Vì sao nhiều giáo viên TPHCM khó có thể vay vốn từ Quỹ phát triển nhà ở?

Giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh phải có nơi thường trú tại Thành phố này mới được vay vốn ưu đãi mua nhà ở với lãi suất cho vay 4,7%/năm.

Quỹ Phát triển Nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 293/QPTNO-TĐ gửi các trường học ở Thành phố về việc hỗ trợ phổ biến, tạo điều kiện cho cán bộ công chức, viên chức vay tiền tạo lập nhà ở.

Công văn này có một số nội dung đáng chú ý sau đây:

Một phần nội dung Công văn số 293/QPTNO-TĐ. (Ảnh: Ánh Dương)

Mức vay tối đa 900 triệu đồng và không quá 70% giá trị căn nhà/căn hộ

Quỹ Phát triển Nhà ở đang triển khai chương trình cho vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở dành cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách Thành phố.

Tại thời điểm vay tiền, người vay (gồm người đứng tên vay cùng vợ hoặc chồng) không đứng tên sở hữu về nhà ở, quyền sử dụng đất ở, và bản thân cũng như vợ/chồng chưa từng được nhà nước giải quyết các chính sách về nhà ở, đất ở.

Riêng trường hợp được nhà nước giải quyết cho mua nhà ở xã hội thì vẫn được xem xét vay tiền tại Quỹ theo chủ trương của Ủy ban Nhân dân Thành phố. Về điều kiện nơi cư trú, người vay tiền tại Quỹ phát triển Nhà ở thành phố phải có nơi thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Người vay tiền phải có thời gian làm việc từ 3 năm liên tục trở lên. Thời gian công tác được tính bao gồm cả thời gian trước đó đã làm việc tại đơn vị cùng thuộc khu vực hưởng lương ngân sách Thành phố.

Người mua nhà phải có khả năng tài chính trả trước tiền mua nhà tối thiểu là 30% giá trị căn nhà/căn hộ và chứng minh nguồn thu nhập ổn định để trả vốn và lãi vay.

Hạn mức vốn vay ưu đãi tạo lập nhà ở có mức cho vay tối đa hiện nay là 900.000.000 đồng/hồ sơ, nhưng không quá 70% giá trị căn nhà/căn hộ.Thời hạn cho vay tối đa 20 năm, lãi suất cho vay là 4,7%/năm. Lãi vay được tính theo dư nợ giảm dần.

Tài sản thế chấp khoản vay bằng chính căn nhà/căn hộ dự kiến mua có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Giáo viên khó tiếp cận chính sách vì ràng buộc “nơi thường trú”

Đơn vị nơi người viết đang công tác (Thành phố Hồ Chí Minh) có hơn 100 giáo viên, nhân viên, gồm viên chức và người người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn.

Theo tìm hiểu, có khoảng 30% giáo viên, nhân viên đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước đang thuê nhà, phòng trọ và thầy cô giáo đều có nhu cầu được vay vốn ưu đãi của Quỹ Phát triển Nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, đa số giáo viên, nhân viên đều không thể tiếp cận chính sách này vì họ bị ràng buộc điều kiện "phải có nơi thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh".

Trong khi đó, Luật Cư trú năm 2020 (Luật số 68/2020/QH14) quy định điều kiện thường trú với nhiều nội dung ràng buộc như (trích):

- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

- Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/người.

Kể từ ngày 1/11/2017, Thành phố Hồ Chí Minh đã bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức.

Từ năm học 2017-2018 đến nay, giáo viên, nhân viên được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phân công về trường tôi công tác đa số đều không có nơi thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều năm qua, ngành giáo dục Thành phố đã tuyển dụng được rất nhiều giáo viên, nhân viên bậc mầm non, phổ thông từ nhiều địa phương về công tác do không còn quy định điều kiện về hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng viên chức giáo dục.

Nhờ chính sách ưu việt này, ngành giáo dục Thành phố đã tuyển dụng được nhiều thầy cô giáo giỏi, tâm huyết với nghề, giải quyết được bài toán thiếu giáo viên tồn tại dai dẳng từ hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, hiện nay đa số thầy cô giáo từ địa phương khác đến công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh đều gặp khó khăn về nhà ở vì đồng lương giáo viên còn eo hẹp.

Không ít thầy cô giáo phải mất cả tháng lương để thuê nhà, rồi nuôi con cái ăn học... nên phải bươn chải làm thêm để mưu sinh, chưa thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học.

Nhiều giáo viên mong Quỹ phát triển Nhà ở thành phố xem xét điều kiện về nơi cư trú với người vay vốn không ràng buộc phải có hộ khẩu thường trú tại thành phố. Theo đó, quy định chỉ cần là viên chức ngành giáo dục Thành phố là có thể được xem xét vay vốn. Có như vậy, nhiều thầy cô từ địa phương khác công tác trong ngành giáo dục của thành phố chưa có nhà mới có tiếp cận được vốn ưu đãi, thêm điều kiện để có nhà ở ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc, cống hiến.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-sao-nhieu-giao-vien-tphcm-kho-co-the-vay-von-tu-quy-phat-trien-nha-o-post242342.gd