Vĩnh Phúc: IIP phục hồi tích cực, sản xuất linh kiện điện tử tăng 26,86%

Tháng 4/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận phục hồi tích cực, trong đó ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng tới 26,86%.

Nhiều ngành công nghiệp có sự tăng trưởng bứt phá

Theo số liệu báo cáo từ Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 4/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ghi nhận sự phục hồi tích cực với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 17,62% so với tháng trước và tăng 16,61% cùng kỳ năm 2023.

Biểu đồ IIP các tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Mức tăng trưởng cụ thể so với tháng trước và cùng kỳ năm trước trước ở một số ngành như sau, ngành khai khoáng tăng 12,90% so với tháng 3/2024 và bằng 100% so với cùng kỳ năm ngoái; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,86% và tăng 16,71%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 5,65% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng 4/2024, ngành sản xuất linh kiện điện tử đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, lên tới 26,86% so với tháng trước và 22,58% so với cùng kỳ năm 2023, đây được đánh giá là mức tăng trưởng rất tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đối mặt với khá nhiều diễn biến khó lường, nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Tháng 4/2024, ngành sản xuất linh kiện điện tử đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, lên tới 26,86% so với tháng trước và 22,58% so với cùng kỳ 2023

Tuy nhiên theo nhận định của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, ngành linh kiện điện tử trên địa bàn với gần 200 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất chủ yếu là gia công, phụ thuộc vào các tập đoàn công nghệ lớn như: SamSung, Google, Dell, Apple..., trong bối cảnh khó khăn của thị trường toàn cầu đối với các sản phẩm điện tử thông minh, nên ngành sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn chưa có được sự ổn định về quy mô và số lượng khiến hoạt động sản xuất của ngành khó duy trì được đà tăng trưởng trong dài hạn.

Tháng 4/2024, sự tăng trưởng cũng được ghi nhận trong ngành sản xuất ô tô và xe máy, với tỷ lệ lần lượt là 2,70% và 3,88% so với tháng trước, và 33,07% và 3,46% so với cùng kỳ năm trước.

Giải thích về sự tăng trưởng của 2 ngành này, tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 4/2024, đại diện Cục Thống kê Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Hồng Phong cho rằng: “Sau thời gian trầm lắng, nhu cầu mua ô tô, xe máy trên thị trường trong tháng đã sôi động hơn nên các doanh nghiệp gia tăng sản lượng, sản lượng sản xuất của 2 ngành đều tăng so với tháng trước và cùng kỳ”.

Biểu đồ tốc độ tăng sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong 4 tháng đầu năm

Tăng trưởng thiếu bền vững do doanh nghiệp khó tiếp cận đơn hàng dài

Bên cạnh một số ngành công nghiệp có mức tăng trưởng tích cực, một số ngành vẫn đối diện với những khó khăn và có mức giảm so với cùng kỳ năm 2023, điển hình là ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, tăng 13,31% so với tháng trước, nhưng giảm 3,29% so với cùng kỳ do thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng vẫn chưa có dấu hiệu sôi động.

Hay ngành sản xuất trang phục ghi nhận mức giảm mạnh là 15,90% so với tháng trước và 20,36% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu do tình hình lạm phát ở các thị trường xuất khẩu.

Về sản phẩm công nghiệp sản xuất, tháng 4/2024, ngoài giày, dép thể thao và gạch ốp lát có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước, các sản phẩm chủ yếu còn lại đều có sản lượng tăng; trong đó, tăng nhiều nhất là ô tô các loại dưới 10 chỗ với mức tăng 34,49%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, ước tính sản lượng sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh như thức ăn gia súc, gạch ốp lát, doanh thu linh kiện điện tử đều tăng so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, sản lượng giày thể thao, xe ô tô các loại và xe máy các loại giảm; trong đó, giảm mạnh nhất là sản phẩm giày thể thao với mức giảm 21,49%.

Tháng 4/2024, cùng với tín hiệu tích cực trong chỉ số sản xuất, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng khá cao, tăng 3,07% so với tháng trước và tăng 5,74% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, có sự tăng giảm ngược chiều trong các khu vực kinh tế, cụ thể tăng cao ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng 7,14% so với cùng kỳ nhưng giảm ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh với mức giảm 3,45%.

Liên quan đến chỉ số tiêu thụ, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo đại diện Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 4/2024, chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 1,96% so với tháng trước và giảm 1,56% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ số tồn kho giảm 0,31% so với tháng trước và tăng 7,61% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có những cải thiện nhất định, tuy nhiên theo nhận định của Cục Thống kê địa phương, trong bối cảnh thương mại toàn cầu phục hồi chậm, lãi suất tăng cao, đầu tư và tiêu dùng suy giảm, các doanh nghiệp khó tiếp cận được những đơn hàng lớn và dài hạn nên sản xuất của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thật sự ổn định và bền vững.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vinh-phuc-iip-phuc-hoi-tich-cuc-san-xuat-linh-kien-dien-tu-tang-2686-317584.html