Xây dựng Chính phủ số: Mấu chốt là 'mở khóa' liên thông dữ liệu

Thừa nhận vấn đề liên thông dữ liệu số trong thời gian qua đã có bước chuyển khá mạnh về mặt nhận thức nhưng nếu dữ liệu số không được liên thông, kết nối và chia sẻ, đồng nghĩa với việc chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử cũng sẽ không thể đến đích.

Đây là nhận định của bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, với Đầu tư Tài chính xung quanh vấn đề xây dựng Chính phủ số.

Nhìn lại cả quá trình từ 2019 đến nay, dữ liệu số đã được khai thác trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước cũng như xử lý thủ tục hành chính cho người dân. Theo quan sát của bà, quá trình này đã mang lại những kết quả như thế nào?

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy: Chúng tôi may mắn được tham gia và đồng hành phần nào với những nỗ lực này. Theo tôi, có những điểm “được” như sau:

Thứ nhất, đã có bước chuyển khá mạnh về mặt nhận thức. Trước năm 2019, khi nhắc đến công nghệ thông tin, chúng ta vẫn bàn nhiều về ứng dụng công nghệ thông tin, những giải pháp liên quan đến phần cứng, phần mềm, chưa có khái niệm về dữ liệu. Tuy nhiên, giai đoạn 2019-2023, khi nhận thức về vấn đề này đã có bước chuyển lớn, các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý cũng ý thức được việc chuyển đổi công tác quản trị, điều hành dựa trên dữ liệu và phải dùng dữ liệu để phục vụ người dân tốt hơn, ra quyết định hiệu quả hơn.

Thứ hai, đã có những chỉ đạo điều hành ngày càng rõ nét để các cơ quan đầu mối ở các cấp hình thành những hệ dữ liệu ở cấp độ quản trị chung quốc gia và những hệ dữ liệu chuyên ngành, đồng thời xác định được đâu là yêu cầu mang tính căn bản nhất để xây dựng và phát triển nền tảng dữ liệu, phục vụ bài toán quản trị công.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)

- Nhưng trong hành trình ấy, nếu chúng ta chỉ có nhận thức thôi thì dường như vẫn là chưa đủ, thưa bà?

Đúng là như vậy! Thực tế cho thấy còn khá nhiều việc cần phải tính đến và tương đối ngổn ngang, đặc biệt là câu chuyện thực thi. Đây thực sự là một khối lượng công việc khổng lồ. Đó là cũng là lý do vì sao chỉ nhận thức thôi là chưa đủ.

Nói về dữ liệu, chúng ta mới chỉ nói chung chung, nhưng dữ liệu có rất nhiều tầng, thể loại khác nhau. Thời gian gần đây, qua việc chỉ đạo, điều hành đã xác lập được đâu là dữ liệu thuộc quản trị cấp quốc gia, đâu là dữ liệu chuyên ngành. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có nhiều bước tiến tích cực như xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư. Nhưng còn nhiều hệ dữ liệu khác vẫn đang trong tình trạng ngổn ngang, chưa thực sự sử dụng được, chưa nói đến câu chuyện dữ liệu phải “sạch” và “sống”.

Trong quá trình nghiên cứu kinh nghiệm từ các quốc gia khác, chúng tôi thấy họ phân tích mọi việc trước khi tiến hành thực thi rất cẩn thận. Cấp xã tác nghiệp trực tiếp với người dân sẽ có cơ sở dữ liệu khác với cấp tỉnh. Cấp tỉnh cần những dữ liệu ở góc độ tổng hợp, không cần dữ liệu tác nghiệp trực tiếp nữa. Và đến cấp Trung ương càng cần khái quát hơn nữa để ra được những quyết định mang tính chỉ đạo, điều hành.

Như vậy, chúng ta đặc biệt cần một kiến trúc sư trưởng và một đội chuyên gia tương đối hùng hậu, hiểu được đặc thù các cấp, các ngành khác nhau. Tôi nghĩ chúng ta cần ưu tiên việc này trước khi có những giải pháp thúc đẩy hoàn thiện cơ sở dữ liệu.

Hiện không phải Việt Nam chưa có danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, tuy nhiên vẫn đang bị thiếu đầu mối điều phối tổng thể. Đáng lẽ phải có đầu mối điều phối tổng thể trước mới xác định được đâu là những khía cạnh phải đưa vào trong khuôn khổ pháp luật, đâu là những khía cạnh phải đưa vào khuôn khổ thực thi, mang tính ưu tiên của từng cơ quan.

- Vậy theo bà, việc điều phối liên thông cơ sở dữ liệu số nên giao cho cơ quan nào?

Theo thông lệ quốc tế, chúng ta thường phân công luôn cho một bộ có chức năng tương tự, ví dụ như Bộ Thông tin và Truyền thông. Dẫu vậy, theo các chuyên gia, sẽ có hơn một lựa chọn cho vấn đề này, bởi trên thực tế, việc phân công theo bộ, làm việc theo chức năng cũng chỉ là một cách và các bộ vẫn phải được huy động vào câu chuyện chung.

Điều tiên quyết để xây dựng hệ thống thành công nằm ở vai trò của các giám đốc dữ liệu, các kiến trúc sư trưởng là những người phải có đầy đủ những yếu tố hội tụ như sau: Có năng lực chuyên môn, có tư duy tổng thể, tập trung vào công việc trong khoảng thời gian không phụ thuộc vào nhiệm kỳ.

Những khuyến nghị của các nhân sự chuyên trách như vậy sẽ đặt ra đề bài cho các bộ ngành chức năng có liên quan chuyển tiếp thành khuôn khổ pháp lý và thực thi. Chúng ta có thể gọi họ là hội đồng cố vấn hay ủy ban nhưng tính chất phải như vậy. Đây cũng là lựa chọn rất khả thi.

- Nếu dữ liệu số không được liên thông, kết nối và chia sẻ, đồng nghĩa với việc chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử cũng sẽ không thể đến đích, bà nhận định ra sao?

Rất khó đạt được những mục tiêu lớn về Chính phủ điện tử, Chính phủ số nếu không liên thông được dữ liệu. Dưới góc độ cá nhân, tôi có 2 ý kiến muốn bổ sung.

Thứ nhất, vẫn là bài toán liên quan đến con người, đó là câu chuyện nâng cao nhận thức. Chúng ta tưởng rằng đã hiểu đủ rồi nhưng thực tế là nền nhận thức không tương đồng, các bên có cách hiểu chưa thống nhất, chưa chia sẻ với nhau theo đặc thù từng ngành có liên quan. Cho nên theo tôi, vẫn phải đẩy mạnh nâng cao nhận trong thời gian còn lại của năm 2024.

Cần phải có chương trình làm việc giữa các bên theo hướng phân tích kỹ việc thiết kế dữ liệu theo từng cơ quan, từng lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, không nên “cào bằng” khi đánh giá việc hoàn thiện dữ liệu tại các cơ quan, lĩnh vực bởi mỗi ngành có một đặc thù riêng.

Thứ hai, rất quan trọng, phải xác định được thứ tự ưu tiên. Đơn vị nào đang có tính sẵn sàng cao, hệ dữ liệu nào đang có cơ hội vận hành sớm thì chúng ta dấn lên một bước. Theo tôi, những nhóm khả thi như dữ liệu liên quan đến dân cư, bảo hiểm, đăng ký doanh nghiệp, ngân hàng, thuế…

Chỉ cần những nhóm dữ liệu được kết nối, liên thông để tạo ra được dịch vụ công vận hành trơn tru thì chúng ta đã có thể “thay da đổi thịt” rất nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu, tôi đặc biệt muốn lưu ý tới việc bảo mật thông tin. Tôi chưa có điều kiện để có thể đọc được hết tất cả những quy định pháp lý liên quan đến vấn đề này, tuy nhiên nhìn vào thực tiễn, tại sao người dân hàng ngày vẫn lo ngại số điện thoại, thông tin cá nhân bị rao bán khắp nơi. Gần đây, một câu chuyện cũng gây xôn xao dư luận, đó là vụ VNDIRECT bị tấn công mạng, có ý kiến cho rằng các dữ liệu đã bị lộ thì sẽ phải giải quyết như thế nào, khiến người dân rất hoang mang khi không có thông tin gì về chuyện dữ liệu của họ sẽ đi đâu về đâu. Từ vụ của VNDIRECT, có thể thấy rằng vấn đề về mất an toàn thông tin vẫn đang diễn biến hàng ngày, hàng giờ và người dân đang khá bối rối, không biết mình được bảo vệ bởi quy định nào.

- Riêng với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, nhiều năm nay chúng ta chưa xây dựng được. Vì sao vậy, thưa bà?

Dữ liệu đất đai là một khối lượng dữ liệu khổng lồ bao gồm hình ảnh, thông tin, chữ viết, số liệu... Chúng ta phải có một bước phân tích theo hướng “cấp nào cần dùng dữ liệu nào nhiều nhất, tần suất bao nhiêu”.

Tôi có cảm giác chúng ta chưa làm nên khi đề cập đến cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì rất mông lung. Tất cả tỉnh thành, bộ ngành liên quan phải tập hợp một số dữ liệu quan trọng về một kho chung, những hệ dữ liệu rất nặng có thể phân tán ở các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, nhưng có thể được tổng hợp bằng cách nào đó hình thành những tầng dữ liệu tiếp theo về mặt số liệu để các cấp quản lý có thể nhìn vào đó thấy được những vấn đề cần quản lý.

Chúng ta đang thiếu đi sự phân tích cho nên rất rối. Các đơn vị thực thi thường xuyên nói rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai không đáp ứng được yêu cầu. Vậy làm thế nào để thực hiện được điều này? Tôi cho rằng chúng ta phải đi từ việc phân tích yêu cầu từ người dùng trước rồi mới đến bước thiết kế dữ liệu một cách bài bản.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Vân Trang

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/xay-dung-chinh-phu-so-mau-chot-la-mo-khoa-lien-thong-du-lieu-d110702.html