Báo Mỹ: Kinh tế Nga tăng trưởng bất chấp 'bão trừng phạt'

Theo Newsweek, kinh tế Nga đã đứng vững và ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ sau 2 năm chiến sự.

Khi Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine, các nước phương Tây dồn dập áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow. Hàng loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ đã được Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh áp dụng lên hệ thống tài chính Nga. Toàn bộ ngân hàng Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Nửa khối dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài, tương đương khoảng 300 tỉ USD, bị phong tỏa.

Bất chấp "bão trừng phạt" từ phương Tây, nền kinh tế Nga được cho là vẫn đứng vững - Ảnh: Internet

Phương Tây kỳ vọng các biện pháp trừng phạt này sẽ là đòn giáng mạnh lên kinh tế Nga. Nhiều chuyên gia thậm chí dự đoán rằng nền kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, những ảnh hưởng tiêu cực nhất đối với Nga chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Ban đầu, nền kinh tế Nga đã suy thoái khi xuất khẩu giảm mạnh. Nước này phải vật lộn để có được nguồn tài chính, hàng hóa và dịch vụ cần thiết để hoạt động. Tuy nhiên, tới cuối năm ngoái, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng trở lại dù hơi chậm, và Nga phát đi tín hiệu rằng nước này đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài ở Ukraine.

Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Warner thừa nhận là các lệnh trừng phạt của phương Tây 2 năm qua có nhiều lỗ hổng. “Tôi hy vọng điều đó sẽ đồng nghĩa với việc gia tăng các biện pháp trừng phạt và hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ có khả năng gây thêm áp lực lên Trung Quốc, nước đang cung cấp hàng hóa cho Nga”.

Elaine Dezenski, cựu quan chức cấp cao của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nhận định các lệnh trừng phạt nhắm vào buôn bán trang thiết bị quân sự của Nga là đúng đắn, đồng thời gợi ý thêm rằng Mỹ và các đồng minh có thể cắt giảm một nửa mức trần giá dầu và hành động mạnh mẽ hơn để ngăn việc Nga lách luật xuất khẩu năng lượng sang các nước bên thứ ba. Bà Dezenski gợi ý phương Tây cũng có thể chuyển dự trữ ngoại tệ bị đóng băng của Nga và các tài sản chủ quyền khác sang Ukraine để giúp tài trợ hoạt động chiến sự của Kyiv và tái thiết đất nước hậu chiến tranh.

Theo số liệu công bố tuần trước của cơ quan thống kê nhà nước Nga Rosstat, kinh tế Nga chỉ suy giảm 2,1% vào năm 2022. Năm 2023, kinh tế Nga khiến thế giới phải chú ý khi tăng trưởng 3,6%, thương mại vẫn thặng dư, thâm hụt ngân sách đều trong phạm vi có thể kiểm soát. Trong báo cáo tháng 1 năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của kinh tế Nga trong năm 2024 lên 2,6%, cao hơn mức 1,1% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 10.2023.

Báo Newsweek (Mỹ) dẫn phân tích của công ty dịch vụ tài chính Allianz Trade công bố hôm 26.2 cho biết, nền kinh tế bị trừng phạt của Nga đã phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến vào năm 2023 và sẽ tăng trưởng trong năm nay, nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc. Công ty Allianz Trade dự đoán rằng tăng trưởng GDP trong năm nay của Nga sẽ đạt 2,5%, gần giống với dự báo của IMF công bố.

Trong khi các ngành công nghiệp quân sự và xây dựng đã tăng trưởng kể từ khi chiến sự nổ ra lần lượt là 35% và 15% so với năm 2021, xuất khẩu khí đốt của Nga tiếp tục bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt do EU (thị trường nhiên liệu chính của Nga) áp đặt.

“Thành tích kinh tế vượt trội của Nga phản ánh việc tái triển khai các nguồn lực cho quân sự”, Ana Boata, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Allianz Trade, cho Newsweek biết.

Kinh tế Nga được cho là phục hồi ổn định một phần nhờ vào Ngân hàng Trung ương nước này. Kể từ năm 2022, họ đã áp dụng các đợt tăng lãi suất lớn, hiện ở mức 16% để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, Allianz Trade dự đoán tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 11% vào cuối năm nay.

Rosstat không công bố dữ liệu xuất nhập khẩu, nhưng Allianz Trade ước tính rằng xuất khẩu thực tế kém hơn đáng kể so với nhập khẩu thực tế. Trong khi đó, bất chấp các lệnh trừng phạt, hàng hóa của EU vẫn vào Nga thông qua các nước bên thứ ba qua Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Á.

Tăng trưởng không lành mạnh

Đến tháng 7.2023, 1.028 công ty phương Tây đã rời khỏi Nga với 32% là từ Mỹ. Dường như không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ quay trở lại. Allianz Trade cho rằng ngay cả những quốc gia “thân thiện” cũng “không sẵn sàng hoặc không thể đầu tư vào Nga trên quy mô lớn”. “Đầu tư nước ngoài đã cạn kiệt đáng kể do các nhà đầu tư tránh xa Nga”, bà Boata nói thêm.

Phân tích của hãng tin độc lập Nga The Bell lưu ý rằng nền kinh tế quân sự hóa của Nga “đang tích lũy những vấn đề cho tương lai”. Tờ báo này cho biết tăng trưởng của Nga “không phải là một kiểu phát triển lành mạnh”. Nga đã chi số tiền lớn vào việc sản xuất vũ khí, điều này không tốt cho nền kinh tế và không phải là các hoạt động mang lại hiệu suất cao trong trung hạn. Bên cạnh đó, đồng rúp mất giá do ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt tài chính nghiêm ngặt do phương Tây áp đặt.

Ngoài ra, một vấn đề lớn đối với nền kinh tế Nga là tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Do tác động của nhiều yếu tố như suy giảm dân số, nhập ngũ bắt buộc và chảy máu chất xám, năm 2023 Nga rơi vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây, góp gần làm hạn chế khả năng tăng sản xuất của Nga.

“Sự ổn định hiện tại khó có khả năng tồn tại trong một đến hai năm nữa, cấu trúc sẽ bắt đầu lung lay do sự mất cân bằng tích lũy và các vấn đề xã hội có thể xảy ra”, The Bell nhận định

Olga Bychkova, nhà kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính Moody's Analytics (Mỹ), nói với Newsweek: “Tình hình thị trường lao động ở ngày càng phức tạp hơn. Các biện pháp do doanh nghiệp thực hiện để giải quyết vấn đề thiếu lao động hiện không giúp giảm bớt tình trạng thâm hụt nhân viên, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất”.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sức mạnh tài chính của Nga khó suy giảm nhanh bởi Moscow đã có nhiều động thái nhằm củng cố tài chính và tránh phụ thuộc vào sức ép trừng phạt từ phương Tây. Xuất khẩu năng lượng vẫn đang là bệ đỡ tốt cho nền kinh tế Nga.

Hoàng Vũ (theo Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bao-my-kinh-te-nga-tang-truong-bat-chap-bao-trung-phat-214482.html