Viết tiếp trang sử vẻ vang của Binh đoàn Hương Giang anh hùng

Cách đây 50 năm, ngày 17-5-1974, tại Chiến khu Ba Lòng (nay là xã Ba Lòng, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị), Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) được thành lập.

Lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Quân đoàn 2 là minh chứng khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo về đường lối quân sự của Đảng và khả năng tổ chức hiện thực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hội tụ các đơn vị có bề dày truyền thống

Quân đoàn 2 khi mới thành lập gồm các đơn vị có bề dày truyền thống, từng lập nhiều chiến công vang dội trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà tên tuổi đã trở thành niềm tự hào của quân và dân cả nước. Đó là Sư đoàn 304-Đại đoàn Vinh Quang, một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta; Sư đoàn 325-Đại đoàn Bình Trị Thiên; Sư đoàn 324; Sư đoàn Phòng không 673 (nay là Lữ đoàn Phòng không 673); Lữ đoàn Pháo binh 164; Lữ đoàn Xe tăng 203; Lữ đoàn Công binh 219; Trung đoàn Thông tin 463...

Chỉ huy Quân đoàn 12 kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn Phòng không 673, tháng 2-2024. Ảnh: HÙNG ANH

Chỉ huy Quân đoàn 12 kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn Phòng không 673, tháng 2-2024. Ảnh: HÙNG ANH

Chủ trương thành lập các quân đoàn chủ lực nói chung, Quân đoàn 2 nói riêng ngay tại chiến trường ác liệt vào cuối giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã tiếp tục khẳng định bước trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta trong tổ chức và sử dụng lực lượng. Ngay sau khi thành lập, Quân đoàn 2 đã quán triệt sâu sắc chức năng, nhiệm vụ; khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, lực lượng, xây dựng đơn vị chính quy, tinh nhuệ, cơ động nhanh, đột kích mạnh nhằm thực hiện các chiến dịch quy mô vừa và lớn, tiêu diệt địch bằng sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng để thay đổi cục diện, giành thắng lợi quyết định trên chiến trường. Chỉ sau thời gian ngắn xây dựng đơn vị, củng cố địa bàn và bảo vệ vùng giải phóng, Quân đoàn 2 phối hợp cùng LLVT Quân khu 5 và Quân khu Trị Thiên liên tiếp tiến công, giành thắng lợi lớn trong các chiến dịch trong năm 1974: Nông Sơn-Thượng Đức; La Sơn-Mỏ Tàu...

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, một phần lực lượng của Quân đoàn 2 tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, cùng các đơn vị bạn đánh chiếm khu vực Ngã Sáu, tiểu khu Đắk Lắk, đầu não chỉ huy của các lực lượng bảo an, dân vệ; đánh chiếm khu quân cảnh, giải phóng nhà lao; tiêu diệt sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, tạo đột phá mang ý nghĩa chiến lược.

Cùng thời điểm đó, tại chiến trường Trị Thiên, Quân đoàn đã phối hợp với LLVT và nhân dân địa phương mở chiến dịch tiến công dồn dập, dũng mãnh, táo bạo, giải phóng Quảng Trị; chuyển hướng khu vực tiến công chủ yếu của chiến dịch vào nơi hiểm yếu địch không ngờ tới, nhanh chóng giành thắng lợi ở Tây Nam Huế, chặt đứt đường số 1, đánh thẳng vào nội đô, cắm cờ lên đỉnh Phu Văn Lâu, giải phóng TP Huế.

Thừa thắng tiến lên, Quân đoàn mở chiến dịch tiến công Đà Nẵng trên hai hướng với sức mạnh như vũ bão, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở đèo Hải Vân; đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, sân bay Đà Nẵng, sở chỉ huy Sư đoàn 3 ngụy; cùng với LLVT Quân khu 5 làm chủ căn cứ liên hợp quân sự, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng.

Trước trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã báo cáo và được Quân ủy Trung ương, Bộ tư lệnh chiến dịch nhất trí giao nhiệm vụ cho Quân đoàn tổ chức hành quân vào Nam chiến đấu. Thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”, Quân đoàn 2 khẩn trương hình thành “cánh quân duyên hải”, tiến công thần tốc với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, đập tan “lá chắn thép” Phan Rang và tuyến phòng thủ từ xa của chúng, giải phóng 6 tỉnh duyên hải miền Trung.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ cùng với Quân đoàn 4 tiến công trên hướng Đông và Đông Nam Sài Gòn, là hướng địch phòng thủ kiên cố. Với tư tưởng chỉ đạo tác chiến “nhanh, mạnh, chắc thắng”, Quân đoàn đã lần lượt tiêu diệt, làm chủ nhiều mục tiêu quan trọng, mở tung cánh cửa phía Đông và Đông Nam Sài Gòn; nắm vững thời cơ, tổ chức lực lượng đột kích, thọc sâu, dũng mãnh tiến công vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm và cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện, góp phần làm nên chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày đất nước thống nhất, Quân đoàn 2 tiếp tục thực hiện các cuộc hành quân thần tốc, kịp thời trực tiếp tham gia chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc; đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Lào, Campuchia. Trong thời bình, Quân đoàn được xây dựng ngày càng lớn mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Tiếp nối truyền thống hào hùng

Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, ngày 21-11-2023, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định giải thể Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2, thành lập Quân đoàn 12. Đây là quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược của Bộ được tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Quân đoàn 12 rất tự hào được nối tiếp và kế thừa truyền thống vẻ vang của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2, là hai quân đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta.

Đội hình của hai quân đoàn là những đơn vị có bề dày truyền thống, được tôi luyện trong chiến tranh cách mạng và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, xây đắp nên truyền thống “Thần tốc, quyết thắng” và “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng”.

 Tổ chức thực hành huấn luyện đêm ở Sư đoàn 325 (Quân đoàn 12).

Tổ chức thực hành huấn luyện đêm ở Sư đoàn 325 (Quân đoàn 12).

Trong điều kiện mới được thành lập có rất nhiều nhiệm vụ phải triển khai, đặc biệt là tổ chức cuộc diễn tập ĐT-23 với sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của nhiều quân, binh chủng, lực lượng, sử dụng nhiều loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất; triển khai nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2024 với khối lượng công việc lớn; tổ chức huấn luyện sử dụng vũ khí, khí tài mới; tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ... nhưng Quân đoàn 12 đã làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách, kịp thời điều chỉnh, sắp xếp, bố trí cán bộ, tạo sự đồng thuận cao trong đơn vị. Ngay từ đầu năm 2024, Quân đoàn nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân đoàn “tinh, gọn, mạnh”, gắn với nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Kế thừa truyền thống và bề dày kinh nghiệm của các đơn vị thuộc Binh đoàn Quyết thắng và Binh đoàn Hương Giang, cùng khí thế mới, động lực mới, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 12 quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cùng cán bộ, chiến sĩ toàn quân.

50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 2-Binh đoàn Hương Giang đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 4 lần được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và hàng chục huân chương các loại; 67 tập thể và 42 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; hàng nghìn tập thể, cá nhân được trao tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý khác.

Thiếu tướng TRƯƠNG MẠNH DŨNG, Tư lệnh Quân đoàn 12

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/viet-tiep-trang-su-ve-vang-cua-binh-doan-huong-giang-anh-hung-776926