Y tế Thái Nguyên từ thời chiến đến thời bình

Trong những năm chiến tranh, dẫu điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân gặp nhiều trở ngại nhưng lực lượng Y tế Thái Nguyên vẫn luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cơ sở vật chất của Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với cả nước, ngành Y tế Thái Nguyên đã tích cực, chủ động xây dựng về mọi mặt. Nhiệm vụ trọng tâm của Ngành là bảo đảm y tế cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nói chung, của tỉnh nói riêng.

Cũng như các tỉnh miền Bắc thời ấy, hệ thống y tế tại Thái Nguyên được củng cố với sự ra đời của các trạm hộ sinh xã, các bệnh viện. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Bệnh viện Liên khu Việt Bắc, trực thuộc Khu Y tế Liên Khu Việt Bắc (nay là Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên). Được thành lập từ năm 1951, Bệnh viện đã quy tụ nhiều y, bác sĩ có trình độ chuyên môn phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc miền núi vùng Đông Bắc, trong đó có Thái Nguyên… Khi ấy, ngành Y tế Thái Nguyên còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị và kỹ thuật điều trị, cấp cứu thương binh và nạn nhân trong thời chiến…

Là đầu mối giao thông quan trọng nối Thủ đô Hà Nội, các tỉnh đồng bằng với vùng Việt Bắc, lên biên giới Việt - Trung, nên Thái Nguyên có vị trí quan trọng, có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng. Vì thế, từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ đã nhiều lần huy động máy bay vào trinh thám vùng trời Thái Nguyên. Đến tháng 10-1965, máy bay Mỹ đã ném bom, bắn phá khu vực cầu Gia Bẩy và xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) làm 147 người chết và bị thương…

Cũng từ giữa năm 1966, đế quốc Mỹ tập trung máy bay, bom đạn đánh phá có tính chất hủy diệt Khu Gang thép Thái Nguyên. Đặc biệt, giữa lúc nhân dân đang tập trung khôi phục kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, thì tháng 4-1972, đế quốc Mỹ huy động hàng trăm lượt máy bay và tàu chiến quay trở lại đánh phá miền Bắc với thủ đoạn tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến lần thứ nhất.

Nhiều nhà cửa, đường xá, kho tàng, trường học, xí nghiệp và nhà máy của Thái Nguyên bị phá hủy. Việc đế quốc Mỹ đánh phá tập trung, với nhiều loại bom đạn mang tính sát thương cao như vậy khiến cho công tác giải quyết hậu quả đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của ngành Y tế Thái Nguyên trong tổ chức vận chuyển, cấp cứu bộ đội và người dân bị thương.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, mạng lưới y tế phòng không ở Thái Nguyên được tổ chức rộng khắp, giải quyết kịp thời hậu quả do chiến tranh gây ra. Công tác phòng và khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh ngày càng được tăng cường. Đến năm 1968, toàn tỉnh có 18 bệnh viện, 236 trạm y tế với 1.628 giường bệnh, 320 bác sĩ, y sĩ, tăng 37,4% so với năm 1965.

Là cơ sở y tế ngoài công lập nhưng Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã trở thành địa chỉ uy tín trong khám, chữa bệnh của người dân. Bệnh viện có thể thực hiện được nhiều kỹ thuật như thay khớp háng, phẫu thuật u xơ tử cung..., góp phần giảm tải cho y tế công lập.

Đi qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, ngành Y tế Thái Nguyên đã không ngừng vươn lên và có sự phát triển vượt bậc. Đến nay, gần 160 trong tổng số 177 trạm y tế trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng nhà làm việc hai tầng khang trang với đầy đủ các phòng chức năng. Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cũng không ngừng được đầu tư xây dựng những dãy nhà cao tầng, hiện đại.

Đáng nói, các trang thiết bị y tế hiện đại cũng được đầu tư như: Máy chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), máy chụp cộng hưởng từ MRI, máy điện não đồ, siêu âm màu 4D, siêu âm tim màu, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy xét nghiệm giải phẫu bệnh...

Cùng với đó, nguồn lực con người cũng được nâng cao cả chất và lượng. Hiện, trên địa bàn tỉnh có trên 5.500 cán bộ y tế (bao gồm cả lực lượng cán bộ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), trong đó có đến hơn 50% người có trình độ bác sĩ.

Đáp ứng các điều kiện cần và đủ nên các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên. Đơn cử, Bệnh viện A đã thực hiện được kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (IUI, IVF); Bệnh viện Gang thép thực hiện kỹ thuật chuyên sâu về hồi sức cấp cứu; Bệnh viện C phát triển được kỹ thuật ngoại khoa, chấn thương…

Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên đã đầu tư nhiều thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh, trong đó có máy siêu âm 4D, hệ thống máy xét nghiệm tự động...

Riêng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thực hiện được những kỹ thuật khó như: mổ tim kín, tim hở; phẫu thuật khâu nối mạch máu; phẫu thuật u não, phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng; ứng dụng cánh tay robot trong phẫu thuật cột sống; cắt u phổi, u trung thất; ghép tế bào gốc tự thân cho người bệnh đa u tủy xương; phẫu thuật nội soi lấy thận từ người cho sống ghép cho người bệnh; cắt tách niêm mạc qua nội soi (ESD); phẫu thuật nội soi u tuyến giáp qua đường miệng…

Trải qua những năm tháng gian khổ, đến nay hệ thống khám, chữa bệnh tại Thái Nguyên đã phát triển khá đồng bộ với 1 bệnh viện tuyến Trung ương hạng đặc biệt, 2 bệnh viện tuyến tỉnh hạng I, 9 bệnh viện hạng II và nhiều bệnh viện hạng III. Theo ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, hiện nay người dân trong và ngoài tỉnh đã được chăm sóc sức khỏe với những dịch vụ y tế tốt nhất. Mỗi năm, số lượt người dân tỉnh Thái nguyên được khám, chữa bệnh trung bình đạt 1,8-2,0 lượt/người.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202404/y-te-thai-nguyen-tu-thoi-chien-den-thoi-binh-c692aaf/