Yếu tố đa chiều tác động lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm 2024

Bối cảnh thị trường tiền tệ đầu năm 2024 đã có nhiều thay đổi so với cuối năm 2023 và các ngân hàng đối diện với nhiều yếu tố tác động lên hoạt động kinh doanh.

Các chính sách hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp tiếp tục được triển khai. Ảnh: TL

Các chính sách hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp tiếp tục được triển khai. Ảnh: TL

Có thể giảm lợi nhuận từ cho vay

Cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024, trong đó một trong những tin về tốc độ tăng trưởng tín dụng bùng nổ của nhóm này trong tháng 12/2023.

Đưa ra đánh giá chung về nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, nhóm này đã có diễn biến tích cực với mức tăng 19% so với cùng kỳ, vượt trội hơn so với mức tăng 12% của chỉ số VN-Index. Trong đó, một số ngân hàng có diễn biến giá tăng tới trên 50%.

Một số cổ phiếu có mức tăng mạnh nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư sau những thông tin về sự hỗ trợ của hành lang pháp lý. Ngoài ra, thông tin tăng trưởng tín dụng bùng nổ của các ngân hàng trong tháng 12/2023 cũng là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư đặt ra kỳ vọng vào khả năng trưởng mạnh của lợi nhuận ngân hàng đến từ thu nhập lãi thuần.

VNBA lo lắng về tín dụng tiêu dùng

Theo đánh giá của đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), hiện nay hạn mức tăng trưởng tín dụng không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay, kể cả cho vay cá nhân.

Ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng và VNBA cũng đặt mối quan tâm đến tín dụng tiêu dùng khi đang xuất hiện các hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội, người vay chây ì trả nợ... Do đó, các công ty tài chính không dám mạnh tay cho vay.

Kết quả kinh doanh thực tế của nhóm các ngân hàng niêm yết cho thấy đây là nhóm có tăng trưởng lợi nhuận khá tốt trong quý IV/2023. Cụ thể, tăng trưởng doanh thu của nhóm ngân hàng tăng 9,6%, tăng trưởng lợi nhuận đạt tới 25,7% trong quý IV và điều này đã đóng góp đáng kể đưa kết quả kinh doanh chung của các ngân hàng trong cả năm 2023. Tăng trưởng doanh thu lũy kế của nhóm các ngân hàng trong năm 2023 đạt 4,1%, tăng trưởng lợi nhuận lũy kế cả năm đạt 3,6%.

So hiệu quả của ngân hàng trong quý IV và cả năm cho thấy, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận riêng quý IV đều vượt trội so với tốc độ bình quân cả năm. Theo đó, bước tăng tốc cán đích của các ngân hàng trong thời điểm cuối năm 2023 có thể là một yếu tố quan trọng làm thay đổi cục diện về bức tranh kinh doanh nhóm ngành này. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian gần đây bất ngờ giảm mạnh lại đang nảy sinh nỗi lo mới về kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I và nửa đầu năm 2024.

Ẩn số vẫn còn phía trước

Theo công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng bất ngờ quay đầu âm 0,6% trong tháng 1/2024. Bức tranh này đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện về diễn biến cho vay của ngành Ngân hàng sau khi bùng nổ mạnh mẽ trong tháng 12/2023. Với tình hình tăng trưởng âm của tín dụng đầu năm 2024, thực trạng cho vay của ngành Ngân hàng thậm chí còn đang chậm hơn cả giai đoạn đầu năm 2023, khi đó tín dụng tuy tăng trưởng chậm, nhưng vẫn là con số dương.

Tại một số ngân hàng cụ thể, Vietcombank cho biết, đến hết tháng 1/2024, dư nợ cho vay của ngân hàng này giảm 2,3%, tương ứng khoảng 30.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỷ đồng, còn tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỷ đồng. Trong khi đó tại BIDV, dư nợ tín dụng tháng 1 giảm 1,25% so với cuối năm trước, tương đương giảm 25.000 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, diễn biến trong 1 tháng đầu năm cũng chưa phản ánh được đầy đủ bức tranh chung của thị trường tiền tệ bởi theo lý giải của một số lãnh đạo các ngân hàng, đây là hiện tượng bình thường trong các tháng đầu năm do tâm lý khách hàng và các hoạt động kinh tế chưa sôi động bởi đây là mùa nghỉ lễ.

Ngoài ra, một trong những yếu tố thuận lợi của ngành Ngân hàng trong giai đoạn tới là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được thông qua và nhiều văn bản hướng dẫn sẽ được ban hành thực hiện được kỳ vọng là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động ngân hàng. Các chính sách hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp (như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng…) tiếp tục được triển khai, các dự án đầu tư công sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư, các chính sách thương mại tiếp tục được củng cố và mở rộng sẽ tạo đà thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong ngắn hạn, diễn biến thuận lợi nữa là mặt bằng lãi suất đang tiếp tục hạ, một số ngân hàng đang để lãi suất huy động kỳ hạn 1 – 2 tháng chỉ dưới 2%/năm và đây là yếu tố giúp cho ngân hàng có thể huy động vốn với chi phí rẻ, từ đó vẫn có thể có lợi nhuận tốt từ thu nhập lãi thuần.

Ngoài ra, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng.

ÔNG PHẠM TOÀN VƯỢNG - TỔNG GIÁM ĐỐC AGRIBANK: Tín dụng cuối năm tăng nhanh, đầu năm chậm cũng là thông lệ thường gặp

Từ đầu năm, chúng tôi đã tập trung triển khai các giải pháp. Thứ nhất, năm nay cơ chế tăng trưởng tín dụng rất đồng loạt, ngay từ đầu năm chúng tôi đã ra kế hoạch nên cho vay không có vướng mắc gì về mặt chỉ tiêu, về mặt lãi suất, về nguồn vốn…

Thứ hai, Agribank có đặc thù là dư nợ cho vay cá nhân chiếm 70% và thông lệ là cuối năm tăng trưởng rất nhanh và đầu năm giảm. Thứ ba, chúng tôi đã xây dựng chính sách tín dụng nói chung về chủ động giảm lãi suất, năm 2023 giảm 6 lần, đầu năm 2024 tiếp tục giảm 1 lần. Đầu năm 2024 đã triển khai gói tín dụng 60 nghìn tỷ với nhóm đối tượng là cho cá nhân. Thứ tư là tập trung vào cải tiến quy trình thủ tục, chúng tôi áp dụng cơ sở dữ liệu về dân cư và đang triển khai.

Riêng về cho vay bất động sản, hiện tại Agribank đang cho vay hơn 200 nghìn tỷ trong đó về dư nợ kinh doanh bất động sản hơn 20 nghìn tỷ đồng. Về cho vay theo chuỗi, chúng tôi đang triển khai trong tâm chuỗi khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Dự đoán thời gian tới kinh tế sẽ hồi phục nhưng chậm, có thể quý III hoặc quý IV sẽ hồi phục rõ rệt hơn.

ÔNG ĐỖ THANH SƠN - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH BAN ĐIỀU HÀNH VIETTINBANK: Sự ổn định và phát triển của các doanh nghiệp là cơ sở cho ngân hàng thúc đẩy tín dụng

VietinBank đã đề xuất tới Chính phủ và các bộ, ban, ngành rất nhiều nội dung tại Hội nghị tổng kết ngành Ngân hàng trong tháng 1 vừa qua, nên tôi xin phép tóm tắt lại rất ngắn gọn.

Điểm nghẽn chính trong tăng trưởng tín dụng đó là sự giảm sút trong nhu cầu hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Theo đó, chúng tôi đề xuất các bộ ngành và các địa phương có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; tiếp tục có các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Một giải pháp nữa là cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đa dạng hóa nguồn cung - đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Chúng ta cũng cần thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tóm lại, sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng cũng như toàn nền kinh tế.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/yeu-to-da-chieu-tac-dong-loi-nhuan-ngan-hang-nua-dau-nam-2024-145551-145551.html