Vùng quy hoạch sản xuất - cần nâng cao chất lượng nông sản

Hiện nay huyện Đức Linh quy hoạch vùng lúa chất lượng cao ở các xã Sùng Nhơn, Mê Pu, Nam Chính, Võ Xu, Vũ Hòa, Đa Kai, Đức Chính với diện tích 3.000 ha; vùng chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa không chủ động nước tưới khoảng 2.000 ha, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Vùng quy hoạch sản xuất - cần nâ

Liên kết bước đầu

Trong vài năm gần đây, nông dân Đức Linh đã đưa gần 1.400 ha liên kết sản xuất nếp chất lượng cao với HTX Dịch vụ Công Thành (Đức Chính), được HTX bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh, doanh nghiệp Đại Nhật Phát đầu tư mô hình cánh đồng lớn ở xã Nam Chính 400 ha, Công ty Giống cây trồng Đồng Nam liên kết sản xuất 40 ha lúa giống ở Đức Tài, Võ Xu… Trong khi đó, ở vùng chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa không chủ động nước tưới, người dân đã lần lượt canh tác hơn 1.400 ha, trong đó nhiều diện tích được nông dân ký kết tiêu thụ. Đầu năm nay, Công ty CP Mía đường La Ngà, Công ty Charis liên kết với HTX Nông nghiệp Sùng Nhơn áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía (máy thu hoạch mía). Cũng ở xã này, người dân đang nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm trên đất lúa 1 vụ cho thu nhập 110 - 120 triệu đồng/ha/vụ, tăng giá trị hơn sản xuất lúa và gấp 3 lần so với cây bắp lai. Đặc biệt, mô hình trồng sắn dây lấy củ cho thu nhập cao với 500 - 600 triệu đồng/ ha/vụ ở xã Đức Tín. Nhiều hộ ở 3 xã Sùng Nhơn, Mê Pu, Đức Tín còn có nguồn thu khá khi liên kết Công ty Giống Vino trồng 24 ha bí, khổ qua lấy hạt giống và bắp lấy trái non. Xã Nam Chính liên kết Công ty Xuất nhập khẩu Vạn Thắng trồng 30 ha bắp. Ngoài ra, các loại cây ngắn ngày khác như đậu phộng, bắp, dưa hấu… ở nhiều địa phương khác cũng đem lại hiệu quả. Các mô hình liên kết trong vùng quy hoạch bước đầu tạo được chuỗi sản xuất trong nông nghiệp, hiệu quả cao, nhờ giảm chi phí đầu tư, doanh nghiệp và HTX bao tiêu sản phẩm…

Cần tạo sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao

Tuy nhiên, vẫn còn không ít diện tích trong vùng quy hoạch chưa được liên kết sản xuất để tạo ra giá trị cao hơn, như khoảng 1.000 ha vùng quy hoạch lúa chất lượng cao, hơn 1.000 ha vùng chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa không chủ động nước tưới. Đối với diện tích cây dài ngày ở Đức Linh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Phan Văn Tấn cho rằng: “Cần mạnh mẽ hơn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bởi diện tích vườn tạp còn nhiều, gần 3.000 ha điều già cỗi chưa được cải tạo để từng bước gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp”. Tính chung, còn gần 5.000 ha các loại cây trồng ngắn ngày và dài ngày chưa có địa chỉ tiêu thụ rõ ràng, giá trị đem lại không cao. Ông Huỳnh Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho hay, các ngành chức năng huyện đang tuyên truyền, khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả khác, từng bước cải tạo vườn tạp, thay thế những vườn điều già cỗi bằng loại cây công nghiệp dài ngày đang được thị trường ưa chuộng (tiêu, điều cao sản…); khuyến cáo người dân liên kết sản xuất lúa, màu vùng quy hoạch, tăng cường đầu tư, chăm sóc những vườn cao su hiện có, đảm bảo chất lượng mủ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận năm 2019 mới đây, ông Trương Nhất Thiện, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho rằng: “Bình Thuận cần hướng sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ, sản phẩm phục vụ du lịch, xuất khẩu; từng bước hình thành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên các vùng đất không chủ động nước chuyển đổi cây trồng cạn, thu hút nguồn vốn đầu tư đội ngũ doanh nghiệp công nghệ cao vào lĩnh vực này để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, giá trị cao đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu”. Với các vùng quy hoạch sẵn có, lợi thế một số nông sản thơm ngon của địa phương, nằm gần vùng Đông Nam bộ, Đức Linh cần thu hút mạnh đầu tư, liên kết với nông dân để tạo ra sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng thị trường tiêu thụ…

T.Khoa

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/vung-quy-hoach-san-xuat-can-nang-cao-chat-luong-nong-san-121017.html