3 giải pháp để học sinh tìm đến phòng tư vấn tâm lý học đường

Quy định đã có, nhưng để hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh tại các trường đạt hiệu quả rất cần có sự đầu tư cả về nhân lực, cơ sở vật chất và nguồn kinh phí.

Dù công tác tư vấn tâm lý học sinh đã được các trường quan tâm coi trọng, nhưng khi triển khai lại gặp khó bởi không thiếu thứ này thì thiếu thứ khác, dẫn tới tình trạng mạnh trường nào trường nấy làm. Báo Pháp luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia - Phân viện tại TP.HCM, về giải pháp cho vấn đề này.

Trẻ bị bệnh tâm lý do không được sẻ chia đúng cách

. Phóng viên: Thưa TS Phạm Thị Thúy, xin bà cho biết nhận định khi trên thực tế ngày càng có nhiều học sinh (HS) gặp các vấn đề về tâm lý, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 đến nay?

+ TS Phạm Thị Thúy: Sau dịch COVID-19, rất nhiều học sinh bị rối loạn tâm lý, rối loạn lo âu, trầm cảm… Nhiều em nghiện game, mất tập trung học tập, dễ bực bội nổi nóng khó kiềm chế, nhất là những em đang tuổi dậy thì.

Đây là tình trạng đáng báo động, đòi hỏi không chỉ gia đình mà cả nhà trường, xã hội cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sức khỏe tinh thần của các em.

 TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia - Phân viện tại TP.HCM

TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia - Phân viện tại TP.HCM

.Theo bà, nguyên nhân chính khiến học sinh gặp vấn đề về tâm lý bắt nguồn từ đâu? Gia đình, bạn bè, xã hội hay áp lực học tập?

+ Tôi cho rằng nguyên nhân đầu tiên dẫn đến các vấn đề tâm lý của trẻ là sợi dây mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, gia đình… bị mất kết nối.

Lúc này, trẻ gặp khó khăn, thậm chí không bày tỏ được cảm xúc, không có ai lắng nghe trẻ. Lâu dần, trẻ trở nên thu mình, im lặng và né tránh, ít và không bày tỏ cảm xúc. Đây cũng chính là lý do nhiều em tìm đến game như một cách để giải tỏa tâm lý, trốn tránh hiện tại.

Nguyên nhân tiếp theo đến từ người lớn khi không biết cách lắng nghe con trẻ, không chịu hiểu và đặt mình vào vị trí của trẻ để giải quyết vấn đề. Trong những ca tôi tư vấn, có em chia sẻ: “Con từng nói chuyện với bố, nhưng cách giải quyết của bố chỉ làm sự việc thêm tồi tệ!”.

Không được người lớn, nhất là bố mẹ thấu hiểu, cảm thông, vấn đề trẻ gặp phải cứ mỗi ngày lớn thêm một chút. Nếu không được giải quyết triệt để trẻ sẽ sớm rơi vào trầm cảm.

 Học sinh Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP.HCM) rất vui vẻ trong một buổi sinh hoạt hướng nghiệp với tổ tư vấn tâm lý của trường. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP.HCM) rất vui vẻ trong một buổi sinh hoạt hướng nghiệp với tổ tư vấn tâm lý của trường. Ảnh: NTCC

. Không ít người cho rằng áp lực học tập mới là nguyên nhân lớn nhất khiến trẻ ngày nay bị lo âu, trầm cảm. Ý kiến của bà như thế nào?

+ Đúng là nhiều người đã nói vậy. Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng vì áp lực học tập bản thân nó không phải vấn đề lớn nhất. Vấn đề sâu xa ở đây là thái độ của của người xung quanh đối với trẻ khi trẻ học tập có gây áp lực cho trẻ không mà thôi.

Tư vấn tâm lý cho học sinh: Quan trọng là cách làm

. Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20 quy định trong trường học có một vị trí tư vấn học đường, tuy nhiên nhiều trường vẫn chưa thực hiện, có phải trường chưa thực sự quan tâm, chú trọng?

+ Khi tới trường, học sinh không chỉ học kiến thức mà còn có nhu cầu được vui chơi, được lắng nghe và chia sẻ, nhất là từ phía thầy cô giáo. Điều đó cho thấy sự cần thiết của người làm công tác tư vấn học đường, các trường đều nhận thức được tầm quan trọng của việc này. Thông tư 20 đã đáp ứng được nhu cầu có thật của học sinh, nhà trường.

Thông tư đã có nhưng chưa được triển khai đều khắp và hiệu quả do các trường còn vướng nhiều thứ, chẳng hạn khâu nhân sự, tuyển dụng, trả thù lao, cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu… Hơn nữa, sinh viên được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học đường hiện không nhiều, đâu phải trường nào cũng tuyển được.

 Cô Nguyễn Thị Lê, giáo viên tâm lý Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP.HCM) đang tư vấn cho học sinh qua trang web “Nhỏ to tâm sự”. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Nguyễn Thị Lê, giáo viên tâm lý Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP.HCM) đang tư vấn cho học sinh qua trang web “Nhỏ to tâm sự”. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

. Theo ghi nhận của PV, phòng tư vấn tâm lý học đường ở một số trường hoạt động rất hiệu quả, trong khi ở trường khác học sinh gần như không quan tâm. Theo bà đâu là lý do?

+ Trước khi Thông tư 20 ra đời, nhiều trường đã tự xoay xở tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý học đường (dù là giáo viên kiêm nhiệm) rất hiệu quả, điều này phụ thuộc rất lớn vào cách làm của từng trường.

Để khắc phục tình trạng phòng tư vấn tâm lý học đường bị “ế”, các trường (nhất là trường học hạnh phúc) cần phải có sự thay đổi trong cách làm, tập trung vào ba giải pháp sau:

Một là, các trường phải ý thức được đây là việc quan trọng, từ đó đổi mới hình thức tư vấn sao cho phong phú, thu hút học sinh, xóa tan suy nghĩ phòng này chỉ dành cho những người có vấn đề.

Thông tư 20/2023 của Bộ GD&ĐT quy định đối với vị trí việc làm tư vấn học sinh, mỗi trường được bố trí một người. Trường hợp không bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16-12-2023 thay thế cho thông tư số 16/2017.

Hai là, phòng tư vấn phải mở rộng đối tượng tiếp đón, tức không chỉ dành cho học sinh, mà giáo viên và phụ huynh đều có thể tới đây nếu có nhu cầu.

Ba là, khi chưa tuyển được giáo viên chuyên trách, chuyên gia tâm lý, trường nên bố trí người nhiều kinh nghiệm, giỏi nắm bắt tâm lý học sinh để phụ trách phòng tư vấn, đồng thời cử đi tập huấn và có chế độ thù lao xứng đáng cho họ.

. Xin cám ơn bà!

Sẽ có cơ chế tuyển dụng chuyên gia tư vấn tâm lý

Năm 2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 20 quy định mỗi trường (từ cấp tiểu học đến THPT) đều có một vị trí việc làm về tư vấn tâm lý cho học sinh. Nghĩa là Thông tư 20 có bổ sung thêm vị trí tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông công lập, trường chuyên biệt. Khi có một vị trí việc làm, trường học sẽ có cơ chế tuyển dụng. Chuyên gia tư vấn này sẽ giúp học sinh gỡ bỏ những nút thắt khó chia sẻ và tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em trong tương lai.

Ông ĐỖ ĐỨC QUẾ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/3-giai-phap-de-hoc-sinh-tim-den-phong-tu-van-tam-ly-hoc-duong-post790232.html