Bản tin 1/2: Một số chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 2/2024

Một số chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 2/2024; Lần đầu tiên phẫu thuật thành công thay khớp háng cho cụ bà 105 tuổi...

Một số chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 2/2024

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Công Lý từ tháng 2/2024, các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa, bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS…

Các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa

Trước đó, vào ngày 28/12/2023, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 27/2023/TT-BGDĐT về việc lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/2.

Điểm nổi bật là Bộ trao quyền chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục. Hiệu trưởng cơ sở hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ là người thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi cơ sở chỉ thành lập một hội đồng duy nhất.

Về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, các trường phải chọn sách phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở.

Nguyên tắc chọn sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT quy định như sau.

Thứ nhất: Các trường chọn sách trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục.

Thứ hai: Mỗi khối lớp lựa chọn một sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện ở cơ sở giáo dục.

Thứ ba: Việc lựa chọn sách phải đảm bảo thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và vì quyền lợi của học sinh.

Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở

Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở mới ban hành tại Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02.

Theo đó, điều kiện xét tốt nghiệp trung học cơ sở có nhiều điểm mới như: Học sinh THCS nghỉ quá 45 buổi vẫn được tốt nghiệp. Trước đây, để tốt nghiệp THCS thì học sinh không được nghỉ học quá 45 buổi học ở năm học lớp 9 (nghỉ một lần hoặc nhiều lần cộng lại).

Điểm mới quan trọng nhất trong Thông tư 31 là bỏ xếp loại trên tốt nghiệp THCS. Trước đây, kết quả tốt nghiệp của học sinh được xếp loại giỏi, khá, trung bình căn cứ vào hạnh kiểm và học lực.

Theo Thông tư mới, Bộ GD&ĐT cho phép địa phương, nhà trường tổ chức xét tốt nghiệp THCS 2 lần/năm (trước đây, các trường chỉ xét tốt nghiệp 1 lần trong năm). Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.

Trước đây, các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở chỉ được xét tốt nghiệp 1 lần trong năm. Quy chế này được áp dụng từ năm học 2024-2025.

Lĩnh vực sức khỏe, sư phạm không được đào tạo từ xa

Cũng trong ngày 28/12/2023, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 28/2023/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học. Thông tư sẽ có hiệu lực kể từ ngày 12/2, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học sau ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.

Bộ GD&ĐT ra quy định các trường đại học không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo chỉ được thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy.

Do đào tạo từ xa, các trường phải có thư viện, thư viện điện tử với số lượng sách, giáo trình, tài liệu tham khảo và các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành đủ để cung cấp, hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu của người học.

Các trường cũng cần có đủ học liệu chính và học liệu bổ trợ cho 2 năm học đầu của chương trình đào tạo từ xa và có kế hoạch xây dựng và phát triển học liệu chính và học liệu bổ trợ cho các học phần còn lại cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để chậm nhất trước một năm.

Đặc biệt, cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ hoạt động đào tạo từ xa từ 6 tháng đến một năm khi có kết luận về một trong những trường hợp sau:

Tự chủ quyết định đào tạo từ xa khi chưa đủ một trong các yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa theo quy định.

Không duy trì được một trong các yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa và ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo theo quy định.

Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo có chương trình đào tạo từ xa.

Lần đầu tiên phẫu thuật thành công thay khớp háng cho cụ bà 105 tuổi

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mới phẫu thuật thành công thay khớp háng bán phần cho 2 cụ bà 105 tuổi và 97 tuổi. Trong đó, ca bệnh 105 tuổi là một trong những trường hợp người bệnh cao tuổi nhất từ trước đến nay được phẫu thuật tại Bệnh viện.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết: Khi chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cả 2 cụ bà đều trong tình trạng tỉnh táo, chân đau nhiều, sưng nề do bị tai nạn sinh hoạt, ngã tiếp xúc hông xuống mặt cứng. Ngay sau khi tiếp nhận, chuyên gia đã cho người bệnh thực hiện các chỉ định X-Quang, siêu âm,... và chẩn đoán bệnh nhân V.T.S (105 tuổi, Tuyên Quang) bị gãy cổ xương đùi và bệnh nhân N.T.N (97 tuổi, Hưng Yên) bị gãy xương đùi.

Sau khi trao đổi với gia đình về tình trạng sức khỏe của người bệnh và hội chẩn các khoa, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cùng ekip đã tiến hành phẫu thuật cho 2 cụ bà bằng phương pháp thay khớp háng bán phần, sử dụng đường mổ nhỏ, ít xâm lấn giúp hạn chế tổn thương, người bệnh ít đau đớn và nhanh hồi phục hơn.

Hai ngày sau ca phẫu thuật thành công, nhờ công tác chăm sóc sau mổ được thực hiện tốt, cả 2 người bệnh đều đã nhanh chóng hồi phục. Hiện tại, tình trạng 2 cụ bà tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, giảm các cơn đau và tập ngồi dậy, dự kiến người bệnh sẽ được tập phục hồi chức năng sớm và tập vận động các khớp lân cận.

Gãy cổ xương đùi là một tai nạn hay gặp ở người cao tuổi, chủ yếu là do ngã trượt chân trên nền cứng, ngã đập vùng hông xuống đất. Phẫu thuật thay khớp háng hiện là phương pháp điều trị tối ưu đối với những ca gãy cổ xương đùi do chấn thương, giúp phục hồi chức năng vận động. Đây là kỹ thuật khó, được triển khai chủ yếu ở các bệnh viện lớn, có đội ngũ chuyên gia về ngoại khoa dày dặn kinh nghiệm cùng các trang thiết bị máy móc hiện đại, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Phẫu thuật CT và Y học thể thao chia sẻ thêm.

3 ngư dân nguy kịch sau ăn cá nóc

Bệnh nhân đang điều trị tại viện.

Bệnh nhân đang điều trị tại viện.

Theo Pháp luật Việt Nam Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam mới tiếp nhận 4 bệnh nhân cấp cứu, trong đó có 3 người trong tình trạng nguy kịch do ăn cá nóc.

Trước đó, chiều tối 28/1, ông L.V.V., (50 tuổi), ông N.V.C., (55 tuổi), anh B.V.B., (35 tuổi) và anh Đ.D.N., (41 tuổi, đều trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam), được đưa vào Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam cấp cứu. Trong đó, 3 bệnh nhân V., C. và B. đau đầu, nôn ói, tiếp xúc chậm, tê lưỡi. Riêng bệnh nhân N. đau đầu nhẹ.

Theo bệnh nhân N., trưa cùng ngày, 4 người trong đó có anh đánh bắt hải sản trên vùng biển xã Tam Hải thì bắt được 3 con cá nóc. Nghĩ cá nóc không có độc nên nhóm đã chế biến để làm thức ăn.

Khoảng 30 phút sau khi ăn, 3 người bạn của ông N. có biểu hiện đau đầu, nôn ói. Đến 17h cùng ngày các nạn nhân được người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Sau 3 ngày nhập viện cấp cứu, hiện cả 4 bệnh nhân sức khỏe đều ổn định và 1 người đã xuất viện về nhà.

Bác sĩ Trịnh Thị Mai Linh, Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam) khuyến cáo, cá nóc là loại cá nguy hiểm, người dân không nên sử dụng cá nóc làm thực phẩm để chế biến món ăn. Bởi vì cá này có độc tố tetrodotoxin, khi ăn cá nóc người bệnh sẽ có biểu hiện tê cứng đầu lưỡi, mệt mỏi, hốt hoảng, yếu tứ chi, tụt huyết áp, mất ý thức, yếu liệt tay chân và có khả năng suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-1-2-mot-so-chinh-sach-giao-duc-co-hieu-luc-tu-thang-2-2024-a648256.html