Yên Bái thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay đầu năm mới

Năm 2023 áp lực giải ngân vốn lớn song Yên Bái vẫn là một điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn năm 2024, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm mới.

Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công góp phần thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công góp phần thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, với những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen tác động không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái.

Tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, năm 2023, toàn tỉnh đã huy động trên 20.000 tỷ đồng tổng vốn đầu tư phát triển, trong đó khu vực nhà nước đạt 6.342,8 tỷ đồng, chiếm trên 31%.

Áp lực giải ngân vốn lớn, song dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, địa phương và các đơn vị chủ đầu tư, đến nay, Yên Bái đã hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn năm 2023 và giải ngân đạt 4.530 tỷ đồng/kế hoạch 6.342,8 tỷ đồng, bằng 71,5% (cùng kỳ năm 2022 đạt 63,5%). Riêng vốn Thủ tướng Chính phủ giao đã giải ngân 2.750 tỷ đồng/ 3.790,6 tỷ đồng kế hoạch, bằng 72,5%, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố; dự kiến hết ngày 31/01/2024 đạt trên 95%, bảo đảm mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Trong quá trình phân bổ, tỉnh đã tập trung ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành một số công trình trọng điểm như: Dự án công trình cầu Giới Phiên; đường Trạm Tấu - Bắc Yên; kè chống sạt lở một số điểm trên suối Ngòi Thia và suối Ngòi Hút; đường Sơn Lương - Nậm Mười - Sùng Đô, huyện Văn Chấn; hoàn thành các hạng mục chính của dự án đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với tỉnh lộ 174 (huyện Trạm Tấu); đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái... và khởi công một số công trình trọng điểm như: đường nối quốc lộ 32 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC14); đường nối quốc lộ 70, quốc lộ 32C, quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Trụ sở Tỉnh ủy, các ban Đảng và Trung tâm Hội nghị tỉnh.

 Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn kiểm tra tiến độ thi công một số công trình dự án trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn kiểm tra tiến độ thi công một số công trình dự án trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công đã giao là 5.036 tỷ đồng. Việc triển khai tuân thủ các nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn theo quy định Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/NQ-UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 10/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh sẽ bố trí đủ vốn cho các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trả nợ gốc các khoản vay; vốn đối ứng cho các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; đối ứng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành; thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và một số nhiệm vụ theo quy định của Luật Đầu tư công; các dự án chuyển tiếp theo tiến độ thực hiện, trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm của tỉnh.

Đối với vốn nước ngoài, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định vay trong năm 2024 và không có khả năng gia hạn. Bố trí vốn khởi công mới đối với các dự án quan trọng, cấp thiết đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bảo đảm đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Ông Đoàn Hữu Phung – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án năm 2024 đã được Sở tham mưu cho UBND tỉnh triển khai song song với công tác lập kế hoạch năm 2024, từ quý II/2023. Đặc biệt, đối với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sử dụng vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cho phép thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư từ rất sớm, bảo đảm phục vụ công tác lập, thẩm định, giao kế hoạch. Đến nay, các dự án dự kiến khởi công mới năm 2024 đã cơ bản được bố trí kế hoạch vốn.

Trong quá trình rà soát, nhu cầu đầu tư còn rất lớn, đặc biệt các dự án lĩnh vực giáo dục và đào tạo; y tế; giao thông; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thủy lợi... Tuy nhiên, với nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu tiền sử dụng đất hằng năm chưa đáp ứng nhu cầu, vốn ngân sách cấp huyện chưa bảo đảm khả năng đối ứng cho các dự án nên việc rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên bảo đảm phù hợp với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là cần thiết.

Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát, kịp thời bổ sung các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, đặc biệt là thu từ tiền sử dụng đất để có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh cho phép thực hiện bổ sung công tác chuẩn bị đầu tư các dự án lĩnh vực giáo dục và đào tạo; y tế; giao thông; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thủy lợi... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh.

Giám đốc Đoàn Hữu Phung cho biết thêm: Sở sẽ chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là, chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư xây dựng, phê duyệt kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện và giải ngân của từng dự án, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân, người đứng đầu gắn với trách nhiệm và thời gian hoàn thành đối với từng công việc.

Trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn của các dự án, phấn đấu giải ngân chung toàn tỉnh hết quý I đạt trên 25%, hết quý II đạt trên 50%, hết quý III đạt trên 75% và hết năm 2024 đạt 100% kế hoạch.

Sở cũng tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư dự án khởi công mới làm cơ sở giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2024. Rà soát các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi kịp thời đưa vào đầu tư công để phân bổ cho các dự án có khả năng hấp thụ vốn. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch vốn theo nguyên tắc điều chỉnh giảm vốn của các dự án hoàn thành, hết nhiệm vụ chi, dự án gặp khó khăn, vướng mắc có tiến độ triển khai thực hiện chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành nhưng thiếu vốn, dự án trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và các dự án thiếu vốn giải phóng mặt bằng...

Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện theo hướng làm gọn từng phần, kiểm đếm đến đâu thì thẩm định, phê duyệt, chi trả tới đó; có mặt bằng sạch tới đâu thì triển khai thi công ngay đến đó.

Chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; chủ động, quyết liệt trong công tác giải ngân, thanh toán; ưu tiên giải ngân thanh toán cho các nhà thầu, các gói thầu có tiến độ thực hiện tốt. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; có biện pháp chấn chỉnh, thay thế nhà thầu hoặc bổ sung nhà thầu phụ đối với các nhà thầu không đáp ứng đủ năng lực; lập danh sách các nhà thầu tư vấn, xây lắp... yếu kém về năng lực hoạt động xây dựng, chậm tiến độ.

Đức Toàn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/306383/yen-bai-thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong-ngay-dau-nam-moi.aspx