Văn khấn đêm Giao thừa

Lễ giao thừa là lễ tống cựu nghênh tân, tiễn vị đại vương hành khiển cũ và đón vị mới. Có lễ nghi phải có văn khấn, cũng như ăn phải có mời.

ĐẠI VƯƠNG HÀNH KHIỂN VÀ PHÁN QUAN

Mười hai vị đại vương, mỗi ông cai trị một năm cõi nhân gian là “Thập nhị hành khiển vương hiệu”, tính theo thập nhị chi, bắt đầu là năm Tý, cuối cùng là năm Hợi. Hết năm Hợi lại quay trở lại năm Tý với Đại vương hành khiển của mười hai năm về trước.

Các vị đại vương này còn được gọi là dương niên chi thần, mỗi vị có trách nhiệm như trên đã nói cai trị thế gian trong toàn niên, xem xét mọi việc hay dở của từng người, từng gia đình, từng thôn xã cho đến từng quốc gia để định công luận tội, tâu lên Thượng đế. Mỗi vị đại vương hành khiển đều có một vị phán quan giúp việc.

Vị đại vương hành khiển lo việc thi hành những mệnh lệnh của Ngọc hoàng Thượng đế, trình lên Ngọc hoàng những việc đã xảy ra. Còn vị phán quan thì lo việc ghi chép công, tội của mọi người, mọi gia đình, mọi thôn xã, mọi quốc gia.

Trong các vị hành khiển vương hiệu, có vị nhân đức, có vị cương trực và cũng có vị khắc nghiệt. Nhiều năm có các loạn thiên thời, loạn đao binh, nạn thủy tai, hỏa tai... tục tin rằng đó là do các vị đại vương hành khiển trừng phạt nhân gian vì tội lỗi của mọi người.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Craig Adderley/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Craig Adderley/Pexels.

VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA

Như trên đã trình bày, lễ giao thừa là lễ tống cựu nghênh tân, tiễn vị đại vương hành khiển cũ và đón vị mới. Có lễ nghi phải có văn khấn, cũng như ăn phải có mời.

Dưới đây là mẫu văn khấn giao thừa tại tư gia, văn khấn này chỉ cần thay đổi một vài chữ, khi dùng tại các nơi khác:

Duy Việt Nam Đinh Mùi niên, Xuân thiên chính nguyệt, sơ nhất nhật, kim thần đệ tử Nguyễn Đức Cầu quán tại Cổ Mễ xã, Võ giàng huyện, Bắc Ninh tỉnh, cư trú tại Phú Nhuận xã, Tân Bình quận, gia Định tỉnh, đồng gia quyến đẳng, khể thủ, đốn thủ bách bái.

Cẩn dĩ hương đăng, kim ngân hoa quả, phù lưu thanh chước, thứ phẩm chi nghi, cảm kiền cáo vu. Vọng bái: Đương niên đương cảnh Tống vương hành khiển, Ngũ đạo chí đức tôn thần ngọc bệ hạ:

Lâm tào phán quan vị tiền Bản địa Thổ địa thần kỳ vị tiền Bản cảnh Thành hoàng vị tiền Ngưỡng vọng chứng giám; Cúc cung cầu khẩn: Toàn gia đồng niên tự lão chí ấu, tăng phúc tăng thọ, nhân khang vật tịnh, vạn sự hanh thông. Cẩn cáo

Lược dịch:

Nước Việt Nam, năm Đinh Mùi, ngày mồng một tháng giêng, xuân tiết. Đệ tử là Nguyễn Đức Cầu, quán làng Cổ Mễ, huyện Võ giàng tỉnh Bắc Ninh, cư ngụ tại Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh gia Định, cùng toàn thể gia đình trăm bái.

Kính cẩn có hương đèn, vàng bạc, hoa quả trầu rượu trà nước thêm mọi phẩm vật dâng lên. Vọng bái: Trước bệ ngọc đức Tống vương hành khiển, Ngũ đạo chí đức tôn thân:

Lâm tào phán quan tại vị ở trước Đức Thổ địa nơi đây tại vị ở trước Đức Thành hoàng bổn cảnh tại vị ở trước Cầu chư vị chứng giám. Cúi đầu kêu xin: Chư vị phù hộ cho toàn gia chúng tôi, từ già đến trẻ, quanh năm được tăng phúc tăng thọ, người an, vật thịnh, vạn sự hanh thông. Cẩn cáo.

Trong khi cúng khấn đức đương niên đại vương hành khiển, người ta khấn theo đức Thổ thần và đức Thành hoàng, vì khi đức đại vương hành khiển, đại diện của Ngọc hoàng Thượng đế đã giáng lâm, Thổ thần và Thành hoàng có nhiệm vụ nghênh tiếp và do đó cùng được phối hưởng lễ vật.

Trong bài văn khấn trên, khi làm lễ tại làng tại thôn, chỉ cần thay đổi mấy chữ: “Kim thần đệ tử nguyễn Đức Cầu” thành “Kim chúng thần đệ tử, toàn dân Cổ Mễ xá” và ở chỗ cầu xin cũng đổi mấy chữ “Toàn gia đồng niên tự lão chí ấu” thành “Toàn xã đồng niên tự lão chí ấu”.

Toan Ánh/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/van-khan-dem-giao-thua-post1458951.html