Việt Nam có trở thành 'kinh đô điện ảnh' thế giới?

'Thực tiễn tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã chứng minh, điện ảnh là một kênh quảng bá vô cùng hữu hiệu cho các điểm đến du lịch. Sau thành công của mỗi tác phẩm điện ảnh, những địa điểm từng là bối cảnh trong phim trở thành điểm đến của hàng loạt tour du lịch, thu hút đông đảo du khách' - ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao đổi tại Diễn đàn 'Du lịch và Điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh', diễn ra ở thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ngày 16/6/2023.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trao biên bản ghi nhớ cho nhà đầu tư xây dựng phim trường đẳng cấp quốc tế tại Nha Trang. Ảnh: Hải Luận

Chi phí sản xuất phim ở Việt Nam rất rẻ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức chuỗi chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh, thu hút nhiều hãng phim, điện ảnh, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước tham gia. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được thể hiện tuyệt đẹp qua các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng được quay tại Việt Nam như phim “Người Mỹ trầm lặng”, “Kong: Đảo đầu lâu”, “Hành trình tình yêu của một du khách”, “Chuyện của Pao”, “Cha cõng con”, “Cánh đồng bất tận”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”, “Em và Trịnh"...

Những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến yêu thích của các nhà làm điện ảnh thế giới. Tiêu biểu như phim “Kong: Đảo đầu lâu” của Hollywood (Mỹ) có phần lớn thời lượng trong phim là các cảnh quay về vẻ đẹp của núi rừng, biển, đảo Việt Nam. Khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ ở Ninh Bình, Quảng Bình và Hạ Long (Quảng Ninh) đã trở thành những điểm nhấn trong phim. Không ít người xem Việt Nam và quốc tế ngỡ ngàng và đắm chìm trước vẻ đẹp quá đỗi quen thuộc, nhưng lại trở nên mới lạ qua góc nhìn của những nhà làm phim đến từ kinh đô điện ảnh thế giới.

“Việt Nam có nhiều phong cảnh độc lạ với khán giả thế giới, đây được xem là một trong những lý do để các nhà điện ảnh thế giới đến Việt Nam quay phim. Chi phí sản xuất phim ở Việt Nam rất rẻ, chẳng hạn 1 triệu USD chỉ làm một phim nho nhỏ tại Mỹ hoặc châu Âu, song tại Việt Nam có thể làm ra cả một bộ phim nhiều tập. Đây là lực hấp dẫn nhất cho các nhà tổ chức sản xuất phim” - Đạo diễn Aaron Torondo (người Mỹ) đã có nhiều phim quay ở Việt Nam nói lên điểm trọng yếu.

Cạnh tranh khốc liệt ở tầm quốc gia

Trong chuỗi chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh, có nhiều hoạt động ý nghĩa ở thành phố biển Nha Trang. Nhiều nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên... trong và ngoài nước đã đưa ra các góc nhìn khác nhau, đặt câu hỏi: Nha Trang sẽ thành thành phố điện ảnh không? Việt Nam có trở thành “kinh đô điện ảnh” thế giới?

Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liệt kê chất liệu điện ảnh: Việt Nam có kho tàng văn hóa, tài nguyên du lịch đồ sộ, phong phú và đa dạng, với 3.602 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; nền ẩm thực đặc sắc. Bờ biển dài hơn 3.000km, có rất nhiều đảo, vịnh, bãi biển đẹp nao lòng du khách... Ở phía Tây có dãy Trường Sơn hùng vĩ, núi rừng phía Bắc trùng điệp. Đây chính là chất liệu tuyệt vời để các nhà điện ảnh thế giới tiếp cận, khai thác, làm nên những bộ phim “để đời”.

Giới điện ảnh chuyên nghiệp trong và ngoài nước cho rằng, các nước Đông Nam Á đang có cuộc đua cạnh tranh quyết liệt trong mời gọi các hãng phim, điện ảnh thế giới đến hợp tác. Đạo diễn Aaron Torondo nhận định: “Ngay ở các bang của nước Mỹ cũng cạnh tranh với nhau giảm giá, tăng hỗ trợ các dịch vụ cho lĩnh vực điện ảnh nhằm thu hút Hollywood đến quay phim ở bang mình. Thái Lan cũng đã có những chính sách rất cụ thể, giảm giá khách sạn cho đoàn làm phim, ưu đãi dịch vụ vận chuyển, tăng thời gian lưu trú... Malaysia liên tục đưa ra những chương trình hay để mời gọi điện ảnh thế giới đến quốc gia này làm phim. Xét về thời tiết, phong cảnh, câu chuyện văn hóa..., Việt Nam, Thái Lan, Malaysia có sự tương đồng. Tôi cho rằng, đang có sự cạnh tranh khốc liệt ở tầm quốc gia”.

Thành phố Busan, Hàn Quốc đưa ra chính sách hỗ trợ rất cụ thể, thời gian đoàn làm phim ở lại làm việc 7 ngày trở lên, thành phố hỗ trợ 50% giá khách sạn và các chi phí dịch vụ làm phim. Đạo diễn Justin Kim (Hàn Quốc) chia sẻ: “Tôi từng đến tỉnh Quảng Bình quay bộ phim “Tháng 5 rực rỡ”, được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ rất tốt. Có 3 tiêu chí quan trọng trong làm điện ảnh: Tính sẵn có của cơ sở vật chất, nhân sự tại địa phương, cảnh vật độc đáo. Nhiều tỉnh của Việt Nam đã đáp ứng được 3 tiêu chí quan trọng này".

Tuy nhiên, đạo diễn Justin Kim cũng cho rằng, Việt Nam còn một số vấn đề như visa nhập cảnh vào Việt Nam có đủ lâu để làm xong những bộ phim lớn, miễn thuế hoặc giảm thuế đối với những thiết bị nhập khẩu phục vụ làm phim. Hay việc giảm chi phí ăn ở, đi lại... cần được công bố rộng rãi trên cổng thông tin điện tử để các nhà làm phim quốc tế lựa chọn. Nếu nước này đưa ra chính sách tốt hơn nước khác, chắc chắn sẽ được các đoàn chọn đến làm phim. Nhà tổ chức làm phim rất đau đầu bài toán lỗ - lãi trong suốt quá trình sản xuất.

Một đầu mối giúp đoàn làm phim

“Tỉnh Hà Giang có Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng. Những năm qua, địa phương đã thu hút nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước đến quay thực địa. Sau khi UBND tỉnh có văn bản chấp thuận và giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì làm một đầu mối giúp đoàn làm phim, cơ quan này sẽ gửi công văn thông báo đến các sở, ngành, huyện có liên quan, về thời gian, địa điểm đoàn làm phim sẽ thực hiện. Cần hỗ trợ diễn viên quần chúng, đạo cụ, phương tiện... của địa phương cũng được nêu ra rất rõ ràng. Đoàn làm phim không phải chạy chỗ này qua chỗ kia xin ý kiến” - ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang thông tin.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-nam-co-tro-thanh-kinh-do-dien-anh-the-gioi-post464221.html