Việt Á và những doanh nghiệp nào bị đề nghị xử lý trong vụ AIC tại TP.HCM?

Cơ quan điều tra Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính, UBND TP.HCM và các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý đối với 12 công ty có liên quan đến sai phạm tại Công ty AIC.

Phan Quốc Việt dính líu như thế nào với Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn?

Ban hành kết luận điều tra vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học (TTCNSH) TP.HCM, Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 13 cá nhân khác tố về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo cáo buộc, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC đã thành lập, điều hành Công ty AIC và các công ty thành viên gồm Công ty Mopha, Công ty Công nghệ cao, Công ty Uy tín toàn cầu.

Năm 2014, thông qua các mối quan hệ, Nhàn đã thỏa thuận, thống nhất với cựu Giám đốc TTCNSH TP.HCM Dương Hoa Xô tạo điều kiện cho Công ty AIC thực hiện các gói thầu dự án 12 phòng thí nghiệm.

Các bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Dương Hoa Xô.

Cơ quan điều tra xác định, quá trình thông thầu, bà Nhàn cùng các bị can thống nhất để cho Công ty AIC đứng đầu liên danh và chuẩn bị chi phí. Còn Công ty Gene Việt sẽ đàm phán việc giảm giá với nhà cung cấp thiết bị.

Song, lúc đó Công ty Gene Việt chưa đủ năng lực nên Chủ tịch Công ty này là Nguyễn Xuân Vũ đã "mời" Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt (đang bị tuyên hơn 30 năm tù trong hai vụ án) tham gia liên danh, bởi Việt Á sở hữu 10% vốn góp tại Công ty Gene Việt.

Sau khi thống nhất, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới liên hệ với Công ty Vimedimex giúp họ đứng tên một gói thầu. Qua đó, các bị can đã thông đồng nâng giá để hưởng lợi 40% giá trị gói thầu, gây thiệt hại gần 95 tỷ đồng.

Danh sách 12 doanh nghiệp bị đề nghị xử lý trong vụ AIC tại TP.HCM

Trong vụ án, cơ quan điều tra cũng điểm danh hàng loạt doanh nghiệp có liên quan đến quá trình bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng Dương Hoa Xô và đồng phạm liên thủ để thông thầu.

Vì vậy, Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý hành chính đối với các công ty thẩm định giá và thẩm định viên được cho là có sai phạm trong vụ án.

Cụ thể là đơn vị gồm: Công ty TNHH kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM (nay là Công ty TNHH kiểm toán và dịch vụ tin học Moore AISC); Công ty Cổ phần tư vấn và thẩm định giá Đông Nam Á (tạm đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá...).

Phan Quốc Việt dính đến nhiều vụ án, trong đó có vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Cũng trong kết luận điều tra, cơ quan chức năng kiến nghị UBND TP.HCM và các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý đối với 10 công ty.

Số này bao gồm: Công ty Cổ phần công nghệ cao, Công ty TNHH Y sinh Nam Anh, Công ty TNHH vật tư khoa học kỹ thuật Đông Dương, Công ty TNHH thiết bị khoa học và công nghệ Kim Ngân, Công ty Cổ phần công nghệ cao Gene Việt, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu kỹ thuật Vimedimex, Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á.

Tiếp đó là Công ty Cổ phần tư vấn và quản lý xây dựng Hồng Hà, Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Nguyễn Châu theo thẩm quyền và quy định của Luật Đấu thầu 2013 (cảnh cáo, phạt tiền, cấm tham gia hoạt động đấu thầu...).

Năm 2023, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên phạt 30 năm tù do liên quan vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Đầu năm 2024, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án thông thầu tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh và tuyên phạt Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn thêm 10 năm tù.

Cuối tháng 12/2023, Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố do vi phạm quy định về đấu thầu trong vụ án vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/viet-a-va-nhung-doanh-nghiep-nao-bi-de-nghi-xu-ly-trong-vu-aic-tai-tphcm-192240430085303291.htm