Xu hướng làm đẹp không dao kéo lên ngôi dịp Tết

Làm đẹp nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn đó là khuyến cáo của các bác sĩ với người dân mỗi khi có nhu cầu làm đẹp.

Nhu cầu làm đẹp đón Tết bằng các dịch vụ nội khoa tăng cao. Lượng khách đến Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng mọi người nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ để được làm đẹp một cách an toàn và hiệu quả.

TS.Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận khoảng 20 ca làm đẹp, lượng khách tăng thêm vào các ngày cuối tuần. Phần lớn khách có nhu cầu làm đẹp da toàn diện, an toàn.

Các dịch vụ kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa (không dùng dao, kéo) được ưa chuộng nhất là laser pico, sóng siêu âm SUPERB, HIFU, IPL (xung ánh sáng cường độ cao), tiêm botox, tiêm HA, điện di tinh chất.

Gần hai tháng nay, Khoa tiếp nhận khoảng 1.000 khách với hơn 2.000 lượt thực hiện thủ thuật. Trong đó, khoảng 10% là Việt kiều từ Canada, Mỹ, Úc, Đức, Singapore, Nhật Bản… Ngoài Việt kiều thì Bệnh viện tiếp nhận nhiều khách hàng nam giới cũng đến làm đẹp ăn Tết.

Theo bác sĩ Bích, tùy theo vấn đề da và nhu cầu làm đẹp của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn thực hiện các liệu trình phù hợp, khác nhau. Do đó, để làm đẹp an toàn, hiệu quả, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da để được tư vấn, điều trị.

“Nôn nóng tự làm đẹp cấp tốc với kem trộn, kem làm trắng cấp tốc, lột da bằng rượu thuốc hoặc làm đẹp ở các cơ sở không được cấp phép có thể gặp tác dụng ngược, gây tổn thương da và ảnh hưởng đến việc vui xuân đón tết, gây hao phí kinh tế”, bác sĩ Bích khuyến cáo.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM từng tiếp nhận, điều trị cho nhiều khách hàng bị tổn thương da do tự ý làm đẹp cấp tốc, như peel da bằng axit, dùng kem trộn chứa corticoid nồng độ cao.

Bác sĩ Bích phân tích, các kỹ thuật trẻ hóa da, xóa nếp nhăn bằng filler, botox, điện di, IPL… có thể làm đẹp nhanh. Một số kỹ thuật chỉ cần thực hiện trong hai ngày với tổng thời gian 90 phút, nhưng tốt nhất nên thực hiện trước Tết 1-2 tuần.

Cụ thể, điện di và tiêm meso (tiêm vi điểm) với các tinh chất như vitamin C, glutathione, HA… giúp da mịn màng, căng bóng, sáng màu, giảm thâm nám, giảm khô da. Hiệu quả của điện di có thể thấy ngay sau lần đầu thực hiện.

Tuy nhiên, nhược điểm của điện di là thời gian duy trì hiệu quả ngắn, khoảng 7-10 ngày. Tác dụng của tiêm meso có thể thấy trong vài ngày đến một tuần sau lần tiêm đầu tiên. Tùy theo loại dưỡng chất và tình trạng da mà một liệu trình cần 2-5 lần tiêm, mỗi lần cách nhau 2-4 tuần.

Tiêm filler đạt hiệu quả ngay tức thì, sự ổn định tăng lên trong một vài tuần. Tiêm botox sẽ phát huy hiệu quả sau vài ngày và đạt tối đa sau hai tuần.

Nếu tiêm botox để làm thon gọn hàm, điều trị cười hở lợi, cần ít nhất hai tuần mới thấy cơ cắn bắt đầu nhỏ lại và khoảng 4 tuần để thấy rõ hàm thon gọn.

Các vấn đề như nếp nhăn, nám, tàn nhang, giảm viêm và đỏ do mụn, trị thâm, triệt lông có thể cải thiện một phần ngay sau lần đầu điều trị với IPL. Song, để điều trị triệt để thì mỗi tình trạng da sẽ có liệu trình điều trị với số lần chiếu tia khác nhau.

Theo tư vấn của bác sĩ Dung, đối với các vấn đề da “khó” hơn, người bệnh cần bắt đầu điều trị trước Tết từ 2-8 tuần để đạt hiệu quả tốt nhất.

Ví dụ, người bệnh bị mụn trứng cá nặng, nhiều sẹo mụn, thâm mụn sau viêm cần điều trị dứt điểm mụn trứng cá, sau đó bắn laser hoặc IPL, điện di để xử lý biến chứng mụn.

Trường hợp nám sâu, nám khó trị cần thời gian dài hơn và kết hợp các phương pháp như tiêm meso, laser pico. Sau khi điều trị bằng laser hay peel (tái tạo da bằng hóa chất), người bệnh cần dưỡng da, tránh nắng kỹ để da phục hồi.

Để chữa sẹo lõm, sẹo rỗ do mụn hoặc trẻ hóa da bằng lăn kim, người bệnh cần 7-10 ngày để cơ thể kích hoạt phản ứng chữa lành (hình thành mạch máu mới, tăng sinh collagen, elastin) và da phục hồi hoàn toàn.

Thông thường, phương pháp lăn kim trị sẹo cần thực hiện 2-5 lần, tùy thuộc vào mức độ sẹo. Mỗi lần cách nhau khoảng một tháng. Do đó, người bệnh cần thực hiện điều trị sớm.

Nâng cơ mặt, săn chắc da, xóa nọng cằm, xóa nếp nhăn, trẻ hóa da bằng công nghệ SUPERB (sử dụng chùm sóng siêu âm song song) hoặc HIFU (sử dụng sóng siêu âm hội tụ cao) có thể thấy tình trạng da cải thiện ngay sau khi thực hiện trị liệu.

Hiệu quả nâng cơ, xóa nọng cằm sẽ thấy rõ hơn sau 2-4 tuần và hiệu quả tiếp tục tăng dần, đạt đỉnh sau 8-12 tuần và duy trì kéo dài trong 6-12 tháng tùy vào cơ địa của mỗi người (tuổi sinh học, chế độ sinh hoạt, chế độ chăm sóc da…)

Trước đó, nói về tai biến thẩm mỹ, tại Hội nghị Da Liễu - Thẩm mỹ miền Nam 2024 diễn ra ở TP.HCM ngày 16/1, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, thời điểm cận Tết, ngày nào nơi này cũng tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân bị tai biến về da liễu, thẩm mỹ.

Theo thống kê, chỉ trong 10 ngày làm việc gần đây, đơn vị tiếp nhận đến 25 trường hợp gặp sự cố sau khi đi làm đẹp, tăng cao so với thời điểm trước.

Các tai biến mà bệnh nhân gặp phải hầu hết liên quan đến các thủ thuật tiêm chích như tiêm chất làm đầy, tiêm vi điểm, tiêm botox, trong đó, có những bệnh nhân gánh hậu quả nặng nề.

Điển hình là trường hợp của một cô gái trẻ được người em họ "tay ngang" tự mua filler về tiêm nâng mũi tại nhà. Sau tiêm, bệnh nhân bị sụp mi, nhìn mờ, xuất huyết dưới da, hoại tử vùng mũi.

Khi vào bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ xác định cô gái bị tổn thương dây thần kinh số 3, tổn thương cơ vận nhãn… May mắn bệnh nhân đến khám kịp thời nên đã được điều trị tích cực và phục hồi hoàn toàn.

Tuy nhiên, đã có những trường hợp khác nhập viện trễ, khiến các bác sĩ không thể giữ lại thị lực cho bệnh nhân. Mới đây nhất, ngày 17/1, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ tại Đồng Nai gặp biến chứng mất thị lực mắt trái sau khi tiêm filler vào môi, cằm, mũi.

Bác sĩ Thúy cho biết, xu hướng thẩm mỹ nội khoa đang là mảnh đất màu mỡ cho nhiều người khai thác. Đi kèm với việc này là nguy cơ gia tăng các ca bị biến chứng.

Tai biến trong ngành da liễu, thẩm mỹ rất đa dạng, nhiều mức độ. Bệnh nhân có thể bị viêm da tiếp xúc, viêm mô tế bào, nhiễm trùng da nặng, hoặc nguy hiểm hơn là mù mắt, tàn phế vĩnh viễn, thậm chí gây mất mạng.

"Suy cho cùng, có 2 nguyên nhân chính gây tai biến. Đó là nguyên nhân liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguyên nhân do con người, như cơ địa bệnh nhân, việc không tuân thủ quy trình chăm sóc sau thẩm mỹ hoặc do người thực hiện không đúng chuyên môn, kỹ thuật...", bác sĩ Thúy phân tích.

Được biết, theo thống kê của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm nước ta có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có khoảng 25.000 - 35.000 ca gặp biến chứng, chiếm tỉ lệ là 14%.

Đáng chú ý, trong quá trình công tác, bác sĩ Linh đã tiếp nhận không ít trường hợp gặp biến chứng sau phẫu thuật do tay nghề, kỹ thuật không tốt, nên có những bệnh nhân khi đến viện đã bị nhiễm trùng, biến chứng nặng phải mổ cấp cứu.

Do đó để đảm bảo an toàn, các bác sĩ khuyến cáo, khi lựa chọn cơ sở làm đẹp, người dân nên chọn phòng khám chuyên khoa tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm, có đầy đủ chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, có phòng mổ với quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, sẽ hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng khi phẫu thuật thẩm mỹ.

Mọi người nên tránh nghe theo lời quảng cáo mĩ miều, "có cánh" trên mạng tại một số cơ sở spa hoặc cơ sở không được cấp phép.

Với những ca phẫu thuật lớn, có chỉ định gây mê như các phẫu thuật hút mỡ tạo hình thành bụng, làm mũi cấu trúc, căng da mặt, đặt túi ngực... cần làm ở bệnh viện vì các phẫu thuật này đòi hỏi khâu gây mê và vô trùng nghiêm ngặt.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng mọi người nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ để được làm đẹp một cách an toàn và hiệu quả.

Những trường hợp không nên phẫu thuật thẩm mỹ như bệnh lý ung thư, bất thường về máu đang phải điều trị thuốc. Trường hợp đang mang thai, cho con bú không được phẫu thuật ngay rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó là những người bệnh có nhiều bệnh mạn tính như suy tim, suy thận, bệnh lý tự miễn, người cao tuổi… Những người mắc các bệnh chuyển hóa như gout, đái tháo đường khó kiểm soát, vì phẫu thuật có thể khiến vết thương khó lành.

Người suy chức năng gan, xơ gan cổ trướng; người thiếu máu, rối loạn các yếu tố đông máu hoặc người phải dùng thuốc chống đông kéo dài; mắc các bệnh hệ thống trong đợt bùng phát, bệnh suy giảm miễn dịch.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xu-huong-lam-dep-khong-dao-keo-len-ngoi-dip-tet-d208749.html