Xuân Giáp Thìn nhớ thi tướng Huỳnh Văn Nghệ

Ngày 2-2-2024 (có tài liệu viết ngày sinh là 12-2 hoặc 2-1-1914), Huỳnh Văn Nghệ tròn 110 năm sinh thành. Bên chén trà xuân, đọc lại cuốn sách Thơ văn Huỳnh Văn nghệ do NXB Đồng Nai ấn hành 26 năm trước, bổi hổi bồi hồi nhớ về một vị tướng được vinh danh đặc biệt trong lòng dân.

Hình thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trên Báo Xuân

Hình thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trên Báo Xuân

Bài viết về Huỳnh Văn Nghệ đã rất nhiều, nhưng viết hoài không hết, nghĩ hoài không cạn ý. Nhiều điều đọng lại, thấm sâu.

Thi tướng rừng xanh

Huỳnh Văn Nghệ được sinh ra, lớn lên tại làng quê bên hữu ngạn sông Đồng Nai. Nơi đó, lúc ấy là một làng nghèo sản vật nhưng giàu truyền thống cách mạng, và lạ kỳ, cũng là nơi sản sinh nhiều anh tài nổi tiếng khác như: Nguyễn Văn Nghĩa, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Bình Nguyên Lộc… Theo Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ, tuổi thơ Huỳnh Văn Nghệ được gieo trồng trong một gia đình nền nếp, nhân nghĩa. Ông là hình ảnh kết tinh truyền thống của quê hương, nghĩa khí của cha, đức bao dung của mẹ, nghĩa tình của bạn bè và thiên tư của chính mình. Những giá trị ấy được vun đắp bởi lòng yêu nước, khát khao cống hiến của tuổi trẻ, ngày càng tỏa sáng ở Huỳnh Văn Nghệ.

Rất nhiều vị tướng được lưu danh sử sách với công trạng lẫy lừng hơn Huỳnh Văn Nghệ, nhưng ở Huỳnh Văn Nghệ có những nét đáng nhớ trong lòng dân, nhất là quân dân Nam bộ.

Hình ảnh đẹp nhất của Huỳnh Văn Nghệ có lẽ là giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, gắn với đời sống kháng chiến ở Chiến khu Đ. Nhiều chiến công dệt thành huyền thoại: Tay không bắt Dương Văn Giáo, một mình đi vào sào huyệt thuyết phục tướng Bình Xuyên Bảy Viễn, mưu lược trận thắng La Ngà, ân tình cư xử với đồng bào, chiến sĩ; hình ảnh câu thơ yên ngựa của vị chỉ huy quân kháng chiến… Những huyền thoại ấy đẹp mãi, được lòng dân kính yêu, mến mộ, theo cùng. Không rõ tự bao giờ, người dân đã phong tướng cho Huỳnh Văn Nghệ với “quân hàm” không giống ai “Thi tướng rừng xanh”. Trong lòng dân, Tám Nghệ thực sự đã là vị anh hùng và mãi mãi là anh hùng trước khi được Nhà nước vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 17-4-2010.

Văn nghiệp rỡ ràng

Đặc biệt ở vị tướng Huỳnh Văn Nghệ là chữ “thi”, bởi ông là một chiến sĩ - thi nhân “tay gươm tay bút” xông xáo khắp chiến trường miền Đông. Huỳnh Văn Nghệ làm nhiều thơ từ tuổi trẻ, được biết nhiều là mảng thơ kháng chiến, phản ảnh cảm xúc trong đời sống kháng chiến, cảm tác từ yên ngựa, trong chiến khu, bên dòng suối; khi vào trận, sau chiến thắng hoặc trong nước mắt về đồng bào, đồng đội hy sinh.

Không chỉ có thơ, Huỳnh Văn Nghệ còn di bút để lại Quê hương rừng thẳm sông dài, Những ngày sóng gió, “Anh Chín Quỳ”, đó là những trang bút ký Huỳnh Văn Nghệ nắn nót ghi lại theo lời kể của mẹ và chuyện truyền khẩu dân gian.

Thơ của Huỳnh Văn Nghệ đã được đăng in nhiều nơi, từ trong hai cuộc kháng chiến. Năm 1998, chuẩn bị đưa hình tượng Huỳnh Văn Nghệ vào sân khấu nghệ thuật kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Huỳnh Văn Tới và Bùi Quang Huy được chị Huỳnh Thị Thành - người con gái út của Huỳnh Văn Nghệ trao cho tài liệu, di bút của Huỳnh Văn Nghệ; từ đó, biên tập và xuất bản thành Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ với 43 bài thơ phổ biến, trong đó 11 bài mới xuất hiện: Trốn học, Tình súng, Xuân chiến khu, Mất Tân Uyên, Bức thư thành, Hình ảnh Bác Hồ trong lòng dân Nam bộ, Trở về, Một trận chống càn, Hành quân, Mẹ Nam con Bắc, Rừng đẹp …

Thơ Huỳnh Văn Nghệ mang hơi thở đời sống kháng chiến, cay nồng mùi chiến trận nên nhiều người thuộc lòng, lấy đó làm động lực sống và chiến đấu.

Huỳnh Văn Nghệ còn được người địa phương xem là “người chép sử quê hương” bằng văn thơ; bởi thơ ca của Huỳnh Văn Nghệ phản ảnh sự kiện lịch sử, nhân chứng của lịch sử, có ý nghĩa đúc kết bài học lịch sử; sử đậm chất thơ và thơ giàu sử liệu. Các bài thơ: Lịch sử quê hương, Du kích Đồng Nai, Tiếng hát giữa rừng, Em bé liên lạc, Giữ bí mật, Chiến khu Đ chống bão… đều là những trang sử bi hùng. Còn nhớ, năm 1997, khi làm hồ sơ liệt sĩ cho Điểu Xiển - vị đại biểu Quốc hội đầu tiên được dân bầu ở khu vực Đồng Nai hy sinh trên đường đi dự họp do bị giặc Pháp dùng xe Jeep kéo lê trên đường vì không chịu đầu hàng; hồ sơ chỉ một nhân chứng, những nhân chứng khác không còn; lúc đó, nhờ đến bài thơ Cái chết của anh Xiển của Huỳnh Văn Nghệ chứng thực: “…Từ xa ngọn Chứa Chan còn thấy. Thây một anh hùng dân tộc. Đuổi theo xe như một khối căm hờn. Máu anh đỏ mãi ruộng vườn. Núi rừng Xuân Lộc nhớ thương đời đời…”.

Văn nghiệp của Huỳnh Văn Nghệ không dày trang nhưng có giá trị văn hóa đặc biệt, bởi vậy ông được xét tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Tình thơ thi nhân

Thi nhân thường có giao tình với thi nhân, nhiều giai thoại, nhiều chuyện hay truyền đời. Nhưng thật lạ, trong bối cảnh không gian miền Đông - miền Tây bị chia cắt thời Pháp thuộc, văn đàn thời ấy đã có dấu ấn giao lưu giữa thi sĩ Mộng Tuyết và nhà thơ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ. Đến thăm di tích “Đông Hồ Thi nhân Kỷ niệm Đường” tại Rạch Giá, Kiên Giang, sẽ thấy trên tường treo một hiện vật quý là bài thơ Lá thư rừng của Huỳnh Văn Nghệ do chính thi sĩ Mộng Tuyết chép tay với nét chữ rất đẹp, ghi là thơ của Huỳnh Văn Nghệ “Trích Ánh sáng văn chương, ngày 3 tháng 10 năm 1948”. So với bài thơ Bức thư thành được in ở Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ sáng tác tại Chiến khu Đ năm 1947, bài thơ của thi sĩ Mộng Tuyết chép tay có nhiều khác biệt, có lẽ do tác giả đã chỉnh sửa, gửi ra thành, đăng in công khai.

Về hiện tượng này, tác giả Thanh Bền trong bài báo năm 1999 giải thích rằng: Đó là giai thoại đẹp của hai thi sĩ khác nhau về cuộc sống nhưng chung nhau về tình thơ với thơ. Từ năm 1935, khi còn làm viên chức hỏa xa ở Sài Gòn, Huỳnh Văn Nghệ từng làm thơ đăng ở Báo Sống do thi sĩ Đông Hồ phụ trách, nên có biết Mộng Tuyết - bạn đời của Đông Hồ. Năm 1948, tại Chiến khu Đ, Huỳnh Văn Nghệ đọc bài Chiếc lá thị thành của nữ sĩ Mộng Tuyết đăng ở phụ trang “Ánh sáng văn chương”; thơ có đoạn: “Đây một tờ thư của thị thành. Thả về thăm hỏi chiến khu xanh. Hỏi anh chiến sĩ mùa thu trước. Hơn một mùa thu bận chiến tranh. Lẫm liệt rừng thu gió tải về. Bao tờ lá đỏ chiến công ghi. Bao tờ lá đỏ đề lời máu. Thệ quyết thành công một chuyến đi…”. 20 ngày sau, cũng ở phụ trang ấy, xuất hiện bài thơ Lá thư rừng bút danh Huỳnh Văn với 30 câu của 3 khổ. Thi sĩ Mộng Tuyết chép tay, lồng khung, trân trọng bài thơ ấy như là bảo vật của gia đình, bởi nó mang tâm tình, khí phách của một chiến sĩ ở Chiến khu Đ ân tình với thi sĩ ở thị thành.

Đọng lại chữ “Văn”

Ngày 15-10-1948, Huỳnh Văn Nghệ để lại dự cảm bên bờ sông xanh: “Gởi lại bạn vần thơ trên cát. Và giờ đây tôi qua bến, lên đường”. Huỳnh Văn Nghệ đã “qua bến lên đường” ngày 5-3-1977. Gần 40 năm qua, giá trị thơ của Huỳnh Văn Nghệ gởi lại vẫn sống động, giàu cảm xúc trong lòng người. Thơ văn được in, tái bản ở nhiều nơi. Nhiều con đường, trường học, học bổng được mang tên danh nhân Huỳnh Văn Nghệ. Một bức phù điêu đá Biên Hòa được nghệ nhân dân gian tạo dựng tại vườn tượng danh nhân Văn miếu Trấn Biên. Vườn nhà xưa được tôn tạo thành khu di tích ấm nồng hương khói. Điều quan trọng là, khu di tích này được kiến tạo từ lòng dân, hàng năm ngày giỗ Huỳnh Văn Nghệ (16 tháng Giêng) như là ngày hội văn hóa cách mạng ở Đông Nam bộ, các chiến sĩ, đồng bào các nơi hội về. Những người cùng thế hệ với Huỳnh Văn Nghệ và quân dân gắn với Chi đội 10 vơi dần, nhưng lửa cách mạng và giá trị văn hóa được gieo cấy cho đời sau, thế hệ trẻ nối tiếp.

Đó là dấu hiệu của chữ “văn” được đọng lại. Đọng lại trong lòng người là bền vững.

Ong Mật

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202402/xuan-giap-thin-nho-thi-tuong-huynh-van-nghe-dbb10ec/