Vinamilk: Lên kế hoạch doanh thu cao nhất từ khi thành lập, lợi nhuận gần 9.400 tỷ đồng

Năm 2024, Vinamilk (mã: VNM) lên kế hoạch tổng doanh thu 63.163 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.376 tỷ; tăng lần lượt 4,4% và 4% so với thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành, doanh thu này sẽ là mức cao kỷ lục của doanh nghiệp từ khi thành lập.

Lên kế hoạch doanh thu cao nhất lịch sử

Chiều 25/5, Vinamilk đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 theo hình thức trực tuyến.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Vinamilk.

Trong tài liệu gửi cổ đông trước đó, doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 với mục tiêu doanh thu 63.163 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.376 tỷ đồng. Tăng lần lượt 4,4% và 4% so với kết quả thực hiện năm 2023.

Nói về năm 2023, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc chia sẻ với cổ đông: “Năm 2023 phản ánh những gam màu trái ngược. Một mặt sức tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng nhanh đã suy giảm đáng kể. Tăng trưởng âm trong 6 tháng cuối năm do thách từ kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Mặt khác, chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch đã ổn định trở lại giúp chúng ta kiểm soát các chi phí sản xuất hiệu quả hơn. Trong bối cảnh đó, Vinamilk đã tận dụng mọi lợi thế để hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh”.

Trả lời cổ đông về các hướng đi "ngách", bà Liên đánh giá, liên doanh tại Philippines còn rất nhiều khó khăn. "Vinamilk bắt đầu từ năm 2019, nhưng sau đó COVID nên ba năm liền không triển khai được. Tới 2022 - 2023 mới bắt đầu được nhưng những khó khăn này chúng tôi cho rằng là tất yếu. Chúng ta bước vào thị trường mới, sản phẩm mới song với nỗ lực của liên doanh, chúng tôi kỳ vọng trong năm thứ ba, thứ 4 thì kết quả sẽ khả quan hơn".

"Còn về phát triển thị trường Trung Đông và Trung Quốc cũng nằm trong chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu của Vinamilk nhiều năm nay. Tới nay, Vinamilk đã xuất khẩu hơn 60 nước.

Đối với Trung Quốc, Vinamilk mới bước vào thị trường này. Chúng ta đưa ra sản phẩm tương đối độc đáo vào thị trường tỷ dân này.

Ở Trung Đông thì cũng có nhiều nước Vinamilk xuất khẩu. Sản phẩm sữa bột trẻ em xuất được nhiều nước so với một, hai thị trường ban đầu. Chiến lược của Vinamilk là đi song song, vừa nội địa vừa xuất khẩu, “đi hai chân”. Hết 4 tháng của 2024, xuất khẩu của Vinamilk đã tăng trưởng 14%", Tổng Giám đốc Vinamilk đánh giá.

Nhận định về thị trường 6 tháng cuối năm, bà Mai Kiều Liên cho rằng, trong quý I, theo thống kê của Nielsen thì sức mua thị trường sữa Việt Nam âm 2,8%, trong đó bị ảnh hưởng từ thị trường sữa bột giảm 20%. Tuy nhiên tại Vinamilk khá khả quan khi tăng 5%. Doanh nghiệp này tăng trưởng mạnh ở mặt hàng sữa hàng, sữa chua, sữa đặc có đường, sữa chua uống đều tăng trưởng hai con số, bù đắp phần sụt giảm của sữa bột.

Đã chi hơn 80.000 tỷ trả cổ tức, dự kiến duy trì cổ tức 38,5% trong năm 2024

Thông tin tại đại hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch HĐQT thông tin, Vinamilk là một trong số các công ty trả cổ tức cao đều đặn trên sàn. Theo công bố từ doanh nghiệp, từ năm 2006 đến nay, công ty đã chi hơn 80.200 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông.

Về phương án phân phối lợi nhuận, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 đã phê duyệt kế hoạch chi cổ tức bằng tiền năm 2023 là tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của công ty.

Căn cứ vào Nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên 2023, HĐQT đã thực hiện tạm ứng cổ tức hai đợt và sắp thanh toán đợt ba vào ngày 26/4. Tổng tỷ lệ tạm ứng của ba đợt là 29% bằng tiền (2.900 đồng/cp).

Căn cứ theo kết quả kinh doanh năm 2023, HĐQT trình ĐHĐCĐ phê duyệt cổ tức đợt cuối năm 2023 với tỷ lệ 9,5%, tương đương 950 đồng/cp.

Giao HĐQT quyết định ngày chốt danh sách/ngày đăng ký cuối cùng và ngày chi trả, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày 25/4.

Như vậy, tổng cổ tức là của năm tài chính 2023 là 38,5% mệnh giá, tương đương 8.046 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức là 91% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của công ty.

Năm 2024, Vinamilk đề xuất tổng mức cổ tức là 38,5% mệnh giá, tương đương 3.850 đồng/cp. Nguồn chi trả là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của báo cáo tài chính quý hợp nhất gần nhất so với ngày đăng ký cuối cùng của từng đợt tạm ứng.

Dự kiến công ty sẽ chi trả tổng cộng hơn 8.000 tỷ đồng cho cổ đông. Bên cạnh đó, việc phân phối cổ phần của Vinamilk cũng đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 36% vốn và có thể nhận về gần 2.900 tỷ đồng. Nhóm F&N của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi dự kiến sẽ nhận hơn 1.600 tỷ đồng với 20,4% vốn. Còn Platinum Victory Pte. Ptd, cổ đông lớn nước ngoài, sẽ nhận gần 855 tỷ đồng với 10,62% vốn.

Trong báo cáo phân tích triển vọng doanh nghiệp mới đây, Chứng khoán KB Securities (KBSV) dự báo năm 2024, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu lớn của Vinamilk sẽ tăng trở lại.

Hiện động lực tăng trưởng doanh thu xuất khẩu của công ty vẫn đến từ nhóm thị trường chính và chủ lực như Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á… Riêng thị trường Trung Đông, doanh thu xuất khẩu của thị trường này đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, và còn rất nhiều dư địa phát triển.

Còn tại thị trường châu Á, doanh thu các sản phẩm sữa đặc, sữa tươi và sữa chua ăn cũng tăng trưởng tích cực khi sản phẩm công ty ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Cụ thể, lô sữa chua hương vị sầu riêng đầu tiên của VNM lên kệ hàng tại Trung Quốc vào cuối năm 2023. Trước đó, sữa đặc Ông Thọ, cũng có mặt tại chuỗi siêu thị lớn tại thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vinamilk-len-ke-hoach-doanh-thu-cao-nhat-tu-khi-thanh-lap-loi-nhuan-gan-9400-ty-dong.html