Vang vọng chiến thắng 'chấn động địa cầu'

Hòa chung không khí hướng tới kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2023), cùng với các địa phương khác trong cả nước, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang tổ chức các hoạt động sôi nổi, ý nghĩa nhằm ôn lại lịch sử dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước cho các tầng lớp Nhân dân.

Giai đoạn từ năm 1947 đến năm 1953, quân và dân ta liên tiếp giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông (năm 1947), chiến dịch Biên giới (năm 1950)… Cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương ngày càng chuyển biến có lợi cho ta. Để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm thu hút, làm tiêu hao quân chủ lực của ta và xác định cứ điểm Điện Biên Phủ là một pháo đài “bất khả xâm phạm”. Tháng 12/1953, Bộ Chính trị họp, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh tìm hiểu các hình ảnh về Lạng Sơn trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (giai đoạn 1945-1954) tại Bảo tàng tỉnh

Thời kỳ này với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, khắp các địa phương trong tỉnh, đồng bào các dân tộc đã nô nức tham gia tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến dịch. Chỉ tính riêng năm 1954, Lạng Sơn đã huy động được 45 tấn thực phẩm, 5.300 tấn lương thực, đóng góp 200.000 ngày công làm đường, hàng nghìn mét khối gỗ để mở đường và xây dựng các binh trạm phục vụ chiến dịch; hàng nghìn dân công hỏa tuyến của Lạng Sơn đã có mặt tại các nẻo đường tới chiến trường Điện Biên Phủ…

Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm…”, quân đội ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một pháo đài mà thực dân Pháp khẳng định là “không thể công phá” và “bất khả xâm phạm”. Kết quả, tướng De Castries bị bắt sống; hơn 16.000 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ðã 69 năm trôi qua nhưng âm hưởng, ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng ấy vẫn luôn vang vọng và là động lực để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nói chung và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói riêng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hằng năm, để ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của chiến thắng Điện Biên phủ, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực.

Năm nay, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, chào mừng ngày kỷ niệm. Cụ thể, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tuyên truyền lưu động lồng ghép về các nội dung kỷ niệm Chiến Thắng Điện Biên Phủ từ ngày 25/4 đến 25/5.

Cán bộ Thư viện tỉnh sắp xếp sách về chiến thắng Điện Biên Phủ phục vụ trưng bày

Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh thực hiện trang trí 200 cờ phướn, lắp đặt mới 400 m2 pano tại các khu vực cửa ngõ của tỉnh; thay gần 200 m2 pano tại khu vực đường Hùng Vương và khu vực đầu cầu Kỳ Cùng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn; tổ chức 2 chương trình văn nghệ chào mừng các ngày kỷ niệm lớn. Đặc biệt, từ 25/4 – 10/5/2023, Thư viện tỉnh tổ chức gian trưng bày sách nhằm giới thiệu, nâng cao hiểu biết của độc giả, trong đó có hơn 200 quyển sách, ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Không chỉ các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh mà phòng văn hóa và thông tin các huyện, thành phố cũng chủ động tuyên truyền các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, trong đó có ngày kỷ niệm Chiến Thắng Điện Biên Phủ. Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhằm kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, từ tháng 4/2023, chúng tôi đã treo 1.100 cờ Đảng, cờ Tổ quốc; 600 cờ chuối; 4 cụm pano tấm lớn, 200 pano nhỏ trên các tuyến phố chính và các tuyến đường cửa ngõ vào thành phố… Đồng thời, tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Nhân dân trên địa bàn tổng vệ sinh trụ sở, đường phố, ngõ xóm; treo cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu từ ngày 26/4 đến ngày 10/5.

Cùng với thành phố Lạng Sơn, hiện nay, các huyện đã và đang tích cực thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền như: treo các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền cổ động trực quan; tuyên truyền lưu động và tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở với tần suất 2 lần/ngày trên 1.000 cụm loa tại các xã, phường, thị trấn.

Không riêng việc tuyên truyền của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, diễn biến, ý nghĩa cũng như những câu chuyện lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ còn được các trường học trên địa bàn tỉnh giáo dục cho học sinh thông qua những bài học ý nghĩa. Thầy Trần Anh Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan cho biết: Để công tác giáo dục lịch sử có hiệu quả, những năm qua, nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên chuyên môn đẩy mạnh giáo dục về lịch sử nói chung và Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức tuyên truyền trong các hoạt động, tiết học lịch sử ngoại khóa của nhà trường…

Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã và đang ra sức phấn đấu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu đẹp.

TUYẾT MAI - HOÀNG HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/579798-vang-vong-chien-thang-chan-dong-dia-cau.html