'Xuân sum vầy - Tết sẻ chia': Tết là để cho đi!

Tết hẳn là dịp để người đi xa trở về sum vầy chung vui với gia đình và đó cũng là cơ hội để mỗi người học cách biết ơn, sẻ chia và cho đi.

Sau một năm làm việc vất vả, giữa thời khắc giao thoa của năm cũ và năm mới, lòng người chộn rộn, khấp khởi như muốn cởi bỏ hết những phiền muộn, khó khăn của cuộc sống thường ngày để cùng hòa vào niềm hân hoan đón mùa xuân về, với những mong cầu cho một năm mới tươi đẹp, đủ đầy và bình an. Dẫu vậy, với những người có hoàn cảnh neo đơn, những mảnh đời cơ cực, Tết chưa hẳn đã vui, xuân chưa hẳn đã mừng.

Từ Quán Gò chạy xe ngang chợ Đo Đo rồi thẳng lên tới kênh Phú Ninh, quang cảnh miền quê thôn núi của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam hiện ra trong mắt tôi quá đỗi yên bình.

Cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, những món quà nghĩa tình được trao tặng cho người nghèo của xã Bình Quế trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, những món quà nghĩa tình được trao tặng cho người nghèo của xã Bình Quế trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Và cùng với MTTQ xã Bình Quế trong buổi gặp mặt, trao quà ấm áp

Và cùng với MTTQ xã Bình Quế trong buổi gặp mặt, trao quà ấm áp

Những cánh đồng xanh mướt còn thơm mùi sương mai đang reo vui đón những tia nắng đầu tiên của một ngày mới. Mùi khói bếp bảng lảng tỏa ra từ mấy chái bếp quanh xóm hòa vào mạch sống cỏ cây, hoa lá buổi sớm như tạo nên bức tranh miền quê sống động giữa đời thực.

Trái ngược với phong cảnh hữu tình mà người thị thành muốn tìm đến để hít hà thì đi sâu hơn vào các thôn xóm mới thấy ở đây vẫn còn nhiều mảnh đời cứ đang loay hoay mãi với cái nghèo.

Nhìn đi nhìn lại trong xóm, giờ đây chủ yếu còn lại người già, trẻ em và phụ nữ. Dường như, thanh niên trai trẻ đã ra phố làm ăn hết cả. Nghề nông lại bám dính vào tay các cụ và mấy chị em phụ nữ chịu thương chịu khó.

Chồng tôi lớn lên ở trên đất Bình Xá, anh từng kể tôi nghe về một thời khốn khó xưa kia của gia đình anh và của cả người dân trong làng. Để thoát ra khỏi cảnh nhọc nhằn và thiếu thốn của nghề nông, anh và bạn cùng lứa phải cố gắng thu lượm con chữ giữa những mùa lúa chín, giữa ngày nắng cháy da hay giữa những cơn mưa dầm dề. Và để hôm nay, những thanh niên trẻ như anh như bạn anh mới có thể quay lại cùng nhau góp tấm lòng thành để bà con trong thôn nhận được chút sẻ chia nghĩa tình trong những ngày cuối năm.

Tết là để cho đi, để giúp những mảnh đời bất hạnh

Tết là để cho đi, để giúp những mảnh đời bất hạnh

Hơn bốn năm qua, cứ độ Tết đến xuân về, anh Nguyễn Đăng Hữu, bạn của chồng tôi, âm thầm đi xin danh sách bà con có hoàn cảnh khó khăn từ trưởng thôn, đồng thời kêu gọi bạn bè thân hữu quyên góp, trao quà Tết, giúp những hoàn cảnh đặc biệt trong thôn có một cái Tết ấm no, an lành. Đó như là cách anh mong muốn đem lại cho bà con chút không khí Tết với niềm vui nho nhỏ đón mùa xuân về.

Năm nay, khi số tiền kêu gọi được hơn 10 triệu đồng, cùng nguồn huy động 2 triệu đồng từ Mặt Trận xã và Hội Liên Hiệp Phụ Nữ xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, anh Hữu thay mặt bạn bè, đồng hương và các nhà hảo tâm trao 45 suất quà Tết đến bà con hộ nghèo, cận nghèo và neo đơn trong xã.

Tôi và chồng, những người luôn theo lời kêu gọi của anh Hữu, cảm thấy ấm áp vô cùng khi hay tin những phần quà nghĩa tình được trao đi. Chúng tôi luôn cảm mến tấm chân tình của anh. Bởi anh như cầu nối gắn kết, như sợi dây níu kéo những người sống tha hương như chúng tôi hướng về quê nhà, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau giúp đỡ những mảnh đời còn khốn khó an lòng bước tới thềm năm mới trong niềm mong đợi hân hoan.

Tuy những gì anh Hữu làm còn ở phạm vi quy mô nhỏ và với một nguồn lực hạn chế nhưng tôi tin hành động của những người như anh sẽ có tác động lớn đến suy nghĩ của thế hệ trẻ mai sau. Bởi biết đâu, mấy đứa nhỏ ở những mái nhà ấy sau này dù có đi xa cũng sẽ quay về giúp đỡ quê hương bằng một cách nào đó và tiếp bước truyền thống "lá lành đùm lá rách" mà bao đời nay người Việt luôn cố gắng gìn giữ.

Tết hẳn là dịp để người đi xa trở về sum vầy chung vui với gia đình và đó cũng là cơ hội để mỗi người học cách biết ơn, sẻ chia và cho đi.

Để tình người được nảy nở như hoa cỏ mùa xuân!

Để yêu thương được đong đầy ăm ắp, để niềm vui ở lại bên người trao đi và cả người nhận về!

Đặng Nhung (Landskrona, Thụy Điển)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xuan-sum-vay-tet-se-chia-tet-la-de-cho-di-196240212231358582.htm