Xây dựng thương hiệu cho nhà rường Huế

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có kế hoạch hành động xây dựng thương hiệu nhà rường Huế, có thể bằng hình thức chỉ dẫn địa lý, hoặc nhãn hiệu tập thể. Theo đó, thành lập Hội sản xuất, kinh doanh nhà rường Huế gồm các nghệ nhân, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm nhà rường, chủ nhà rường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để làm chủ thể quản lý nhãn hiệu nhà rường Huế sau này.

Di sản đặc trưng của Huế

Theo TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, nhà rường là một di sản đặc trưng của Huế, dù nó không chỉ của riêng Cố đô. Nhà rường có từ rất sớm, 300 - 400 năm trước, thậm chí sớm hơn. Giữa thế kỷ XVIII, các giáo sĩ, thương nhân nước ngoài đến Huế đã mô tả chúa Nguyễn ở trong những ngôi nhà rường bóng lộn với cột kèo chạm trổ tinh vi. Đó là khi nhà rường đã hoàn thiện về kết cấu và mỹ thuật. Còn quá trình hình thành, chuyển biến để tạo lập nên một loại hình kiến trúc có quy tắc và phong cách riêng hẳn không hề đơn giản.

“Đó không chỉ là một ngôi nhà gỗ. Nói đến nhà rường người ta lập tức nghĩ đến không gian bao quanh nó. Trong không gian ấy, vườn luôn chiếm tỷ lệ lớn với màu xanh bao phủ bốn mùa. Công trình kiến trúc tuy chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhưng là một tổ hợp hoàn chỉnh với nhà chính, nhà phụ (hay nhà ngang), am miếu, bình phong, cổng, đôi khi có cả mồ mả của tổ tiên hay người thân trong gia đình”, TS. Phan Thanh Hải nhìn nhận.

Bàn về phương diện văn hóa, TS. Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, nhà vườn - nhà rường là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt chứa đựng, gắn liền đời sống văn hóa của cộng đồng (gia tộc, làng xã, quốc gia) với những phong tục tập quán, đời sống lễ nghi, gia giáo - gia pháp - gia phong, hương ước lệ làng, điển chế quốc gia cùng hệ thống biểu tượng gắn liền khát vọng phồn thực, quốc thái dân an... Cho nên, nhà rường chính là không gian lưu giữ, trao truyền di sản Huế, di sản dân tộc, nổi bật vai trò chủ nhân - chủ thể di sản văn hóa ở trong chính mỗi không gian nhà rường và cả di sản ngành nghề mộc làm nhà rường.

Theo TS. Trần Đình Hằng, chính nghị lực và tài hoa của chủ nhân những ngôi nhà rường cụ thể, của những người thợ, kíp thợ làm nhà rường đã giữ lửa và trao truyền những giá trị đặc hữu của di sản nhà rường, nối kết mạch nguồn xưa nay, cụ thể với việc giữ gìn nền nếp sinh hoạt, bảo dưỡng, sửa chữa phục hồi nhà rường, đào tạo nghề làm nhà rường, thiết thực đáp ứng nhu cầu trùng tu, phục chế cũng như xây dựng mới nhà rường.

Nhà rường trong nhà vườn An Hiên, Huế

Nhà rường trong nhà vườn An Hiên, Huế

Có chính sách, kế hoạch bảo tồn

Thế nhưng nhà vườn - nhà rường vẫn chưa được nhìn nhận, xem xét một cách cụ thể, thiết thực hơn trong vai trò, vị thế là một phần đặc hữu của di sản văn hóa Huế. Những khó khăn, thách thức trong hành lang pháp lý, cơ chế điều hành, quản lý nhà nước cho tới vấn đề thừa kế, chức năng hương hỏa và đa sở hữu, điều kiện kinh tế căn bản để duy tu, bảo dưỡng nhà rường cho tới sở thích của con người từ bên trong di sản cũng như đến từ bên ngoài di sản, phương thức trùng tu chìa khóa trao tay... tất cả phải được xâu chuỗi để tháo gỡ, xử lý một cách hiệu quả.

TS. Trần Đình Hằng đề nghị, cần gắn kết mạch nguồn truyền thống - hiện đại, kích thích kết nối giữa bảo tồn, giáo dục - đào tạo nghề, giáo dục truyền thống và phát huy giá trị, phát triển di sản theo hướng công nghiệp văn hóa, với phương thức xã hội hóa, sẽ thiết thực xóa nhòa khoảng cách giữa chủ sở hữu nhà rường và các cơ quan hữu quan, hồi sinh sức sống độc đáo của nó. Có như vậy, di sản nhà vườn - nhà rường xứ Huế mới phục hồi được sinh khí đặc trưng vốn có, sẽ càng được trân trọng, tôn vinh và phát triển trong bối cảnh đô thị di sản Huế mang nhiều giá trị đặc trưng.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân góp ý, nhà rường - vườn Huế là một di sản văn hóa Huế của văn hóa dân tộc, khác với nhà vườn Trung Quốc và Nhật Bản. Huế nên phục hồi một khu nhà vườn để làm mẫu kiến trúc Huế, phát triển thành công viên, thu nhỏ để xuất khẩu. “Nhà rường - vườn Huế với trang phục và ẩm thực Huế nữa là nếp sống sang trọng tiêu biểu nhất của Việt Nam. Huế phải gìn giữ và phát triển cho dân tộc”, ông Xuân khẳng định.

Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế” do Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế tổ chức tuần qua, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có kế hoạch hành động xây dựng thương hiệu nhà rường Huế, có thể bằng hình thức chỉ dẫn địa lý, hoặc nhãn hiệu tập thể. Ngoài ra, cần hỗ trợ một số chính sách bảo đảm cho nhà rường Huế phát triển, cũng như xây dựng bảo tàng nhà rường Huế gắn với quảng bá sản phẩm du lịch. Song song với đó, lên kế hoạch khảo sát, xác định giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của các nhà rường Huế tiêu biểu để đưa vào diện cần bảo tồn…

Bài và ảnh: MINH AN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xay-dung-thuong-hieu-cho-nha-ruong-hue-2so46rnmsx-65401