Vì sao khó 'điều trị' lạm phát ở Mỹ?

Chỉ số CPI tháng 4 tại Mỹ không tăng nhanh như dự báo, nhưng các chỉ số thành phần quan trọng như nhà ở, giá dịch vụ, lương... đang ở mức cao.

Mỹ vừa công bố chỉ số PCI tháng 4

Mỹ vừa công bố chỉ số PCI tháng 4

Chỉ số lạm phát ở Mỹ đang gây chú ý hơn lúc nào hết, bởi vì đây là nguyên nhân chính tác động đến lãi suất đồng USD, gây hiệu ứng tức thời đến phần còn lại của thế giới.

Vào tháng 6/2022, lạm phát ở Mỹ lập đỉnh 9,1%, cao nhất kể từ năm 1982. Đến nay, CPI đã giảm hơn 2/3. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2024, CPI lại luôn tăng cao hơn dự kiến, trừ CPI tháng 4. Phát biểu ngày 14/5 tại Hội nghị Hiệp hội các ngân hàng tại Asterdam (Hà Lan), Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng: “chỉ số lạm phát cao hơn mong đợi, chúng tôi cần phải kiên nhẫn”.

Powell nhấn mạnh: “Vấn đề thực sự là phải duy trì chính sách ở mức hiện tại lâu hơn người ta nghĩ”. Có nghĩa rằng, FED tiếp tục giữ lãi suất cho vay qua đêm chủ chốt trong phạm vi mục tiêu là 5,25 -5,5%. Đây là mức cao nhất trong khoảng 23 năm qua.

Khi được hỏi: “Liệu lạm phát có còn dai dẳng hơn trong thời gian tới không?, Chủ tịch FED trả lời: “Chúng ta chưa biết điều đó. Tôi nghĩ chúng ta cần hơn một phần tư dữ liệu để thực sự đưa ra đánh giá về điều đó”.

CPI tháng 4 tại Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước và 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Dù tăng ít hơn dự báo nhưng lạm phát vẫn còn ở mức cao so với mục tiêu của 2% của FED.

Một số chỉ số thành phần quan trọng trong rổ CPI của Mỹ không diễn biến theo mong muốn. Giá bán buôn trong tháng 4/2024 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong một năm. Ngoài ra, hàng loạt phí dịch vụ tăng: Phí quản lý tăng tới 3,9%; giá phòng khách sạn và nhà nghỉ tăng 2,4%,…

Đó là chưa tính đến chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn, nguồn cung năng lượng thay đổi. Nội sinh lạm phát ở Mỹ mới là “căn bệnh” khó chữa. Chính phủ Mỹ đã cấp hàng nghìn tỷ USD cho người dân trong 2 năm đại dịch COVID-19, số tiền khổng lồ này đang là nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng trong những năm qua.

Trong khi đó, thị trường việc làm ở Mỹ vẫn tốt, lương tăng đều đặn, cũng có nghĩa là lạm phát được “nuôi dưỡng” rất bền vững. Nhà ở và năng lượng là hai thành tố chiếm tới 25% tỷ trọng trong số các yếu tố cấu thành lên CPI Mỹ, trong khi các yếu tố này, đặc biệt là giá dầu tiềm ẩn nguy cơ tăng cao hơn nữa.

FED chưa thể hạ lãi suất.

FED chưa thể hạ lãi suất.

Mặt khác, mức lãi suất đồng USD cao như hiện nay đang có lợi cho nước Mỹ. Ưu thế lãi suất của Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu nắm giữ “đồng bạc xanh” để tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn. Hơn nữa, lãi suất của Mỹ duy trì ở mức cao cũng góp phần làm cho trái phiếu kho bạc Mỹ trở nên hấp dẫn hơn, qua đó giúp quốc gia này mở rộng vay nợ để tài trợ cho các chiến lược phát triển quốc gia. Đặc biệt, lãi suất cao còn củng cố địa vị của USD, loại bỏ khả năng đồng tiền nào đó “âm mưu” soán ngôi.

Chuyên gia về ngoại hối của Rabobank, bà Jane Foley bình luận: “Lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, sẽ củng cố cho sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ. Do đó, sự tăng giá của USD là điều mà ai cũng có thể hiểu được”.

Việc kỳ vọng lạm phát Mỹ trở về mức 2% dường như vô vọng. FED càng giữ lãi suất cao như hiện nay, đồng USD sẽ còn tăng theo, trong khi nhiều đồng tiền mạnh khác sẽ trượt giá.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-kho-dieu-tri-lam-phat-o-my-711307.html