Xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Sau 49 năm giải phóng (10-3-1975 / 10-3-2024), từ một thị xã nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã vươn lên trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên-Thành phố cà phê thế giới.

Trao đổi với các cơ quan thông tấn, báo chí trong những ngày đầu xuân, đồng chí Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết cụ thể về tình hình kinh tế-xã hội của thành phố. Sau giải phóng, dân số toàn thị xã Buôn Ma Thuột chỉ vỏn vẹn 121.115 nhân khẩu. Quy mô sản xuất kinh tế nhỏ bé. Ngành thương nghiệp năm 1975 có 1.871 hộ kinh doanh, với tổng tiền thuế nộp ngân sách là 236.153 đồng; về sản xuất nông nghiệp, toàn thị xã có 1.500 gia đình tham gia tại các khu kinh tế mới, với diện tích hơn 10.000ha đã sản xuất được 9.795ha trồng vụ mùa 1975; hạ tầng nội thị còn nhiều khu dân cư trong cảnh lầy lội vào mùa mưa, có 3.000 gia đình và nhiều đoạn đường nội thị chưa có điện và có khoảng 1.000 người tàn tật, mù lòa, neo đơn, mồ côi không nơi nương tựa cần trợ cấp.

Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột sau 49 năm giải phóng. Ảnh: Bình Định

Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột sau 49 năm giải phóng. Ảnh: Bình Định

Từ một thị xã miền núi hoang sơ, sau 49 năm, Buôn Ma Thuột đã từng bước vươn lên: Năm 1995, Buôn Ma Thuột được Chính phủ nâng cấp từ thị xã trở thành thành phố; năm 2005, được công nhận là đô thị loại II. Ngày 8-2-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 288/QĐ-TTg công nhận Buôn Ma Thuột là đô thị loại I. Đặc biệt, ngày 16-12-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, sẽ xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng; trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao thương buôn bán, hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam-Lào-Campuchia.

Ngày 15-11-2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Buôn Ma Thuột. Là đơn vị cấp huyện duy nhất được Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, xác định được nhiệm vụ, vai trò, mục tiêu và những lợi thế sẵn có cùng với các cơ chế đặc thù được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 72/2022/QH15, trong năm 2023, TP Buôn Ma Thuột đạt nhiều bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư hạ tầng đô thị, giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 13.757 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 2.862 tỷ đồng, bằng 108,53% so với năm 2020, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 34.600 tấn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 67.978 tỷ đồng, tăng 52,08% so với năm 2020. Thành phố có 4/4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hộ nghèo chỉ còn 229 hộ, chiếm 0,2%; hộ cận nghèo còn 603 hộ, chiếm 0,55%. Hạ tầng giao thông đạt tỷ lệ cứng hóa, bê tông hóa 97,02%. Hệ thống điện chiếu sáng công cộng được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đất cây xanh đô thị bình quân đầu người đạt 17,21m2/người; đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành đạt 8,27m2/người. Trường chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt gần 96% số lượng.

Sự vươn lên mạnh mẽ của Buôn Ma Thuột được thể hiện rõ khi chúng tôi về xã Hòa Thuận, nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố, nơi sinh sống của 4.012 hộ/17.000 nhân khẩu. Đồng chí Nguyễn Công Thảo, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hòa Thuận trước giải phóng là xã Đạt Lý, được Thị ủy Buôn Ma Thuột chọn là địa bàn trọng yếu để xây dựng căn cứ cách mạng năm 1966, trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, nơi xuất quân của bộ đội ta tiến công địch ở Buôn Ma Thuột. 38 hộ dân những năm tháng kháng chiến đã bám trụ tại Đạt Lý tiếp tế cho cách mạng hơn 100 tấn gạo, hàng chục tấn hàng hóa; nuôi giấu hàng trăm lượt cán bộ, bộ đội. Sau 49 năm giải phóng, Hòa Thuận đã trở thành xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu năm 2024 trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 66 triệu đồng.

Gắn bó với tỉnh Đắk Lắk từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột (sau ngày giải phóng), nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk giai đoạn 1969-1975 và giai đoạn 1983-1992 đã có những khẳng định về sự đổi thay, phát triển của vùng đất này. Trước và sau năm 1975, ở nhiều buôn làng, bà con còn phải ăn củ rừng, rau rừng để sống; phụ nữ còn mặc đồ vỏ cây; người già, trẻ nhỏ ở trần. Nay tuy còn số ít hộ nghèo nhưng nhìn chung, cuộc sống đã thực sự no ấm, hiện đại, văn minh.

Hiện nay, TP Buôn Ma Thuột đã báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk thẩm định và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Dự án phát triển đô thị bền vững TP Buôn Ma Thuột với tổng mức đầu tư hơn 12.197 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các dự án trọng điểm, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế địa phương như: Trung tâm logistics công nghệ cao; Cụm công nghiệp Hòa Xuân. Năm 2024 và những năm tiếp theo, TP Buôn Ma Thuột tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh Đắk Lắk. Xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 trên tất cả lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, để khẳng định vị thế là thành phố phát triển nhất của vùng, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên như Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị.

KIỀU BÌNH ĐỊNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xung-tam-do-thi-trung-tam-vung-tay-nguyen-769344