Vĩnh biệt nghệ sĩ Thành Được - Người đánh thức!

Sau đệ nhất danh ca Út Trà Ôn thì Hữu Phước và Thành Được là sự kế thừa ưu tú nhất. Thành Được lại hội tụ cả thanh lẫn sắc, cả ca lẫn diễn một cách hoàn hảo nên ông chính là khuôn thước của một kép đẹp trên sân khấu cải lương.

8 giờ 20 phút ngày 16.11.2023 tại San Jose (California - Hoa Kỳ), “ông vua không ngai” Thành Được đã… “băng hà”! Theo MC Thanh Tùng, con trai nuôi nghệ sĩ thì những ngày cuối, ông ăn uống khá khó khăn. Biết ông rất thích ăn xoài cát Hòa Lộc, Thanh Tùng đã mang đến để vợ ông làm sinh tố xoài cho ông.

Ra đi ở tuổi 90 trong vòng tay người thân, giữa bao năm tháng được chăm sóc, sung túc trong tình thân thì hẳn cũng đã là trọn vẹn. Nhưng kỳ lạ, những ngày qua, trên báo chí và nhất là các nền tảng đa phương tiện mọi tiếc thương, những lời đưa tiễn ông đều gắn với từ khóa “đánh thức”. Đánh thức ký ức về một thời đẹp đẽ nhất của sân khấu cải lương. Đánh thức hai cặp đôi huyền thoại của cải lương trăm năm Thành Được - Út Bạch Lan, Thành Được - Thanh Nga trên sân khấu đại bang Thanh Minh - Thanh Nga. Đánh thức một tập tính thưởng thức văn hóa của cư dân đô thị Sài Gòn gắn liền với sân khấu cải lương, kịch nghệ…

Nghệ sĩ Thành Được (1934 - 2023). Ảnh: Đinh Tiến Mậu

Nghệ sĩ Thành Được (1934 - 2023). Ảnh: Đinh Tiến Mậu

Trên sân khấu của dịp hội ngộ gần như sau cùng, Thành Được đã khóc. Ông ôm lấy mặt, không phải để che giấu mà như tột cùng của nỗi nhớ, của cái mà ông gọi là “Thành Được thèm được ca diễn cho quý vị công chúng nghe, được buồn vui cùng đồng nghiệp”. Và ông nghẹn lời “những tiếng cổ võ này, Thành Được nguyện mang theo khi chết”…

Hẳn giờ đây ông đã toại nguyện. Tình cảm, sự kính trọng, ngưỡng vọng cả về tài và đức độ làm nghề, cư xử của ông trong lòng đồng nghiệp, khán giả, người thân đã là sự “cổ võ” bất tận. Vinh quang ngay cả khi ông đã nằm xuống.

Sau đệ nhất danh ca Út Trà Ôn thì Hữu Phước và Thành Được là sự kế thừa ưu tú nhất. Thành Được lại hội tụ cả thanh lẫn sắc, cả ca lẫn diễn một cách hoàn hảo nên ông chính là khuôn thước của một kép đẹp trên sân khấu cải lương. Cùng với nghệ sĩ Thanh Nga, ông là đại diện cho phong cách sân khấu Thật và Đẹp của nghệ sĩ tiên phong Năm Châu.

Với sắc diện một Alain Delon của kịch nghệ Sài Gòn, có một chút lãng tử, có một chút thư sinh lại đầy nam tính, phong lưu, nghĩa hiệp nên gần như khi vào vai chánh diện, ở vị trí kép đẹp hay cả khi là kép… độc - lão (với cái vẻ ngoài cũng như “bảng phân vai” tướng cướp Thi Đằng trong Tiếng hạc trong trăng) thì Thành Được đều hớp hồn công chúng. Vẻ đẹp ấy lại sống động và thông minh trong từng đường nét diễn xuất nên tự nó đã làm nên một chuẩn mực mỹ cảm cho sân khấu cải lương. NSND Bạch Tuyết luôn xuýt xoa kể, coi Nửa đời hương phấn (Hà Triều - Hoa Phượng), Đoạn tuyệt (Nhất Linh - Duy Lân)… đến lớp anh Thành Được và chị Thanh Nga mà kề sát mặt nhau, từ hàng ghế khán giả, khuôn mặt hai người ở góc nghiêng, đẹp như một bức tranh.

Nghệ sĩ Thành Được và nghệ sĩ Thanh Nga “đẹp như một bức tranh”. Ảnh: TL

Nghệ sĩ Thành Được và nghệ sĩ Thanh Nga “đẹp như một bức tranh”. Ảnh: TL

Diện mạo ấy lại được ban cho âm sắc trầm, vang, ngọt và ấm, lại ở quãng rộng, nốt cao nên nghe Thành Được ca, cảm nhận như thanh âm ấy đang giữa vùng thảo nguyên xanh mướt, nó phóng khoáng đó, thâm trầm đó, thong dong đó. Ông trao cho công chúng cả một bầu trời tự do trong tiếng hát của mình.

Phát âm của Thành Được phải nói là đẹp và sang cả. Hai âm “r” và “s” đạt độ chuẩn về mặt ngữ âm. Cộng với làn hơi, nó quyến rũ nhất chính là ở những bài có hơi… Quảng, Thành Được là bậc thầy.

Trong cảnh đầu của vở Đời cô Lựu (Trần Hữu Trang), khi Võ Minh Thành - Thành Được ca bản Khốc Hoàng thiên “Ôi, vợ của… tôi, thật là chu đáo, biết lo xa từ tấm áo…”, cách xử lý lấy hơi Quảng để vào bài rất “sexy” - theo đúng nghĩa của từ này!

Hoặc trong Tiếng hạc trong trăng, lớp cuối, vọng cổ câu 6, xuống xề, Thành Được đã quăng bắt nhịp khiến thầy đờn cao tay nhứt cũng phải kìm mới giữ nổi, song đó là lớp gần như kinh điển của nghệ thuật ca diễn Thành Được: “Không phải ta thi ân mà đó là bổn phận của một người đối với con… con người bất hạnh. Tuy mới hai lần gặp gỡ mà ta cảm thấy thương mến Xuyên Lan như đứa con ruột thịt, nếu ta phải hy sinh đời mình cho nó được niềm vui trong cuộc sống thì ta vẫn vui lòng” (Loan Thảo - Yên Ba).

Điều đó đã chứng thực cho giải Thanh Tâm năm 1966 của nghệ sĩ Thành Được. Ở cả bốn cung bậc hỷ-nộ-ái-ố, ông đã thi triển cùng nhân vật tướng cướp Thi Đằng để đưa nó thành hình mẫu của một vai diễn, làm nên vị thế “không ngai” trong làng kịch nghệ Sài Gòn.

Cái hay là khi ca, chất giọng ông thuần khiết với thanh âm của từng bài bản, tức bắt và giữ đúng chất của hơi, điệu, bài ca; khi thoại, thì kịch tính được ông cắt lớp, xử lý để vừa bộc lộ tính kịch vừa “dọn đường” cho nói lối gối bài ca một cách điệu nghệ nhất. Điển hình trong Sân khấu về khuya (Nguyễn Thành Châu) đoạn tranh luận kinh điển giữa Lĩnh Nam - Giáng Hương, cả hai nghệ sĩ (Thành Được - Thanh Nga) đều đẩy nhanh tốc độ thoại, tiết điệu nhanh, lời rõ, sắc giọng “giả thanh” nhằm biểu đạt giả ý, họ nặng lời với nhau đó rồi họ hiểu nhau rằng họ không thể thuộc về ai khác, càng không thể là “cái thứ này” - Mỹ Tiên. Họ đóng kịch để che giấu điều thật; họ thật trong những lời trách cứ, cay nghiệt và cả say mê nhau…

“Thành Được nhớ Sài Gòn lắm, nhớ từng khán giả của Thành Được. Nhưng giờ cuộc sống của Thành Được ở đây không được thoải mái lắm…”, lần đầu tiên tôi nghe những lời bộc bạch trong nước mắt ấy lại là giữa những ngày ông vừa đi xa. Nó còn hơn cả một nỗi nhớ nghề, nhớ sàn diễn. Là nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ nguồn cội.

Nghệ sĩ Thành Được cuối đời trong vườn nhà ở Mỹ. Ảnh: TL

Nghệ sĩ Thành Được cuối đời trong vườn nhà ở Mỹ. Ảnh: TL

Trong cảnh sung túc, sum vầy bên người thân, con-người-nghệ-sĩ ấy vẫn “không thoải mái” mấy bởi nơi ông thuộc về phải là sàn tập, sàn diễn, quầy bán vé, cánh màn nhung. Nó có chút “bụi bặm”, có chút “trần ai” nhưng đó mới là cái đời thực để ông bước lên bục bệ, hóa thân vào đời ảo của kiếm sĩ Tô Điền Sơn, tướng cướp Thi Đằng, kịch sĩ Lĩnh Nam…

Giờ thì tất cả đã theo ông, cả nỗi nhớ, cả cơn thèm quay quắt sân khấu, khán giả và một đời hào hoa, phong lưu, tình nghĩa. Một chi tiết, dù không hiểu nhưng cũng phải tin, ngày ông mất cũng là ngày giỗ (lần thứ 7) của sầu nữ Út Bạch Lan, bạn nghề và bạn đời một thuở của ông. Không ai đợi ai, gọi nhau cả, mà là sân khấu gọi họ, “đã đến giờ mở màn, mời quý vị khán giả ổn định chỗ ngồi…”.

NSND Bạch Tuyết: “Với nghệ sĩ Thành Được, tôi là một khán giả”

Từ nghệ sĩ Hùng Cường và tôi, tôi luôn ngắm nhìn cặp đôi Thành Được - Thanh Nga, như hai phong cách tưởng có phần đối lập nhưng nó lại là “biện chứng” cho tinh thần cải cách của một sân khấu cải lương ưa chuộng cái mới, cái đẹp. Với nghệ sĩ Thành Được, tôi là khán giả, nếu để xem tôi mở to mắt để ngắm nhìn anh và chị Thanh Nga, họ toàn bích và đủ để dệt nên một thế giới thần tiên cho khán giả.

Nhưng nếu để nghe, tôi sẽ nhắm mắt để tận hưởng làn hơi của anh và sầu nữ Út Bạch Lan trong Nửa đời hương phấn, Tùng và Hương của hai nghệ sĩ, hai người bạn nghề - bạn đời một thuở là bản diễn hay nhứt, theo tôi.

Với riêng tôi, dù ít và hiếm nhưng nghệ sĩ Thành Được - trong vai Võ Minh Thành là một dấu ấn đẹp. Ở lớp đầu, khi cả hai là vợ chồng son, cả anh và tôi đều đồng điệu với lối ca diễn nhẹ nhàng, tươi mới, tương kính như tân. Khoảnh khắc hạnh phúc trong trẻo duy nhứt trong đời Lựu, vì nó trong trẻo nên nó cứ lưu giữ mãi. Cho đến cảnh cuối, chiếc khăn như vật chứng của tình yêu, đã được Lựu và Võ Minh Thành bày tỏ tình yêu nguyên vẹn lẫn những lạc mất, đắng cay.

Mãi sau này khi xem lại, tôi thầm cảm ơn người bạn diễn đã cho tôi những khoảnh khắc tinh tế, đoạn Lựu ca “chỉ đáng cho mình trách mắng, rẻ khinh”, anh Thành Được đã diễn nội tâm hết sức sâu sắc, buông nhỏ một chữ “không”, dường như trong họ cái tình còn đó, cái nghĩa còn đây. Nó lý giải cho hành động sau đó của Lựu, quyết định đứng ra gánh chịu hết bi kịch cho chồng, cho con. Trên sân khấu, tôi nhớ cách anh “đỡ” chiếc khăn cho tôi được chìm vào diễn xuất.

Ngoài đời thực, tôi mãi mãi không quên cái ngoái đầu của anh nhìn về phía anh em đang nhốn nháo trên xe, trong sự cố năm nào. Nhớ cả hình ảnh anh đi tìm mua bộ màn cửa để về trang trí cho căn nhà mới… Gần mấy mươi năm sau, dịp năm 2007, tôi sang Mỹ, có gặp và hội ngộ cùng anh trong trích đoạn Đời cô Lựu. Giọt nước mắt của Lựu hôm ấy, tôi khóc không chỉ cho vai tuồng mà cho cả cái tình nghệ sĩ, gặp nhau nơi xứ người. Cảm nhận rõ cái hơi thở nghề trong con người anh…

90 năm cuộc đời, anh đã sống quá nhiều những cuộc đời sân khấu tuyệt vời. Kính tiễn anh.

Lê Huyền Ái Mỹ

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/vinh-biet-nghe-si-thanh-duoc-nguoi-danh-thuc-41909.html