Ý nghĩa bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương theo 10 bước phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, ở cấp quốc gia, từ năm 2017, như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Chính phủ đã sử dụng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố hàng năm nhằm xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia.

Từ đó, đưa ra các giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách liên quan. Tại Nghị quyết hàng năm, Chính phủ phân công cụ thể đến từng bộ, ngành chủ trì theo dõi và cải thiện các chỉ số Việt Nam còn hạn chế, đồng thời giao Bộ KH&CN làm đầu mối điều phối, theo dõi chung.

Những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Việt Nam liên tục được tổ chức WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập.

Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 02 bậc so với năm 2022. Trong 10 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng GII của Việt Nam tăng 30 bậc (từ vị trí 76 lên 46). Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Chỉ số đổi mới sáng tại Việt Nam qua các năm (do WIPO xếp hạng công bố.

Chỉ số đổi mới sáng tại Việt Nam qua các năm (do WIPO xếp hạng công bố.

Ở cấp địa phương, thực tế cho thấy, do chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia nên nhiều số liệu thống kê ở cấp địa phương không có. Phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới nên có những điểm không tương đồng với thực tiễn các địa phương của Việt Nam.

Bên cạnh đó, do có sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế xã hội, dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển... nên các địa phương cần phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng.

Do đó, nhiều địa phương đã kiến nghị cần có bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương để có căn cứ khoa học và có số liệu minh chứng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của WIPO, trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm xây dựng các bộ chỉ số cấp địa phương đã có trong nước (PCI, PAR, PAPI…) và kinh nghiệm nước ngoài, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương theo 10 bước phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam.

Khung chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của WIPO và chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) của Việt Nam.

Khung chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của WIPO và chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) của Việt Nam.

Bộ chỉ số PII nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, qua đó cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương, giúp cho các cấp lãnh đạo của địa phương có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển.

Với chính quyền các cấp, bộ chỉ số PII cung cấp các căn cứ về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương; làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng, thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy thực hiện các sáng kiến phát triển kinh tế xã hội ở địa phương dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng các thế mạnh và vượt qua các thách thức.

Cung cấp công cụ, kĩ thuật cho phép đánh giá, so sánh năng lực, kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các địa phương cũng như chất lượng điều hành, quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; góp phần nâng cao năng lực và kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đối với nhà đầu tư, kết quả đánh giá PII của địa phương sẽ là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.

Bộ chỉ số PII cũng có ý nghĩa đối với cộng đồng các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ để xem xét, cân nhắc các tài trợ và hoạt động có liên quan tại các địa phương ở Việt Nam.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/y-nghia-bo-chi-so-doi-moi-sang-tao-cap-dia-phuong-1944742.html