'Vàng mắt' vì vàng

Bất chấp giá vàng thế giới tăng hay giảm, giá vàng trong nước 'cần mẫn' tăng giá, tái lập mốc 80 triệu đồng/lượng. Người mua lỗ lãi khôn lường, bị kim loại quý 'quay như chong chóng'.

Có một khoản tiền nhãn rỗi hơn 500 triệu đồng, gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp, mua bất động sản thì không đủ, chị Như Ý (Hà Nội) quyết định mua vàng vào thời điểm cuối năm 2023. Lúc đó, giá vàng đang trong xu thế tăng vùn vụt, chị chấp nhận mua vào thời điểm giá vàng SJC lên tới 77 triệu đồng/lượng, với kỳ vọng sẽ tăng lên 90 triệu đồng/lượng như lời dự đoán của một số tư vấn viên.

Thực tế, sau 1 tuần, giá vàng đã tăng lên hơn 80 triệu đồng/lượng, nhưng chị Như Ý chưa kịp bán, thì lập tức giá vàng đã đảo chiều giảm sau công điện của Thủ tướng Chính phủ. Việc giá vàng “đi xuống” khiến chị bị “bay” mất một khoản tiền lớn. “Sau khi tôi bán vàng đi, giá vàng cứ lừng chừng mãi rồi lại đột ngột đảo chiều tăng giá. Liều “ôm” mấy lượng trước Tết Nguyên đán, lúc ra Tết, tôi đã bán đi và gỡ được 1 ít, tính ra vẫn còn lỗ, nhưng không nghĩ giá vàng sẽ lại quay đầu lên mốc 80 triệu đồng/lượng. Giờ tiếc cũng không dám vào nữa”, chị Ý chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Không phải chị Như Ý, mà nhiều nhà đầu tư khác cũng bị vàng “quay như chong chóng”, mua bán theo kiểu may rủi, lỗ lãi khôn lường. Khi giá vàng rớt thảm từ 80 triệu đồng/lượng xuống 72 triệu đồng/lượng, nhiều người theo dõi thị trường vàng đều bất ngờ khi SJC có thể tái lập mốc 80 triệu đồng/lượng trong ngày 29/2.

Không chỉ vàng SJC tăng giá, mà cả vàng nhẫn cũng tăng giá. Ngày 29/2, nhẫn SJC 9999 niêm yết giao dịch mua, bán tại mốc 64,10 – 65,30 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng cả hai chiều mua, bán so với giá chốt phiên trước. Nhẫn Phú Quý, niêm yết giao dịch mua, bán tại mốc 65,30 – 66,40 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng giá mua và bán so với chốt phiên thứ hai. VietNamgold, niêm yết giao dịch mua, bán tại mốc 64,55 – 65,95 triệu đồng/lượng, mua vào, bán ra cùng tăng 200.000 đồng/lượng…

Đáng chú ý, không chỉ tăng giá, mà trên thị trường, vàng nhẫn đang có hiện tượng “cháy hàng” do sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tình trạng khan hiếm vàng nhẫn đã xuất hiện tại các thương hiệu lớn trên thị trường trong nước sau ngày Vía Thần tài, làm cho giá trị của vàng càng trở nên lôi cuốn hơn trong mắt các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Nguyên nhân của sự khan hiếm, theo các chuyên gia, chủ yếu là do nguyên liệu sản xuất ít, trong khi nhà đầu tư lựa chọn nhiều hơn so với SJC vì sát hơn với giá thế giới.

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2024, triển vọng tích cực của giá vàng thế giới tiếp tục được dự báo trước những biến động và bất ổn địa chính trị toàn cầu. Các sự kiện như bầu cử Tổng thống Mỹ, kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, cũng đang tạo ra những tín hiệu tích cực cho thị trường vàng. Tâm lý bảo toàn giá trị và tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn của nhà đầu tư đang được kích thích. Việc đầu tư vào vàng cũng là một biện pháp phòng thủ hiệu quả trước những biến động của thị trường và là một cách giữ vững giá trị tài sản trong dài hạn. Điều này cho thấy sức hấp dẫn không ngừng tăng của kim loại quý trong bối cảnh hiện nay và tương lai.

Tuy nhiên, với thị trường trong nước, các chuyên gia vẫn đưa ra những cảnh báo về rủi ro đảo chiều bất kỳ lúc nào của kim loại quý khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được sửa đổi. Theo Chỉ thị 06 ngày 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cùng với đó, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới và phải hoàn thành trong quý I năm nay. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng có văn bản chỉ đạo NHNN nhanh chóng tổng kết Nghị định 24, báo cáo kết quả thanh tra thị trường vàng trong tháng 2, không để giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so giá vàng thế giới.

Về hướng sửa đổi Nghị định 24, quan điểm của lãnh đạo NHNN – Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, Nghị định 24 được ban hành từ năm 2012 đã phát huy được vai trò vô cùng quan trọng là chống vàng hóa trong nền kinh tế, không để thị trường vàng ảnh hưởng đến các yếu tố vĩ mô vì vàng có quan hệ với tỷ giá, lãi suất, ngoại tệ và nhiều lĩnh vực khác. Do đó, Phó Thống đốc NHNN khẳng định sửa Nghị định 24 là cần thiết, để phù hợp trước diễn biến thị trường vàng hiện nay.

"Dù thương hiệu SJC độc quyền vàng miếng hay các thương hiệu khác vẫn phải đảm bảo mục tiêu cuối cùng là ổn định thị trường vàng miếng, không ảnh hưởng các yếu tố vĩ mô khác, đảm bảo quyền lợi của người dân. Nhà nước luôn tôn trọng quyền bảo quản, cất trữ vàng của người dân. NHNN không bảo hộ giá cả vàng miếng SJC, cũng không chấp nhận chênh lệch vàng SJC và thế giới hơn 20 triệu đồng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/vang-mat-vi-vang-i724017/