Xích lại gần nhau để đưa AI vào cuộc sống

Để trí tuệ nhân tạo thâm nhập vào cuộc sống nhiều hơn nữa cần có sự chung tay liên kết giữa Chính phủ, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.

Theo các chuyên gia, xét cho cùng trí tuệ nhân tạo (AI) hay AI tạo sinh đều phát triển xoay quanh sự cân bằng tinh tế giữa chuyên môn của con người và tự động hóa. Quy trình tích hợp AI không có một công thức chung nào cho tất cả ngành nghề, tổ chức hay doanh nghiệp (DN) mà phụ thuộc vào mục tiêu kinh doanh lẫn vai trò ứng dụng của AI trong việc bổ trợ hoặc thay thế công việc của con người.

 Người dân tham quan ứng dụng công nghệ và máy bay không người lái trong nông nghiệp. Ảnh: THU HÀ

Người dân tham quan ứng dụng công nghệ và máy bay không người lái trong nông nghiệp. Ảnh: THU HÀ

Chính vì thế, để đột phá về AI, việc bắt tay nhau, “xích lại gần nhau” là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam có nhiều tiềm năng về tự chủ AI trong tương lai.

GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH, GS danh dự ĐH Utah, Mỹ:

Xây dựng các trung tâm ứng dụng AI

Để Việt Nam có thể tự chủ được AI, hay có thể phát triển được AI ngang với các nước trong khu vực, tôi cho rằng Việt Nam cần mở rộng đầu tư hợp tác với các quốc gia phát triển về AI. Đơn cử như tận dụng mối quan hệ ngoại giao với Mỹ - nước đang dẫn đầu về AI để hợp tác, nghiên cứu xây dựng các trung tâm ứng dụng AI.

Hoặc hợp tác với các trường đại học, các đơn vị phát triển AI tại Mỹ để có các chương trình đào tạo chuyên sâu về AI nói chung và AI tạo sinh nói riêng. Đặc biệt các nhà hoạch định chính sách cũng có thể đưa ra các chính sách hợp tác với những khoa học gia gốc Việt ở nước ngoài, đang nghiên cứu về AI, chuẩn bị cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là nền tảng để Việt Nam có thể phát triển AI mạnh mẽ trong tương lai.

Ngoài ra, để AI phát triển thì cơ sở hạ tầng, dữ liệu phải có sự chuyển đổi số một cách đồng bộ. Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đang rất quyết liệt trong vấn đề chuyển đổi số, đây là cơ hội để các DN, tổ chức nào chưa chuyển đổi số thì gấp rút chuyển đổi số. Vì AI phát triển dựa trên các dữ liệu số, mà muốn có dữ liệu số thì bản thân DN, tổ chức phải chuyển đổi.

Để có thể tự chủ được AI, Việt Nam cần mở rộng đầu tư hợp tác với các quốc gia phát triển về AI.

TS NGUYỄN MINH SƠN, Trưởng khoa Khoa kỹ thuật máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin:

Phát triển các sản phẩm sử dụng công nghệ AI mũi nhọn

Để TP.HCM hay các tỉnh, TP khác nói riêng và Việt Nam nói chung có thể phát triển được các sản phẩm AI, trước hết cần có cơ sở hạ tầng lưu trữ dữ liệu và tính toán hiệu năng cao, tức trung tâm dữ liệu (data center) đủ lớn để phân tích cũng như xử lý dữ liệu. Đi kèm với đó là cơ chế, chính sách về việc chia sẻ tài nguyên dữ liệu, cho phép cả đơn vị nhà nước lẫn DN tư nhân tham gia sử dụng, xử lý dữ liệu này.

Cùng với đó, Nhà nước phải tính toán các quy định về phân loại dữ liệu nào được phép chia sẻ công khai và dữ liệu nào không công khai. Nghĩa là làm theo cơ chế công - tư, kết hợp với bản địa hóa phù hợp với từng vùng miền, địa phương.

Ngoài xây dựng trung tâm dữ liệu, cơ chế, chính sách thì TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung cần hoạch định những chiến lược nghiên cứu khoa học công nghệ, định hướng phát triển các sản phẩm sử dụng công nghệ AI mũi nhọn; thúc đẩy các đơn vị tham gia nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cao dựa trên AI và dữ liệu lớn.

Ông JENSEN HUANG, Chủ tịch Tập đoàn Sản xuất chip NVIDIA:

Việt Nam cần siêu máy tính

Để tận dụng lợi thế của làn sóng mới về công nghệ cần có ít nhất ba thành phần cho một công thức. Thứ nhất, đó là phải có một Việt Nam số và thực tế Việt Nam đã sẵn sàng số hóa khi 100% người dân đã sử dụng điện thoại di động.

Thứ hai, đó là trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo là phần mềm, mà phần mềm do con người tạo nên. Việt Nam đang sẵn có một nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có - các kỹ sư phần mềm và các kỹ sư này đã sẵn sàng nhảy sang bước tiến mới như trí tuệ nhân tạo. Các kỹ sư phần mềm có kỹ năng rất sâu để tạo ra một thế hệ phần mềm mới.

Thành phần cuối cùng là hạ tầng trí tuệ nhân tạo - siêu máy tính. Hiện nay Việt Nam đã có hạ tầng Internet với những tên tuổi như Viettel, FPT, CMC... Tương tự với Internet, trí tuệ nhân tạo cũng cần hạ tầng. Trong tương lai, Việt Nam cần siêu máy tính, điều này đòi hỏi phải có hạ tầng trí tuệ nhân tạo.

Chúng tôi cam kết sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng trí tuệ nhân tạo.

TP.HCM phấn đấu 100% các sở, ngành... ứng dụng AI

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và phát triển AI đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu hình thành được hệ sinh thái AI; hằng năm gia tăng 10% nhân lực đạt chất lượng cao và 10% số lượng DN khởi nghiệp, DN số phát triển, ứng dụng AI; gia tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI.

Đồng thời, TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 đảm bảo 100% các sở, ban ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức có ứng dụng AI phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Để thực hiện các mục tiêu trên, TP.HCM tìm kiếm, triển khai các giải pháp AI phục vụ phát triển trong ngành logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, giao thông vận tải...

Đồng thời, TP.HCM sẽ hỗ trợ DN ứng dụng AI phục vụ sản xuất, kinh doanh thông qua việc kết nối cung - cầu về ứng dụng AI giữa các trường, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ với cộng đồng DN.

Đại diện Tập đoàn VNPT:

Phải có những dữ liệu riêng của Việt Nam

Muốn giải quyết những bài toán về AI của Việt Nam thì bắt buộc phải có những dữ liệu riêng của Việt Nam. Chúng ta không thể mang một mô hình ở nước ngoài về áp dụng trực tiếp ngay tại Việt Nam.

AI cần phải được “học hỏi” từ chính dữ liệu của người Việt Nam. Nút thắt ở đây chính là ở mặt dữ liệu. Ngoài ra, chúng ta còn phải đẩy mạnh hơn về mặt hạ tầng.

Có một hạ tầng đủ lớn thì chúng ta có thể đẩy nhanh hơn việc làm chủ công nghệ. Để một DN công nghệ phát triển về AI, cần bốn trụ cột là con người, hạ tầng công nghệ, dữ liệu và chiến lược đầu tư dài hạn.

Dữ liệu cần phải đủ lớn, được gắn nhãn, dễ dàng tiếp cận và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực AI cần vừa đáp ứng về chất lượng vừa đủ số lượng.•

Phát triển AI tạo sinh, rút ngắn khoảng cách số

AI tạo sinh là một trong những nhánh thu hút nhất trong trí tuệ nhân tạo hiện nay. Đây là thuật toán có khả năng tạo ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh, âm thanh. Những sản phẩm ứng dụng AI tạo sinh có thể cho ra kết quả tương tự như khi được tạo bởi con người.

Ở góc độ kinh tế, AI tạo sinh giúp các DN tự chủ công nghệ lõi, thúc đẩy kinh doanh và vận hành, đảm bảo an toàn dữ liệu. Ví dụ, trước đây các chatbot chỉ làm nhiệm vụ trả lời theo lập trình nhưng với AI tạo sinh, các chatbot có thể nói chuyện gần gũi, tự nhiên, tư vấn cá nhân hóa cho khách hàng. AI cũng có thể hỗ trợ tư vấn bán hàng, đề xuất các mô hình kinh doanh, sản phẩm mới.

Chính vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng AI tạo sinh để rút ngắn khoảng cách so với thế giới.

TS ĐÀO ĐỨC MINH, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VinBigdata

Cần hình thành luật riêng cho AI

Cũng giống như chuyển đổi số, muốn phát triển sản phẩm hay ứng dụng AI vào hoạt động của DN thì phải xác định được nguồn lực của mình tới đâu.

Thực tế các DN, tập đoàn lớn thường có đủ cơ sở hạ tầng để có thể sử dụng các ứng dụng AI mang tính phổ quát. Trong khi đó, với DN nhỏ, khởi nghiệp khi chưa đủ cơ sở hạ tầng dữ liệu thì nên tập trung vào phân khúc nhánh như phát triển các sản phẩm camera AI…

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nghiên cứu xem xét việc hình thành cho AI một “đạo luật” riêng để phát triển trong khuôn khổ, không xâm phạm nhiều vào đời sống riêng tư hay quyền cá nhân của con người.

Ông TRẦN VIẾT QUÂN, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tanca.io

THU HÀ - MINH HOÀNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xich-lai-gan-nhau-de-dua-ai-vao-cuoc-song-post772797.html