Vì sao Iran lại lo lắng về khả năng ông Trump quay trở lại Nhà Trắng?

Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump tại Nhà Trắng có thể là rủi ro lớn đối với Iran, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc tấn công 'ăn miếng trả miếng' với Israel đang có xu hướng tiếp diễn, làm nóng thêm 'chảo lửa' Trung Đông vốn đang sôi sục.

Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2024, chính quyền mới của ông Trump có thể ảnh hưởng đến Tehran trên ba phương diện kinh tế, quốc phòng và an ninh-xã hội.

Một cú sốc kinh tế mới

Năm 2018, khi còn đang đương chức, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA) mà người tiền nhiệm Barack Obama tham gia ký kết vào năm 2015; đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm “gây áp lực tối đa” lên Iran.

Cựu Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri. Ảnh: The Times of Israel.

Theo Phó Tổng thống Iran lúc bấy giờ, ông Eshaq Jahangiri, đây là thời điểm “khó khăn nhất” của đất nước kể từ khi thành lập. Chiến dịch này của ông Trump đã làm giảm mức xuất khẩu dầu của Iran xuống dưới 400.000 thùng/ ngày – mức thấp nhất trong lịch sử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế chung do xuất khẩu dầu vốn chiếm tới 70% doanh thu chính phủ. Ngoài ra, trong giai đoạn 2018-2020, đồng nội tệ của Iran đã mất giá tới hơn 600%.

Chỉ sau khi Nhà Trắng đổi chủ vào 4 năm trước, lĩnh vực xuất khẩu dầu của Iran mới có cơ hội phát triển trở lại. Mới đây, theo một số nguồn tin, mức xuất khẩu dầu của Iran đã đạt mốc 1,56 triệu thùng/ngày chỉ trong ba tháng đầu năm 2024. Đảng Cộng hòa ở Mỹ đã lên tiếng chỉ trích chính quyền ông Biden không duy trì các lệnh trừng phạt chống lại Iran, trong khi Nhà Trắng phủ nhận điều này.

Khả năng trở lại của ông Trump có thể gây áp lực đến nền kinh tế đang manh nha hồi phục của Iran. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội Iran nhấn mạnh mức thâm hụt ngân sách hiện tại của nước này là 3,7 tỷ USD; đồng thời cho rằng rằng sự trở lại của ông Trump sẽ mang đến một “cú sốc kinh tế” mới. Chuyên gia kinh tế Morteza Afghe thậm chí còn đưa ra dự báo về viễn cảnh “sụp đổ của nền kinh tế Iran” nếu cựu Tổng thống Mỹ có thêm một nhiệm kỳ ở Nhà Trắng.

Đã có những dấu hiệu cho thấy nỗi lo sợ của Iran là có căn cứ. Trong lúc ông Trump thắng thế trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa vào đầu năm nay, đồng rial của Iran xuống giá tới 20%.

An ninh quốc gia bị đe dọa

Trên mặt trận an ninh, khả năng trở lại Nhà Trắng của ông Trump đang nhắc nhở giới chức Iran về một mất mát nghiêm trọng của nước này trong nhiệm kỳ trước đó của cựu Tổng thống: cái chết của Tướng Qassem Soleimani - cựu chỉ huy Lực lượng Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo trong cuộc không kích của Mỹ hồi năm 2020. Lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei đánh giá cao tướng Soleimani trong vai trò là “kiến trúc sư” tạo nên mạng lưới dân quân do Iran hậu thuẫn ở Trung Đông; đồng thời ca ngợi những đóng góp của ông với Lực lượng Quds, cho thấy tầm quan trọng của vị tướng này đối với quân đội Tehran.

Đầu tháng này, một cuộc tấn công vào khu Đại sứ quán Iran tại thủ đô Syria đã khiến 7 quan chức Iran thiệt mạng, dẫn đến vụ không kích trực tiếp của Iran vào Israel nhằm mục đích trả đũa và làm dấy lên nỗi lo sợ rằng các mục tiêu quan trọng của Mỹ ở Trung Đông cũng có thể bị “vạ lây”. Ngay lập tức, trên trang cá nhân Truth Social, ông Trump đã phát đi một cảnh báo ngắn gọn nhưng nghiêm khắc dành cho Iran bằng cách đăng lại một bài viết cũ từ sự kiện hồi năm 2018.

“Đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ nếu không Iran sẽ phải lãnh hậu quả. Chúng tôi sẽ không chấp nhận các hành động bạo lực của Iran”, cựu Tổng thống viết.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty.

Trong sự kiện tranh cử ở Pensylvania hôm 13/4, cựu Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích sự “yếu đuối” của chính quyền ông Biden là nguyên nhân dẫn đến việc Israel bị Iran tấn công; đồng thời tuyên bố “điều này sẽ không xảy ra” nếu ông còn tại vị.

Theo ông Mehdi Mohammadi, Cố vấn chiến lược của Chủ tịch quốc hội Iran, sự căng thẳng trong những tuyên bố gần đây của ông Trump là dấu hiệu cho thấy Tehran có thể sẽ phải đối diện với những “những mối đe dọa khủng khiếp” một khi cựu Tổng thống quay trở lại Nhà Trắng. Trong trường hợp đó, Mỹ hoặc Israel gia tăng các hành động quân sự chống lại lực lượng dân quân ủy nhiệm của Iran ở Iraq và Syria, hoặc có khả năng dẫn đến các cuộc tấn công mãnh mẽ hơn nhằm vào Iran.

Gia tăng tình trạng bất ổn trong nước

Cuộc bầu cử Quốc hội Iran năm nay diễn ra trong bối cảnh Iran đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Làn sóng biểu tình trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Iran, vốn đang oằn mình trước các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Kết quả thăm dò của Gallup vừa được công bố hồi tháng 3 năm nay cho thấy chỉ có 43% số người được hỏi ủng hộ chính sách điều hành của giới lãnh đạo hiện nay.

Theo thống kê, tỷ lệ cử tri đi bầu chính thức chỉ dừng ở mức 41%. Tại thủ đô Tehran, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu năm nay chỉ dừng ở mức 24% - mức thấp nhất trong lịch sử. Đây là lần thứ ba trong vòng bốn năm, Iran có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu dưới 50%. Trước năm 2020, con số này luôn vượt trên 60% hoặc thậm chí cán mốc 70%. Với tỷ lệ tham gia cử tri ngày càng giảm và ba phong trào phản kháng lớn trên toàn quốc kể từ năm 2017, Iran đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị vô cùng nghiêm trọng.

Điều này tương tự với những gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2021 – thời điểm mà ông Ebrahim Raisi, người lãnh đạo theo đường lối bảo thủ, đã chiến thắng. Các nhà lập pháp trong Quốc hội mới được bầu ra năm nay có vẻ không “e ngại” sức mạnh Mỹ và đồng minh, đồng thời cũng có những động thái thắt chặt chính sách đối nội, bao gồm tăng cường kiểm duyệt internet và thực thi luật Sharia nghiêm ngặt hơn.

Trong bối cảnh khó khăn, những hậu quả kinh tế có khả năng xảy ra với Iran trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump có thể gây ra một làn sóng phản đối mới tại Iran.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Conversation, The Guardian

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/vi-sao-iran-lai-lo-lang-ve-kha-nang-ong-trump-quay-tro-lai-nha-trang-post1091683.vov