Vượt mặt các đối thủ, Nhật Bản dẫn đầu chi tiêu cho chip bán dẫn

Chính phủ Tokyo đang dồn mọi nguồn lực cho lĩnh vực then chốt này.

Nhật Bản đã vượt qua Mỹ và các nước phương Tây khác trong việc chi tiêu hỗ trợ ngành chip bán dẫn, theo dữ liệu được Hội đồng Hệ thống tài chính Nhật Bản công bố vào hôm thứ Ba.

Trong vòng ba năm, Nhật Bản đã chi 3,9 nghìn tỷ yên (25,7 tỷ USD) cho chip bán dẫn, tương đương với 0,71% tổng sản phẩm quốc nội. Trong khi đó, Mỹ chi tiêu nhiều hơn về mặt giá trị, với việc đã đổ vào ngành bán dẫn 7,1 nghìn tỷ yên trong 5 năm. Nếu xét về GDP, Washington chi tiêu cho ngành này chỉ chiếm 0,21% tổng sản phẩm quốc nội, chưa bằng 1/3 xứ mặt trời mọc.

Nhật Bản đã chi đến 3,9 nghìn tỷ yên cho chất bán dẫn trong vòng 3 năm. Ảnh: Nikkei Asia

Pháp đang chi 700 tỷ yên trong 5 năm cho việc phát triển chất bán dẫn, tương đương với 0,2% GDP. Trong khi đó, Đức hỗ trợ ngành này 2,5 nghìn tỷ yên, tương đương 0,41% GDP.

Các thiết bị bán dẫn đang được xem là công cụ quan trọng đối với nền kỹ thuật số lẫn an ninh quốc gia. Nhiều quốc gia trên thế giới đang chạy đua hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Hôm thứ Hai, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố khoản tài trợ trực tiếp lên đến 6,6 tỷ USD dành cho TSMC, nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Đài Loan, nhằm thu hút công ty này tăng cường đầu tư vào nền kinh tế số một thế giới.

Tại Nhật Bản, Bộ Tài chính nước này lo ngại sẽ thiếu nguồn tài trợ từ chính phủ. TSMC đang nhận được khoảng 1,2 nghìn tỷ yên, trong khi nhà sản xuất chip Rapidus nhận được khoảng 900 tỷ yên, với việc công ty này đang tập trung vào sản xuất chip tiên tiến trong nước.

Dữ liệu cho thấy hơn 500 tỷ yên chi tiêu cho lĩnh vực bán dẫn của chính phủ Nhật Bản chủ yếu đến từ việc phát hành trái phiếu GX, một công cụ tài chính được phát triển trong những năm gần đây nhằm hướng đến mục tiêu chuyển tiền tư nhân vào quá trình chuyển đổi xanh.

Trái phiếu GX dự kiến sẽ huy động được khoảng 20 nghìn tỷ yên trong một thập kỷ.

Nhật Bản đã chi 3,8 nghìn tỷ yên cho chất bán dẫn thông qua ngân sách bổ sung, điều này có thể dẫn đến mức chi tăng vọt.

Mới đây, các chuyên gia thuộc Hội đồng Chính sách kinh tế và tài chính Nhật Bản đã kêu gọi lập kế hoạch dài hạn cho các khoản đầu tư cũng như tìm kiếm các nguồn tài trợ.

Các chuyên gia cho rằng chính phủ nên xây dựng các chiến lược trung và dài hạn đối với việc huy động các nguồn lực tài chính cho ngành bán dẫn.

Vào hôm thứ Ba, Giám đốc điều hành Japan Post Holdings, Hiroya Masuda cho biết Nhật Bản nên đưa ra các cam kết quan trọng đối với lĩnh vực bán dẫn then chốt này.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vuot-mat-cac-doi-thu-nhat-ban-dan-dau-chi-tieu-cho-chip-ban-dan.html