Việt Nam sắp có 'thiên nhãn' theo dõi thời tiết bất kể điều kiện nào

Vệ tinh LOTUSat-1 là vệ tinh quan sát Trái đất của Việt Nam với khả năng chụp ảnh độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm bằng công nghệ cảm biến radar khẩu độ tổng hợp.

Chụp ảnh rõ nét trong điều kiện có nhiều mây

PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau 2025, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh LOTUSat-1, vệ tinh radar đầu tiên lên quỹ đạo.

Vệ tinh LOTUSat-1 là vệ tinh quan sát Trái đất với khả năng chụp ảnh độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm bằng công nghệ cảm biến radar khẩu độ tổng hợp. Vệ tinh có khối lượng khoảng 570 kg. Đây là vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam do Nhật Bản chế tạo với sự tham gia của các kỹ sư Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), được khởi động từ năm 2021.

Dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam dự kiến được phóng lên quỹ đạo cuối năm 2024.

Vệ tinh LOTUSat-1 dự kiến hoạt động trên Quỹ đạo đồng bộ Mặt trời ở độ cao xấp xỉ 500km, và có thể phát hiện các vật thể có kích thước từ 1m trên mặt đất. Vệ tinh dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào khoảng tháng 12/2024 đến tháng 3/2025. Thời gian hoạt động của vệ tinh trên quỹ đạo là khoảng hơn 5 năm.

TS Lê Xuân Huy, phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, khác với các vệ tinh quang học, vệ tinh radar có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, đặc biệt khi thời tiết có mây, sương mù, điều kiện thiếu ánh sáng nhờ công nghệ SAR. Điều này được ví như "mắt thần" trong vũ trụ.

Vệ tinh trang bị công nghệ SAR phản xạ vi sóng khỏi bề mặt Trái đất để tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao. Làm việc cả ngày lẫn đêm, những vệ tinh này có thể nhìn xuyên qua đám mây và các hiện tượng thời tiết khác, khiến chúng trở thành công cụ quan trọng trong việc theo dõi các hệ thống thời tiết trong bất cứ điều kiện và thời gian nào.

Ông Huy kỳ vọng dữ liệu cung cấp từ vệ tinh radar này sẽ đóng góp quan trọng cho Việt Nam, trong điều kiện môi trường khí hậu có nhiều mây, phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Dữ liệu từ LOTUSat-1 có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai.

Hoàn thiện hệ thống mặt đất để nhận tín hiệu vệ tinh

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nhấn mạnh: "Dự kiến sớm nhất là cuối tháng 12 năm nay sẽ phóng. Còn theo lịch phóng hiện nay là trong khoảng từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 3 năm sau 2025. Và khi phóng lên thì việc điều kiển vệ tinh này sẽ do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tự chủ, ảnh sẽ được thu nhận, xử lý tại Việt Nam để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng".

Để chuẩn bị cho việc khai thác vệ tinh sau khi phóng lên quỹ đạo, dự kiến tháng 9/2024, toàn bộ hệ thống mặt đất phục vụ cho vận hành vệ tinh sẽ được hoàn thiện tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ở Hòa Lạc (Hà Nội) để sẵn sàng đón nhận tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng cho biết, sau LOTUSat-1, Việt Nam sẽ phát triển và chế tạo vệ tinh LOTUSat-2. Việc thiết kế, chế tạo sẽ diễn ra ở Việt Nam, do đội ngũ kỹ sư người Việt thực hiện, đánh dấu bước ngoặt trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ. Sau LOTUSat-2, Việt Nam có thể vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công nghệ vệ tinh.

PGS.TS Trần Tuấn Anh cho biết, vệ tinh LOTUSat-1 sắp tới được phóng là hợp tác chặt chẽ với JAXA của Nhật Bản. Thì song song với việc mình hợp tác với họ thì mình cũng tự chủ năng lực của mình, thì thời gian qua Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, đã chế tạo PicoDragon, MicroDragon và NanoDragon- đây là những vệ tinh cỡ nhỏ.

Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trình Chính phủ phê duyệt và giao cho Viện Hàn lâm xây dựng cái lộ trình để chế tạo các chùm vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, để từng bước tự chủ trong công nghệ vũ trụ.

Một vệ tinh khác đang hoạt động hiệu quả trên quỹ đạo là vệ tinh VNREDSat-1. Đây là vệ tinh quang học quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam.

Vệ tinh VNREDSat-1 có kích thước 600mm x 570mm x 500mm, trọng lượng khoảng 120kg do Tập đoàn Airbus phát triển đã được phóng thành công lên quỹ đạo vào ngày 7-5-2013. Đây là kết quả của dự án ODA do Chính phủ Pháp hỗ trợ Việt Nam, là một hệ thống vệ tinh quan sát trái đất hoàn thiện bao gồm cả vệ tinh và các trạm điều khiển, thu nhận và xử lý ảnh từ vệ tinh.

TS Ngô Duy Tân, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) cho biết, đến nay, Vệ tinh VNREDSat-1 đã hoạt động trên quỹ đạo gấp đôi thời gian so với thiết kế và tiếp tục được vận hành và khai thác an toàn, hiệu quả đem lại nguồn ảnh viễn thám phục vụ các nhu cầu về bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nghiên cứu và đào tạo.

Sau hơn 10 năm hoạt động trên quỹ đạo, vệ tinh VNREDSat-1 đã chụp, truyền về mặt đất khoảng 160 nghìn cảnh ảnh kích thước 17,5km x 17,5km trên toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam cũng như các khu quan tâm trên thế giới.

Dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 1/5 | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-sap-co-thien-nhan-theo-doi-thoi-tiet-bat-ke-dieu-kien-nao-169240501114117623.htm