Vì sao hoãn xét xử vụ cựu giám đốc sở ở Thanh Hóa gây thiệt hại 20 tỷ đồng?

Ngày 20/7, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cùng đồng phạm được đưa ra xét xử về tội 'Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng'.

Sáng 20/7, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa (TAND) đã đưa vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa (GD-ĐT) và các Công ty, đơn vị liên quan ra xét xử sơ thẩm.

Trong vụ án này có 12 bị cáo, bị cáo Phạm Thị Hằng (sinh năm 1967, ở phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa), nguyên là Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa.

Bị cáo Phạm Thị Hằng cùng đồng phạm đang được lực lượng an ninh đưa vào phiên tòa xét xử

Bị cáo Phạm Thị Hằng cùng đồng phạm đang được lực lượng an ninh đưa vào phiên tòa xét xử

Hội đồng xét xử TAND tỉnh Thanh Hóa đã đọc quyết định xét xử sơ thẩm “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, tại phiên tòa do thiếu 2 bị cáo trong tổng số 12 bị cáo buộc phải có mặt tại tòa (do đang quan đến vụ án xảy ra tại nơi khác) và một số luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo vắng mặt.

Để đảm bảo tính khách quan, quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử vào ngày 15/8 tới đây.

Cũng trong tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thị Hằng cho biết đã có đơn gửi TAND tỉnh từ chối mời luật sư để bào chữa cho cá nhân mình.

Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa Hà Huy Hùng thay mặt Hội đồng xét xử cho biết chưa nhận được đơn và phân tích cho bị cáo biết, khung hình phạt bị truy tố theo Khoản 3, Điều 222, Bộ Luật hình sự là từ 10-20 năm tù.

Trường hợp bị cáo Hằng không mời luật sư thì Hội đồng xét xử sẽ mời luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo theo đúng quy định.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm sáng ngày 20/7

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm sáng ngày 20/7

Theo kết quả điều tra của cơ quan Công an và cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa (VKSND), năm 2020, Sở GD-ĐT Thanh Hóa triển khai thực hiện hai gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình sách giáo khoa mới từ năm 2020 - 2021 cho các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tổng giá trị hơn 119 tỷ đồng.

Bị cáo Phạm Thị Hằng cùng thuộc cấp ở phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT Thanh Hóa: Lê Văn Cương; Trịnh Hữu Nghĩa, Nguyễn Văn Phụng; Bùi Trí Thức; Lê Thế Sơn (Giám đốc Công ty sách Thanh Hóa); Vũ Thị Ninh (Kế toán trưởng Công ty Sách Thanh Hóa), Đặng Xuân Minh (Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Thẩm định giá BTC VALUE); Nguyễn Quốc Việt (Thẩm định viên Công ty BTC VALUE); Hồ Thị Sáu (Giám đốc Khối thẩm định III Công ty BTC VALUE); Nguyễn Duy Linh (Giám đốc Công ty Nam Anh); Bùi Việt Long (nguyên Phó Trưởng phòng kinh doanh Công ty Hoàng Đạo) đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động đấu thầu.

Dự kiến phiên tòa xét xử cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa Phạm Thị Hằng sẽ được mở lại vào ngày 15/8 tới

Dự kiến phiên tòa xét xử cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa Phạm Thị Hằng sẽ được mở lại vào ngày 15/8 tới

Trong vụ việc này, bị cáo Hằng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, chỉ đạo các bị cáo Cương, Nghĩa và Phụng tạo điều kiện cho Công ty sách Thanh Hóa do Lê Thế Sơn làm giám đốc tham gia và trúng thầu. Thành lập Hội đồng mua sắm nhưng không thực hiện nhiệm vụ gì liên quan đến 2 gói thầu.

Không những thế, bị cáo Hằng còn ký các văn bản đề xuất của cấp dưới, biết rõ nội dung kết quả lựa chọn nhà thầu không công bằng, khách quan.

Hành vi của Phạm Thị Hằng vi phạm quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 20 tỷ đồng. Bản thân bị cáo được hưởng lợi trái pháp luật số tiền 3 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Phạm Thị Hằng thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, đã nộp 5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Phúc Tuấn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-hoan-xet-xu-vu-cuu-giam-doc-so-o-thanh-hoa-gay-thiet-hai-20-ty-dong-d597937.html