Vận tải công cộng Thủ đô sẽ bứt phá

Dự kiến thị phần vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Hà Nội sẽ tăng gần gấp đôi, ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực sẽ giảm thiểu mạnh mẽ vào năm 2024.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh Thanh Hải

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh Thanh Hải

Đây sẽ là năm bứt phá ngoạn mục của VTHKCC về chất lượng khi đường sắt đô thị, xe buýt nhiên liệu sạch tiếp tục mở rộng vùng phục vụ, thu hút người dân từ bỏ xe cá nhân.

Lấy lại vị thế

Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đà tăng trưởng của VTHKCC chững lại, sản lượng hành khách cũng như doanh thu giảm đáng kể. Mặt khác, một bộ phận người dân đã rời bỏ VTHKCC, trở lại với xe cá nhân, khiến ùn tắc giao thông trong các năm 2022, 2023 diễn biến phức tạp hơn.

Tuy nhiên, thời gian qua, VTHKCC của Thủ đô đã dần lấy lại vị thế, đặc biệt là từ khi tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2A Cát Linh - Hà Đông và các tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch đi vào hoạt động.

Nếu coi ĐSĐT, xe buýt nhiên liệu sạch là nguồn lực bổ sung thì các chính sách nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC mà Hà Nội đã và đang áp dụng trong thời gian qua chính là nguồn lực nội tại. Với việc song song phát huy mạnh mẽ cả hai nguồn lực trong - ngoài, năm 2024 dự kiến sẽ là năm bứt phá ngoạn mục hơn nữa của VTHKCC Thủ đô.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng
Hà Nội, 9 tháng năm 2023, sản lượng hành khách của xe buýt ước đạt 410,2 triệu lượt, tăng 57,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu toàn mạng buýt ước đạt 410,2 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2022. ĐSĐT đạt 7,7 triệu lượt hành khách, doanh thu tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Vị thế của VTHKCC tại Thủ đô đã được khẳng định và ngày càng phát huy mạnh mẽ hơn. Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường chia sẻ: “Một trong những cái được lớn nhất của ĐSĐT là thay đổi thói quen đi lại của người dân. Hiện có đông đảo hành khách đã lựa chọn tàu điện làm phương tiện di chuyển chính, chấp nhận đi bộ từ 1 - 2km để tiếp cận các nhà ga”.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Sự xuất hiện của xe buýt điện đã tác động mạnh mẽ đến ý thức của người dân. Với chất lượng phương tiện và dịch vụ tốt, xe buýt điện đã khiến cho nhiều hành khách không ngần ngại chuyển hẳn từ xe máy, ô tô sang xe buýt”.

Xe buýt BRT tuyến Hà Đông - Kim Mã. Ảnh: Hải Linh

Xe buýt BRT tuyến Hà Đông - Kim Mã. Ảnh: Hải Linh

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, trong năm 2023, đơn vị đã tham mưu rà soát, trình Sở GTVT phê duyệt điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, tần suất, thời gian biểu chạy xe đối với 78 tuyến buýt. Trong đó hợp lý hóa lộ trình 18 tuyến; điều chỉnh lộ trình, dịch vụ 27 tuyến; điều chỉnh tần suất dịch vụ 8 tuyến; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe 25 tuyến. Đến nay kết quả mang lại rất khả quan.

Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất với UBND TP cho mời đơn vị tư vấn độc lập vào đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt Thủ đô. Các đơn vị liên quan cũng đang nỗ lực hết sức chuẩn bị cho việc triển khai Thẻ vé điện tử, mang đến dịch vụ thuận tiện, hiện đại cho hành khách sử dụng xe buýt.
“Sản lượng khách tăng trở lại cho thấy người dân vẫn rất tin tưởng và kỳ vọng ở VTHKCC. Nâng cao chất lượng xe buýt, hợp lý hóa mạng lưới tuyến, đảm bảo thuận tiện sẽ khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân” - ông Thái Hồ Phương chia sẻ.

Kỳ vọng tăng gần gấp đôi thị phần

Hiện năng lực đáp ứng của mạng lưới VTHKCC tại Hà Nội đã đạt khoảng 30%, tuy nhiên sản lượng thực tế mới chỉ chiếm khoảng 19% thị phần. Sở GTVT Hà Nội kỳ vọng bước sang năm 2024, con số này sẽ tăng lên 35%.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho hay, trong năm 2024, đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được đưa vào vận hành, phục vụ hành khách trên cung đường Nhổn - Cầu Giấy. Với những con số ấn tượng ĐSĐT đạt được trên tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông, có thể chắc chắn, sản lượng khách của VTHKCC Hà Nội sẽ tăng nhanh hơn nữa, việc thúc đẩy người dân lựa chọn tàu điện, xe buýt làm phương tiện di chuyển chính sẽ hiệu quả hơn nữa.

Mặt khác, Hà Nội đã ban hành được đơn giá định mức cho xe buýt điện, xe buýt sử dụng khí nén CNG, đó là cơ sở để mở rộng vùng phục vụ của xe buýt nhiên liệu sạch. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư một số tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Lãnh đạo Transerco chia sẻ: “Xe buýt nhiên liệu sạch mang đến cho hành khách cảm giác rất thoải mái, dễ chịu, đó là một trong những ưu điểm hấp dẫn người dân. Với xe buýt điện hoặc sử dụng khí nén CNG, tin chắc sản lượng khách của VTHKCC sẽ tăng trưởng tốt hơn nữa” - vị này cho hay.

Trước mắt, mạng lưới xe buýt của Hà Nội sắp được áp dụng hệ thống thẻ vé điện tử để thuận tiện nhất cho hành khách; mạng lưới tuyến cũng đang tiếp tục được điều chỉnh, hợp lý hóa.

Bên cạnh những tín hiệu rất tích cực, VTHKCC Hà Nội vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn trước mắt. Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập vào đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt, kể cả hiệu quả của tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa. Trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi cơ quan quản lý cũng như các DN khai thác VTHKCC nỗ lực không ngừng nghỉ, người dân cũng cần thể hiện sự ủng hộ thiết thực hơn nữa với VTHKCC. Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nói: “Người dân nên chủ động giảm dần tiến tới từ bỏ hẳn việc sử dụng xe cá nhân vào những lúc không quá cấp thiết. Đi bộ, đi xe buýt, tàu điện, xe đạp công cộng không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta”.

Đặng Sơn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/van-tai-cong-cong-thu-do-se-but-pha.html