Vô tình… lan tỏa năng lượng xấu

Trẻ hay than vãn ảnh hưởng đến tính cách khi trưởng thành.

Cha mẹ hay than vãn sẽ ảnh hưởng tới tính cách của con. Ảnh minh họa: ITN

Nguyên nhân hàng đầu rất có thể do trẻ sống trong môi trường với cha mẹ thường xuyên than vãn và lan tỏa những năng lượng tiêu cực.

Virus than vãn

Khi trẻ hay than vãn nhưng không được cha mẹ giúp vượt qua cảm xúc đó sẽ khiến trẻ lớn lên dễ trở thành người tiêu cực. Đơn cử, giới trẻ hiện nay có một bộ phận thường xuyên than vãn. Chẳng hạn làm lương thấp cũng than, lương cao cũng kêu. Học giỏi cũng than mà học dốt lại càng than nhiều.

Lê Hoàng Ngân làm nhân viên kinh doanh của một công ty nước ngoài tại Hà Nội. Công việc của Ngân ổn định, thu nhập tốt so với đám bạn cùng lớp ngày xưa. Cô nàng còn có một tình yêu đẹp với một anh chàng cùng cơ quan. Ấy vậy mà mỗi lần gặp nhau là thế nào Ngân cũng ca cẩm với thái độ chán nản. Từ chuyện công ty mấy tháng nay không chịu tăng lương, doanh thu tháng này giảm sút, chàng không hiểu mình... Hết chuyện riêng lại sang chuyện kẹt xe thường xuyên, nước máy ô nhiễm đến chuyện giá nhà đất…

Dần dần, “virus than” ấy lại lan nhanh hết người này đến người khác. Và sau mỗi cuộc chuyện trò như vậy, thì đứa nào đứa nấy vẫn tiếp tục công việc “khổ đủ thứ” ấy và chẳng ai muốn thay đổi những thứ mình vừa than. Còn Huyền - sinh viên Trường ĐH Thương mại thì câu cửa miệng mà cô bắt đầu với bạn bè luôn là “Chán quá mày ơi”.

Nhiều bạn trẻ cho rằng, dù biết than vãn sẽ không giúp thay đổi “cục diện” nhưng ít ra sẽ làm mình xả stress. Thanh Bình (20 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Than thở chỉ là một phản xạ tức thời để giải tỏa áp lực công việc và giảm căng thẳng chứ không phải là biện pháp để giải quyết những va chạm, những điều không tốt trong công việc và cuộc sống”.

Phần lớn những người được hỏi cũng cho biết, tuy than vãn không giải quyết được vấn đề, nhưng vẫn thích than vì nói ra sẽ thấy nhẹ người hơn, thấy có thể được chia sẻ hơn. Cũng có nhiều người cho rằng, than là một cách giải tỏa tâm lý rất tốt vì sau khi than xong, cảm thấy tinh thần sảng khoái và phấn chấn hơn. Tuy nhiên, cũng có người bộc lộ quan điểm: “Không thích những người than thở quá nhiều hoặc chỉ biết ngồi than mà không tìm cách giải quyết”.

Trần Thị Hằng, 30 tuổi, nhân viên bán hàng bày tỏ: “Tôi là người hay lắng nghe nên bạn bè hay tìm đến mình để gỡ rối, tâm sự. Tuy nhiên, tâm sự tức là có chuyện vui, chuyện buồn, nếu người nào đó thường tìm đến tôi mỗi khi họ gặp chuyện buồn, còn quên mất tôi khi họ có gì vui thì tôi cũng rất tổn thương. Tôi đã cho ít nhất khoảng 2 người từng là bạn của mình vào ‘danh sách đen’, ít khi nhận lời cà phê, ăn trưa vì gặp chỉ biết than”.

“Tôi nghĩ cần lên tiếng thẳng thắn với những người bạn hay trò chuyện, tâm sự, nếu người đó thật sự là bạn bè thân thiết. Ví dụ như ‘mày có thể kể cái gì vui hơn được không?’, hay đánh lạc hướng, tạo chủ đề mới hơn khi thấy câu chuyện đang đi vào bế tắc, đối phương chuẩn bị than vãn ‘tao thấy mày mặc đồ đẹp quá, mua ở đâu vậy?’, ‘mày biết nấu món này không, chỉ cho tao đi?’; ‘cho tao xin địa chỉ chỗ mua rau ngon, sạch nhé’, từ đó người bạn sẽ nhận ra mình nên nói chủ đề gì thì hợp hơn là than”, Trần Thị Hằng nói.

“Tôi rủ một đồng nghiệp đi ăn trưa và bảo bạn này rủ thêm cô bé kém tuổi cùng phòng đi ăn cùng. Tuy nhiên, đồng nghiệp của tôi xua tay và bảo ‘em đó hay than thở lắm, ngày nào cũng than, đi ăn cơm mà suốt ngày than, nghe đến mệt’, Lê Thanh Huyền, cán bộ văn phòng đăng ký đất đai kể lại. Theo Huyền, cảm giác của những người phải nghe than thở là “không dễ chịu gì”: “Nếu nghe người ta than một lần thì mình sẽ lắng nghe, chia sẻ, còn ngày nào cũng thấy mình là than thì mình sẽ chỉ nhận được luồng năng lượng tiêu cực bủa vây”.

Ảnh minh họa ITN.

Những “tấm gương”

Than thở về con cái, đóng quá nhiều khoản tiền năm học mới; than chồng hút nhiều thuốc, hay nhậu nhẹt; than mẹ chồng khó tính, sếp hay la mắng… có những người dành phần lớn thời gian trong cuộc đời mình, chỉ để than thở. Và những câu cửa miệng đó đã phần nào “lan” sang con trẻ.

“Mỗi ngày mẹ phải dậy sớm, đúng giờ đưa con đi học, quanh năm suốt tháng đều không ngủ nướng được, còn phải đưa con đi học đàn dương cầm, có đôi khi vì vấn đề ai đưa con, còn phải cãi nhau với ba, về nhà còn phải cùng con làm bài tập. Nếu không có con, mẹ và bố có thể sống rất thoải mái. Vì vậy, con phải nỗ lực nhiều hơn!” - vì áp lực công việc nhiều nên người mẹ thường tâm sự với con trai về cuộc sống vất vả, nói kiếm tiền không dễ, theo một chia sẻ trên mạng xã hội.

Ý định ban đầu của người mẹ là động viên con trai chăm chỉ học hành, hiếu thuận với cha mẹ, không ngờ cậu con trai lại hiểu lời than vãn của mẹ mình thành: Con là gánh nặng của mẹ, chính con là người làm mẹ đau khổ.

TS Lê Thu Thủy - giảng viên Học viện Thanh thiếu niên cho rằng, khi cha mẹ kể khổ, than nghèo với con cái, đó có thể chỉ là một lời phàn nàn thông thường, nhưng điều mà đứa trẻ cảm thấy là một loại áp bức về mặt cảm xúc. Một số có thói quen kìm nén bản thân, giảm thiểu nhu cầu của mình hoặc thậm chí không dám có. Cuối cùng, sự thiếu thốn tạm thời về vật chất được coi là sự nghèo đói lâu dài về tâm lý của đứa trẻ.

TS Lê Thu Thủy, chia sẻ, khi bản thân một người suy nghĩ tích cực, nói những câu chuyện tích cực thì năng lượng tích cực cũng sẽ truyền cho mọi người xung quanh. Ngược lại, khi mình chỉ biết than trách, đổ lỗi thì năng lượng tiêu cực sẽ bao trùm, tất cả đều mệt mỏi. Vì vậy, mỗi người trong mỗi hoàn cảnh, hoặc trong mỗi mối quan hệ nên cố gắng tìm ra những điểm tích cực, dần dần sẽ hiểu ra bản chất và tìm thấy những giải pháp giải quyết gốc rễ vấn đề, từ đó cuộc sống sẽ hạnh phúc, an yên hơn.

Chuyện than vãn của người trẻ có thể là do tính cách được hình thành từ nhỏ, thường xuyên chỉ nhìn nhận mọi việc theo hướng tiêu cực hoặc thường ăn vạ, mè nheo, đòi hỏi… Hoặc cũng có thể người trẻ đó sống trong một gia đình có cha mẹ cũng thường xuyên than vãn.

Trang Hoàng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vo-tinh-lan-toa-nang-luong-xau-post681347.html