Vì sao tỷ lệ ly hôn tăng lại là tín hiệu mừng ở Trung Quốc?

74% vụ ly hôn tại Trung Quốc được trình lên tòa bởi phái nữ. Theo SCMP, điều này chứng tỏ phụ nữ đất nước tỷ dân đã dám vượt lên định kiến xã hội để tìm kiếm hạnh phúc cá nhân.

Zing.vn trích dịch bài viếtcủa tác giả Lijia Zhang trên South China Morning Post đề cập đến xu hướng phụ nữ chủ động ly hôn đang dần phổ biến ở Trung Quốc và những áp lực đến từ định kiến xã hội, giới chức trách đối với vấn đề này.

"Thuyền theo lái, gái theo chồng" là quan niệm phổ biến ở các nước châu Á, đặc biệt là đối với một quốc gia truyền thống như Trung Quốc. Theo đó, người vợ phải thực hiện đủ "tam tòng tứ đức", phải biết nhẫn nhịn để giữ gìn cuộc hôn nhân.

Trước khi Trung Quốc ban hành Luật Hôn nhân mới vào năm 1950, ly dị là khái niệm hoàn toàn xa lạ với các cặp vợ chồng. Nhưng ngay cả khi luật có hiệu lực, rất ít phụ nữ đủ dũng khí thực hiện điều này.

Can đảm ly hôn

Nhưng mọi chuyện đang dần thay đổi. Vào đầu tháng 11 vừa qua, Zhou Qiang – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã tiết lộ trong một bài phát biểu rằng, có đến 74% số vụ ly hôn ở nước này được trình lên bởi nữ giới. Đây được coi là một thành tựu của phụ nữ Trung Quốc bởi họ đã có can đảm đấu tranh cho quyền lợi của chính mình.

Đã qua rồi những tháng ngày phái yếu phải cam chịu một cuộc hôn nhân bất hạnh. Ngày nay, những người phụ nữ Trung Quốc hiện đại, có học thức đang dần trở nên độc lập, ý thức được quyền và có dũng khí theo đuổi hạnh phúc cho bản thân. Với họ, quan niệm truyền thống không còn là khuôn mẫu gò ép nữa.

Phụ nữ Trung Quốc đang dần thoát ly khỏi những quan niệm cũ để dũng cảm tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân. Ảnh: d3sign.

Phụ nữ Trung Quốc đang dần thoát ly khỏi những quan niệm cũ để dũng cảm tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân. Ảnh: d3sign.

Ba năm trước, Ye Hong – một nghệ sĩ 38 tuổi đã chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 13 năm với người chồng làm nhân viên công vụ của mình sau khi phát hiện bộ sưu tập ảnh nóng trên máy tính của anh ta.

Người mẹ chồng, dù đã biết “lịch sử trăng hoa” của con trai mình nhưng vẫn khuyên Ye phải nghĩ cho con cái, về những hệ lụy khi tái giá ở tuổi trung niên. Những lời ấy không làm lay chuyển quyết định của Ye: “Tôi không thể sống cùng người đàn ông mà tôi không còn thấy tôn trọng.”

Ngày nay, nhiều đôi không ở với nhau được lâu như vợ chồng Ye Hong. Trong bài phát biểu của mình, ông Zhou Qiang cho biết khoảng thời gian bảy năm mặn nồng cho một cuộc hôn nhân nay đã rút ngắn còn ba năm.

Tỷ lệ ly hôn đang gia tăng một cách chóng mặt trong thời đại ngày nay. Năm 2016, 4.2 triệu cặp đôi, phần lớn là người thành thị đã quyết định “đường ai nấy đi”.

Nhờ sự thay đổi trong hệ thống luật pháp và tư tưởng của người dân, ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân của mình. Ảnh: South China Morning Post.

Nhờ sự thay đổi trong hệ thống luật pháp và tư tưởng của người dân, ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân của mình. Ảnh: South China Morning Post.

Sự phồn vinh của “đất nước tỷ dân” đã thúc đẩy sự tự ý thức của phụ nữ về vấn đề bình đẳng trong hôn nhân. Khi độc lập về tài chính, họ có quyền tự quyết định cuộc đời mình.

Nếu chồng không chung thủy, không có trách nhiệm; nếu không thỏa mãn trong sinh hoạt vợ chồng, họ hoàn toàn có quyền chấm dứt cuộc hôn nhân thất bại của mình.

Chính quyền phải ra tay

Dẫu vậy, xu hướng chủ động ly hôn của chị em vẫn chịu nhiều điều tiếng của xã hội. Với nhiều bậc phụ huynh, việc một người phụ nữ ly hôn là vết nhơ của gia đình cô ấy. May mắn thay, quan niệm cổ hủ này đang dần mất đi và chuyện ly dị đã trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Tỷ lệ ly hôn gia tăng hẳn đã khiến các nhà chức trách phải trăn trở. Ám ảnh với việc gìn giữ ổn định xã hội, họ coi con số khổng lồ của các vụ li hôn là một bước lùi và trào lưu này cần phải bị ngăn chặn.

Năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã chỉ thị các thẩm phán phải cân bằng giữa việc “thực thi ý muốn của người dân” và “giữ gìn gia đình ổn định”.

Năm ngoái, các tòa án địa phương đã đưa ra một số biện pháp nhằm thay đổi quyết định ly hôn của các cặp đôi như cho thời gian cân nhắc, cung cấp liệu trình tư vấn miễn phí, thậm chí là bộ câu hỏi nhằm làm họ nản lòng.

Đáng chú ý, hơn một nửa trong số các đơn đề nghị ly hôn đã bị tòa án phủ quyết.

Ngày 14/2/2012, một nữ sinh ở Bắc Kinh đã hóa trang thành một cô dâu bị chồng đánh đập để phản đối nạn bạo hành gia đình. Đến năm 2015, Trung Quốc lần đầu thông qua điều luật về bạo hành gia đình và có hiệu lực vào tháng 3/2016. Ảnh: Simon Song.

Ngày 14/2/2012, một nữ sinh ở Bắc Kinh đã hóa trang thành một cô dâu bị chồng đánh đập để phản đối nạn bạo hành gia đình. Đến năm 2015, Trung Quốc lần đầu thông qua điều luật về bạo hành gia đình và có hiệu lực vào tháng 3/2016. Ảnh: Simon Song.

Chính phủ không nên can thiệp vào quyết định "đường ai nấy đi" của các cặp vợ chồng. Ly hôn là chuyện cần cân nhắc cẩn trọng, đặc biệt khi nó liên quan tới con trẻ.

Tuy nhiên, việc ngăn cấm phụ nữ thoát khỏi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc đồng nghĩa với việc ngăn cản quyền tự do của họ. Không một ai, dù là phụ nữ hay đàn ông, xứng đáng phải hi sinh hạnh phúc của mình vì mục tiêu "gìn giữ ổn định xã hội" của các nhà chức trách.

Xu hướng nữ giới chủ động giải thoát mình khỏi cuộc hôn nhân thất bại ở Trung Quốc là một mắt xích trong xu hướng chung của các nước phát triển trên thế giới.

Ở một số nước phát triển như Mỹ hay Anh, số lượng phụ nữ chủ động ly dị ngày một nhiều hơn đàn ông. Điều này thể hiện sự thay đổi trong quan niệm hôn nhân và mô hình gia đình trên phạm vi thế giới.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-ty-le-ly-hon-tang-lai-la-tin-hieu-mung-o-trung-quoc-post1018701.html