Vì sao quan hệ Nga - Triều Tiên đang vững đà phát triển?

Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, quan hệ Nga - Triều Tiên đang có sự 'nồng ấm'. Nhiều nhận định cho rằng, mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (bên trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc hội đàm tại Nga vào tháng 9/2023. Ảnh: Reuters

Sự chuyển dịch tất yếu

Dẫn chứng cho nhận định về quan hệ Nga - Triều Tiên đang “nồng ấm”, ngày 28/3 vừa qua, Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc gia hạn ủy quyền hoạt động của nhóm chuyên gia độc lập (PoE) có nhiệm vụ theo dõi việc thi hành các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. Trong 15 nước Ủy viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu cho nghị quyết này, có 13 nước bỏ phiếu ủng hộ, 1 phiếu trắng của Trung Quốc và 1 phiếu chống của Nga. Với tư cách là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an, nên phiếu chống của Nga đồng nghĩa rằng, PoE sẽ chấm dứt hoạt động vào cuối tháng 4 tới đây.

Phân tích sâu về động thái của Nga, giới chuyên gia cho rằng, cần phải nhìn lại một tiến trình với nhiều diễn biến trong những năm gần đây, Trong giai đoạn 2018-2019, Mỹ và Triều Tiên nỗ lực đạt thỏa thuận phi hạt nhân nhằm giảm nhẹ hoặc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Hàn Quốc tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán thỏa thuận này. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 2/2019 không đưa ra được tuyên bố chung, đẩy tiến trình đàm phán thỏa thuận này lâm vào bế tắc.

Các chính quyền kế nhiệm của Mỹ và Hàn Quốc sau thời ông Donald Trump và ông Moon Jae-in có những thay đổi đáng kể, khi ưu tiên củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn Quốc, trong khi đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên gần như bị ngó lơ. Vì vậy, định hướng của Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa để đổi lại “lời giải” cho các “bài toán hóc búa” về kinh tế đã không còn phù hợp. Điều này tất yếu tạo ra sự chuyển hướng của Triều Tiên trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác. Sự lựa chọn phù hợp nhất với Triều Tiên trong bối cảnh này chính là Nga và Trung Quốc. Diễn biến chứng minh cho xu hướng dịch chuyển này là vào tháng 7/2023, 2 quan chức cấp cao của Nga và Trung Quốc hiện diện trong lễ diễu hành quân sự của Triều Tiên.

Với Trung Quốc, dù có xu hướng gắn kết với Triều Tiên, nhưng chưa có sự can dự sâu, bởi 2 yếu tố. Thứ nhất, Trung Quốc cần tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước. Thứ hai, nếu thực hiện các hành động sâu sắc với Triều Tiên, tất yếu sẽ thúc đẩy hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc.

Trong khi đó, quan hệ Nga - Triều Tiên có nhiều diễn biến gắn kết tốt hơn. Bởi trong bối cảnh an ninh phức tạp tại châu Âu, Nga rất cần các đối tác sở hữu lượng đạn pháo dồi dào như Triều Tiên, nhất là khi các đối tác trước đây của Nga bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Ngược lại, Triều Tiên cần Nga viện trợ lương thực, nhiên liệu và hỗ trợ phát triển công nghệ quân sự tiên tiến, nhất là vệ tinh do thám, tàu ngầm hạt nhân... Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên vào tháng 9/2023 là một minh chứng rõ nét cho sự “hồi sinh” quan hệ giữa hai nước.

Hành trình những năm gần đây cho thấy, việc Nga phủ quyết gia hạn hoạt động của PoE vừa qua không chỉ thể hiện quan hệ Nga - Triều Tiên đang ngày càng gắn kết chặt chẽ, mà còn thể hiện cụ thể những thay đổi lớn trong chiến lược ngoại giao của Triều Tiên.

Quan hệ Nga - Triều Tiên vững đà phát triển

Thông tin từ Điện Kremlin (Nga) mới đây cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Triều Tiên trong năm nay, hứa hẹn ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác có lợi ích lớn cho cả hai bên. Cần nhắc lại rằng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vào tháng 2/2019 không đạt được kết quả tích cực đã phản ánh rằng, việc đàm phán với Mỹ để giải quyết các vấn đề nhức nhối về kinh tế của Triều Tiên là bất khả thi. Trong khi đó, Nga ngày càng thể hiện sâu sắc mình là “ngôi sao hy vọng” của Triều Tiên.

Về phía Hàn Quốc, dù nước này đang trải qua một cuộc bầu cử quốc hội, song kết quả sơ bộ và các dự báo đáng tin cậy đều cho thấy, chính sách đối ngoại của chính quyền đương nhiệm sẽ không có sự thay đổi đáng kể và sẽ được duy trì phần lớn tới hết nhiệm kỳ Tổng thống vào tháng 5/2027.

Về phía Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới đang là cuộc đua gay cấn giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Theo giới chuyên gia, dù ông Biden thất bại, thì vẫn sẽ cầm quyền đến tháng 1/2025. Từ đó có thể thấy, các chính sách của Mỹ và Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên vẫn sẽ được duy trì trong gần 1 năm nữa.

Còn với Nga, chính trường nước này khá ổn định khi Tổng thống Putin đã tái đắc cử vào tháng 3 vừa qua và sẽ tiếp tục cầm quyền đến năm 2030. Dễ thấy, quan hệ với Nga là lựa chọn vững chắc trong khoảng thời gian tương đối dài, trong khi sách lược của Mỹ và Hàn Quốc trong cùng thời gian đó sẽ có biến động khó lường.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc Triều Tiên quan hệ với Nga cũng không phải là hoàn hảo khi thực tế hiện hữu rủi ro lớn. Dễ thấy là diễn biến an ninh châu Âu và cục diện bán đảo Triều Tiên nếu có những thay đổi mang tính đột phá, tất yếu sẽ tác động mạnh đến quan hệ giữa hai nước, bao gồm nguy cơ không còn tiến triển tích cực như thời gian qua. Dẫu vậy, với những gì đang diễn ra, sự đột phá trong cả 2 vấn đề này đều đang ở mức độ khá mơ hồ. Vì vậy, trong thời gian trước mắt, quan hệ Nga - Triều Tiên được nhận định là sẽ phát triển rất tích cực với những kỳ vọng lớn giúp Triều Tiên giải tỏa đáng kể các áp lực trong vấn đề kinh tế hiện hữu, cũng như củng cố sức mạnh nội lực.

Triều Tiên đang ngày càng quyết tâm phát triển các công nghệ quân sự. Trong khi đó, hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tích cực thúc đẩy. Mỹ và Hàn Quốc cũng đang tiếp tục áp đặt thêm một số lệnh trừng phạt nhằm chặn các nguồn tài chính của Triều Tiên, làm trầm trọng hơn nữa các thách thức kinh tế của nước này.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vi-sao-quan-he-nga-trieu-tien-dang-vung-da-phat-trien-post474918.html