năm tháng. Giờ đây, mặc dù không theo con đường nghệ thuật, nhưng tôi luôn dành thời gian để thỏa đam mê của mình. Tham gia câu lạc bộ, tôi được các cô, các bác dạy tỉ mỉ cách luyến láy, nhả chữ. Tôi hy vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục tập hát chèo, bởi đó là “hồn cốt” của quê hương.

Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, người dân thôn Văn Sơn, xã Võ Lao vẫn nâng niu, gìn giữ làn điệu chèo. Những con người của ruộng đồng ấy vừa đi cấy, đi cày, nhưng hễ khỏa tay cho hết bùn là lại khoác lên mình manh áo đẹp hơn mọi ngày, để ca hát cho vơi đi mệt nhọc và nỗi nhớ quê hương. Lời chèo thắm thiết như một mạch nguồn bất tận, ngấm sâu vào máu thịt, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người dân nơi đây.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/vang-mai-dieu-cheo-van-son-post383986.html