Vì sao Mỹ tố vi phạm nhân quyền nhưng vẫn viện trợ Israel?

Chính phủ Mỹ xác định ít nhất 5 đơn vị an ninh Israel đã vi phạm nhân quyền nhưng vẫn được nhận viện trợ của Mỹ.

Quân đội Israel ở gần biên giới Gaza.

RT đưa tin, Chính phủ Mỹ xác định ít nhất 5 đơn vị an ninh Israel đã vi phạm nhân quyền trắng trợn trước cuộc chiến mới nhất với Hamas, nhưng Washington không có kế hoạch áp đặt lệnh trừng phạt hay hạn chế viện trợ quân sự.

Thông báo hôm thứ Hai đánh dấu lần đầu tiên Washington đưa ra những cáo buộc như vậy đối với quân đội Israel.

Tất cả các cáo buộc đều xuất phát từ những sự việc xảy ra đã rất lâu trước khi cuộc chiến Israel-Hamas bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái. Hầu hết các sự cố xảy ra ở Bờ Tây và không có sự cố nào liên quan đến Dải Gaza.

Tất cả các đơn vị của Israel vẫn đủ điều kiện nhận viện trợ của Mỹ, bất chấp luật pháp cấm Mỹ cung cấp vũ khí hoặc hỗ trợ khác cho các nhóm bị phát hiện vi phạm nhân quyền.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói với các phóng viên ở Washington rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tuân thủ cái gọi là Luật Leahy vì Israel đã có hành động chống lại hầu hết các đơn vị bị cáo buộc có hành vi sai trái.

Ông Vedant Patel không nêu tên các đơn vị bị cáo buộc và cho biết thêm: “Bốn trong số các đơn vị này đã khắc phục một cách hiệu quả những vi phạm. Đó là điều chúng tôi mong đợi các đối tác sẽ làm”.

Về đơn vị thứ năm, các quan chức Mỹ đang tham khảo ý kiến của các đối tác Israel về việc giải quyết các hành vi vi phạm. “Chúng tôi đang tham gia với họ trong một quy trình và chúng tôi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng đối với đơn vị đó khi quá trình đó hoàn tất" - vị phó phát ngôn nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không cung cấp thông tin về những hành động mà chính phủ Israel đã thực hiện.

Các phương tiện truyền thông cho biết các hành vi vi phạm nhân quyền mà Mỹ cáo buộc bao gồm "những vụ giết người phi pháp" của cảnh sát biên giới Israel, cũng như tra tấn và hãm hiếp.

Một trường hợp khác liên quan đến một người đàn ông lớn tuổi người Mỹ gốc Palestine chết sau khi bị trói và bịt miệng tại một trạm kiểm soát ở Bờ Tây.

Tiểu đoàn liên quan đến vụ việc đó, Netzah Yehuda, được thành lập vào năm 1999 để tiếp nhận những người Do Thái chính thống cực đoan và những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn giáo khác trong quân đội Israel. Đơn vị này được chuyển đến Cao nguyên Golan từ Bờ Tây vào năm 2022.

Theo chính quyền Gaza, lực lượng Israel đang bị cộng đồng quốc tế giám sát chặt chẽ trong bối cảnh cuộc xung đột hiện nay ở Gaza khiến hơn 34.000 người Palestine thiệt mạng. Tòa án Công lý Quốc tế đã đưa ra phán quyết vào tháng 1 nói rằng việc lực lượng Israel đã thực hiện hành vi diệt chủng ở Gaza là “có lý” .

Các báo cáo từ truyền thông cho rằng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang chuẩn bị công bố các biện pháp trừng phạt đối với hành vi vi phạm nhân quyền của Netzah Yehuda.

Sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết sẽ là “đỉnh cao của sự vô lý” nếu trừng phạt các lực lượng của Tây Jerusalem vào thời điểm họ đang “chiến đấu với quái vật khủng bố.”

Đông Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-my-to-vi-pham-nhan-quyen-nhung-van-vien-tro-israel-post681421.html