WTO: thương mại toàn cầu phục hồi trong năm 2024

A.I

(KTSG Online) – Thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng dần trong năm nay sau khi sụt giảm trong năm 2023 do tác động kéo dài của giá năng lượng cao và lạm phát, theo dự báo của các nhà kinh tế ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tuy nhiên, những nhà kinh tế này lưu ý, các cuộc xung đột khu vực, căng thẳng địa chính trị và sự không chắc chắn về chính sách kinh tế có thể sẽ gây ra những rủi ro đáng kể cho dự báo trên.

WTO dự báo khối lượng thương mại hàng hóa thế giới sẽ tăng trưởng 2,6% vào năm 2024 và 3,3% vào năm 2025 sau khi giảm 1,2% vào năm 2023. Ảnh: logisticsmgmt

Thương mại hàng hóa phục hồi nhờ áp lực lạm phát suy giảm

Theo báo cáo “Thống kê và triển vọng thương mại toàn cầu” được WTO công bố hôm 10-4, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới sẽ tăng trưởng 2,6% vào năm 2024 và 3,3% vào năm 2025 sau khi giảm 1,2% vào năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu của Bắc Mỹ, Trung Đông và châu Á được dự báo ở mức 3,4-3.6% trong năm nay. Khối lượng nhập khẩu tăng trưởng mạnh ở mức 5,6% ở châu Á và 4,4% ở châu Phi dự kiến giúp thúc đẩy nhu cầu hàng hóa toàn cầu trong năm 2024.

Các nhà kinh tế của WTO cho rằng, áp lực lạm phát dự kiến giảm trong năm nay cho phép thu nhập thực tế của người lao động tăng trở lại, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển. Điều đó sẽ giúp thúc đẩy sức tiêu thụ các mặt hàng sản xuất công nghiệp. Các chỉ số về đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong đầu năm nay chỉ ra rằng các điều kiện thương mại đang được cải thiện

“Chúng ta đang đạt được tiến bộ trong quá trình phục hồi thương mại toàn cầu nhờ chuỗi cung ứng linh hoạt và khuôn khổ thương mại đa phương vững chắc”, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nói.

Giá năng lượng cao và lạm phát đã gây áp lực lên nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất, dẫn đến khối lượng thương mại hàng hóa thế giới giảm 1,2% trong năm 2023. Khối lượng hàng hóa nhập khẩu giảm ở hầu hết các khu vực, đặc biệt là ở châu Âu. Nếu tính theo giá trị, mức giảm thậm chí còn lớn hơn. Báo cáo của WTO ghi nhận, giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn cầu giảm 5%, xuống còn 24,01 nghìn tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái.

Diễn biến thương mại dịch vụ lạc quan hơn, với xuất khẩu dịch vụ tăng 9% lên 7,54 nghìn tỉ đô la trong năm ngoái, phần nào bù đắp cho sự sụt giảm trong thương mại hàng hóa.

Xuất khẩu toàn cầu về các dịch vụ được giao dịch qua mạng máy tính như dịch vụ quản lý, tư vấn, phát nhạc và video, chơi game trực tuyến, giáo dục từ xa… đã tăng vọt lên 4,25 nghìn tỉ đô la trong năm 2023, tăng 9% so với năm 2022 và chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của thế giới.

Báo cáo của WTO dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ ổn định ở mức 2,6% vào năm 2024 và 2,7% vào năm 2025, sau khi giảm xuống 2,7% vào năm 2023 từ mức 3,1% vào năm 2022.

Căng thẳng địa chính trị đe dọa thương mại

Tuy nhiên, WTO cảnh báo, căng thẳng địa chính trị và sự không chắc chắn về chính sách có thể kìm hãm tốc độ phục hồi thương mại toàn cầu. Giá thực phẩm và năng lượng một lần nữa có thể tăng mạnh trở lại do tác động của các sự kiện địa chính trị.

Theo các nhà kinh tế của WTO, cho đến nay tác động của cuộc khủng hoảng hàng hải biển Đỏ đối với thương mại toàn cầu vẫn còn tương đối hạn chế. Tuy nhiên, một số lĩnh vực như ô tô, phân bón và bán lẻ đang bị ảnh hưởng do sự chậm trễ của các chuyến hàng và chi phí vận chuyển tăng cao.

Ngoài ra, báo cáo của WTO cũng cung cấp dữ liệu mới cho thấy, căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng nhẹ đến mô hình thương mại nhưng chưa tạo ra xu hướng bền vững hướng tới phi toàn cầu hóa. Thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022. Tuy nhiên, trong năm 2023, tăng trưởng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thấp hơn hơn 30% vào so với thương mại của họ với phần còn lại của thế giới.

WTO cho biết, dấu hiệu phân mảnh cũng có thể đã xuất hiện trong thương mại dịch vụ toàn cầu. Thị phần của các đối tác Bắc Mỹ (chủ yếu là Canada) trong tổng kim ngạch nhập khẩu khẩu dịch vụ thông tin, máy tính, công nghệ thônh tin và truyền thông của Mỹ tăng từ 15,7% vào 2018 lên 23,0% vào năm 2023. Trong khi đó, thị phần này của các đối tác thương mại châu Á (chủ yếu là Ấn Độ) giảm từ 45,1% xuống 32,6% trong cùng giai đoạn.

Theo ước tính từ một báo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và WTO, sự phân mảnh của các chính sách về dòng chảy dữ liệu dọc theo các ranh giới địa chính trị có thể khiến giá trị thực (sau khi trừ lạm phát) của thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu giảm 1,8% và GDP toàn cầu tổn thất 1% mỗi năm.

“Một số chính phủ ngày càng hoài nghi về lợi ích của thương mại toàn cầu và đã thực hiện các bước nhằm tái định vị hoạt động sản xuất và chuyển dịch thương mại sang các đối tác thân thiện”, nhà kinh tế trưởng của WTO, Ralph Ossa nói.

Ossa cảnh báo, tình trạng gián đoạn trên hai tuyến đường hàng hải chuyển chính của thế giới, Kênh đào Panama, nơi bị ảnh hưởng do hạn hạn và biển Đỏ có thể thử thách khả năng phục hồi của thương mại toàn cầu

Báo cáo của WTO nhấn mạnh, những hậu quả không rõ ràng trong dài hạn từ các cuộc tấn công tàu hàng của phiến quân Houthi ở Biển Đỏ. Việc các tàu tránh xa khu vực này trong thời gian dài có thể dẫn đến những thay đổi chiến lược, ưu tiên cũng như mô hình tuyến đường vận chuyển của các hãng ty vận tải biển.

Ossa lưu ý, cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas của Palestine, nếu gây tác động lan sang thị trường năng lượng, có thể dẫn đến sự gián đoạn thương mại lớn. Trong bối cảnh gián đoạn hàng hải kéo dài, căng thẳng địa chính trị và chính sách không chắc chắn, triển vọng thương mại toàn cầu vẫn đối mặt rủi ro suy giảm.

Theo WTO.org, CNBC

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/wto-thuong-mai-toan-cau-phuc-hoi-trong-nam-2024/