Vang mãi niềm tự hào về những người lính Cụ Hồ!

BHG - Mỗi tháng Tư về, cảm xúc và lòng tự hào về những giá trị lịch sử đấu tranh của dân tộc lại trỗi dậy trong mỗi chúng ta. Đó là những cảm xúc của chiến thắng, của tinh thần dân tộc, ý chí độc lập tự do của mỗi con người Việt Nam. Thế hệ chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong thời bình, được nghe kể về những khốc liệt của chiến tranh trong quá khứ từ ông bà, bố mẹ, từ các cựu chiến binh. Nhưng thật tự hào, bởi những câu chuyện kể về chiến tranh, sự hy sinh gian khổ của những người lính cụ Hồ vẫn được tái hiện một cách đầy nhiệt huyết.

Thật quá đỗi tự hào, từ những câu chuyện kể của bao người lính đã từng tham gia chiến trận, trong các cuộc kháng chiến, chiến đấu vĩ đại của dân tộc ta trong suốt thế kỷ XX. Đất nước ta đã trải qua những cuộc kháng chiến thần thánh, đối đầu với những thế lực to lớn nhất thế giới, đồng thời trải qua những cuộc chiến đấu đầy dai dẳng. Bao năm tháng anh hùng ấy, cùng với sự chung sức, đồng lòng của toàn dân tộc, chúng ta có những người lính cụ Hồ đầy quả cảm trên tuyến đầu chống giặc; những thế hệ tuổi trẻ đã nối bước cha anh để vào chiến trận, làm nên những trận đánh khiến kẻ thù kinh hồn, bạt vía; làm nên chiến công hiển hách trong thời đại Hồ Chí Minh với những chiến thắng vĩ đại như những Bạch Đằng, Chi Lăng của thời hiện đại. Tất cả vì khát vọng hòa bình, tự do, độc lập và sự trường tồn của một dân tộc Việt Nam anh hùng.

Những người lính Lữ đoàn Pháo binh 168 và Lữ đoàn Pháo phòng không 297 năm xưa thăm lại chiến trường và bà con Hà Giang.

Nhìn lại thế kỷ XX đầy bão giông, có biết bao thế hệ những người con trai, con gái theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường. Bao người đã phải gác lại những giấc mơ trở thành nhà giáo, thầy thuốc, kỹ sư… để bước vào đời lính với ba lô, cây súng trên vai. Ở đó, giữa bom đạn quân thù, khúc tráng ca vẫn được viết lên bởi những người lính mang trong tim ngọn lửa chiến đấu vì non sông, đất nước. Lãng mạn những hình ảnh “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt, bên mưa quây”. Hình ảnh người lính anh hùng chặt cánh tay phá đồn địch; lấy thân mình lấp lỗ châu mai; những cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Châm “không cần đốt” vì trong đó đã “có lửa” rồi, luôn khiến thế hệ trẻ hôm nay phải rung động trái tim.

Chiến tranh quá đỗi bi thương, không ai mong muốn, bởi hàng triệu người đã phải ngã xuống. Di dọc cả chiều dài đất nước, không một huyện, xã nào không có những nghĩa trang liệt sỹ. Những Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn hay Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên…, là những nơi an nghỉ của rất nhiều người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc. Còn rất nhiều người con trai, con gái hy sinh nhưng vì nhiều lí do đến nay chưa thể tìm được hài cốt; còn rất nhiều những ngôi mộ chưa biết tên liệt sỹ. Tất cả như một nỗi đau còn mãi trong trái tim các thế hệ chúng ta. Sau mỗi cuộc chiến khốc liệt, những người lính may mắn được trở về với gia đình. Nhưng trong số họ, rất nhiều người trở về với những vết thương, với những mảnh đạn, bom còn găm trong cơ thể. Vì thế, thật xúc động khi nghe câu hát “Và những vết thương, trên ngực cha, cứ trở gió lại đau nhức nhối”. Sau hàng chục năm các cuộc chiến, những nỗi đau vẫn còn hiện hữu, đè nặng lên nhiều gia đình, xóm làng và đất nước. Hình ảnh về chiến tranh khốc liệt và hy sinh còn có những người vợ, người mẹ bạc tóc chờ chồng, chờ con về. Câu hát “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa” khiến nhiều người rớm nước mắt vì những sự hy sinh nơi hậu phương.

Chiến đấu và chiến thắng là biểu tượng của sức mạnh dân tộc ta, trong những chiến thắng oanh liệt ở thế kỷ XX, hình ảnh người lính cụ Hồ, cụ Giáp trở thành hình tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Vì thế, anh bộ đội cụ Hồ trở thành những người gần gũi, quá đỗi quen thuộc, thân thương và kính trọng trong lòng mỗi người Việt Nam. Tôi còn nhớ, lũ trẻ chúng tôi ngày trước hay được bà nội nhắc câu, ăn nhiều cơm để chóng lớn sau này đi bộ đội. Câu hát “Mẹ bảo con ráng học cho nên người, mai con lớn mẹ cho đi bộ đội” trở thành câu hát được nhiều người trong thế hệ 7x, 8x chúng tôi hát đi hát lại không chán.

Từ tinh thần uống nước nhớ nguồn, có thể thấy những năm tháng chiến tranh cho đến hòa bình, ở đâu trên đất nước Việt Nam cũng có tinh thần thương yêu, giúp đỡ, sẻ chia với bộ đội. Bất kỳ ở đâu, bộ đội cụ Hồ cũng được dân giúp, dân che trở, dân nuôi giấu để tránh giặc thù. Bởi một điều, những người lính cụ Hồ đã hy sinh cả tuổi trẻ cho bình yêu của quê hương. Hình ảnh những người phụ nữ, những bà mẹ già chèo thuyền chở đoàn quân qua sông, hình ảnh những người em gái dẫn đường cho bộ đội ta hành quân, chiến đấu; hình ảnh những người phụ nữ hậu phương viết hàng vạn lá thư ra tiền tuyến động viên bộ đội ta… trở thành những hình ảnh đẹp về tình quân dân, và nó cũng khẳng định hình ảnh rất đẹp của anh bộ đội cụ Hồ luôn có sức sống trong lòng nhân dân.

Thế kỷ XX là một thế kỷ đầy thử thách vận mệnh của dân tộc ta, nhưng cũng là thế kỷ sinh ra những người anh hùng nối tiếp truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc. Những người anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam như Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi… đã hy sinh tuổi xuân cho đất nước. Và hàng vạn, hàng triệu những tuổi thanh xuân anh hùng của các ông, các chú, các anh đã lên đường ra trận, hiến dâng cả trái tim mình cho độc lập. Tất cả đã xây đắp nên những mùa xuân đẹp nhất của dân tộc ta - mùa xuân trường tồn bất khuất.

Bài, ảnh: Phùng Nguyên

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202404/vang-mai-niem-tu-hao-ve-nhung-nguoi-linh-cu-ho-7c8725b/