Vai trò của vật liệu công nghệ trong tạo lập không gian sống

là chủ đề của Hội thảo chuyên đề 2 trong khuôn khổ Triển lãm Kiến trúc EXPO 2023 do Bộ Xây dựng phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức. Sự kiện diễn ra từ ngày 8 – 10/2023 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề 2.

Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề 2.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TSKT Mai Thị Liên Hương cho biết: Viện Kiến trúc Quốc gia và Viện Vật liệu Xây dựng rất vinh dự được Bộ Xây dựng giao trọng trách thực hiện tổ chức sự kiện EXPO Kiến trúc năm 2023. Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần khẳng định vị thế của Kiến trúc Việt Nam trên con đường phát triển đồng hành cùng sự nghiệp dựng xây đất nước nói chung và dấu ấn của ngành Xây dựng nói riêng.

Trong xu thế phát triển chung của thế giới cũng như xu hướng hội nhập và mong muốn có sự xuất khẩu Kiến trúc của Việt Nam đến với thế giới, đồng thời mong muốn phát triển Kiến trúc hiện đại gắn liền với sự phát triển của các ngành khoa học bổ trợ khác đặc biệt là ngành Vật liệu nói chung, vật liệu kiến trúc nói riêng thì việc nhìn nhận, đánh giá vai trò của Vật liệu với sáng tác kiến trúc, với không gian sống đã và đang được sự quan tâm, chỉ đạo, đồng hành của các cấp bộ ngành.

PGS. TSKT Mai Thị Liên Hương phát biểu khai mạc Hội thảo.

PGS. TSKT Mai Thị Liên Hương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong khuôn khổ của hội thảo “Vai trò của vật liệu, công nghệ trong tạo lập không gian sống”, Viện Kiến trúc Quốc gia trên cương vị là đơn vị hoạt động Kiến trúc kiến tạo ra các công trình và cũng là đơn vị “Kết nối” đưa/ đặt/ ấn định Vật liệu vào trong từng vị trí, từng không gian sống trong mỗi công trình nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu được vai trò, vị trí và tầm quan của Vật liệu trong mỗi sáng tác kiến trúc…

Tại Hội thảo chuyên đề 2 nhận được sự quan tâm, chia sẻ chuyên môn sâu sắc của các diễn giả trong và ngoài nước với các bài viết đề cao vai trò của vật liệu xây dựng trong bối cảnh mới của nền công nghiệp phát triển.

Chủ đề Hội thảo bao hàm những giá trị xã hội và nhân văn, không chỉ hướng mục tiêu tạo lập không gian vì cộng đồng kiến trúc mà vật liệu kiến trúc còn tạo lập tính kế thừa, tính biểu tượng, tính biểu cảm, hay phong cách thiết kế với mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững của xã hội và cộng đồng, mang một ý nghĩa có tính đương đại mà vẫn giàu giá trị, bản sắc dân tộc.

Hội thảo đồng thời là dịp để nhìn nhận, đánh giá và khẳng định rõ ràng hơn về mối quan hệ giữa các thành tố (Kiến trúc, Vật liệu và Công nghệ) và khẳng định vai trò quan trọng Vật liệu; Công nghệ và Kiến trúc nói chung, cũng như Không gian sống nói riêng.

Qua đây, chúng ta sẽ có thêm những được ý kiến, những góc nhìn và những phân tích, đánh giá thiết thực hơn nữa của các nhà khoa, các chuyên gia trong các lĩnh vực ngành. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị, khuyến nghị đối với các công tác quản lý Nhà nước nói chung và của Bộ Xây dựng nói riêng trong việc thúc đẩy phát triển song hành ngành Xây dựng, tạo ra nhiều giá trị tích cực khi đạt tới một tầm cao của sự kết nối Vật liệu và Kiến trúc trong việc tạo ra không gian sống tích cực, thông minh và bền vững cho con người.

Phiên hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề: “Vai trò của vật liệu, công nghệ trong tạo lập không gian sống” đã được các diễn giả, các chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tập trung đi sâu bàn luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch, phát triển nhà ở bền vững; các giải pháp công nghệ vật liệu; phát triển nền kiến trúc quốc gia với đề cao giá trị bản sắc; thúc đẩy tiến trình xây dựng hạ tầng kiến trúc, tạo dựng không gian sống, làm việc tiện nghi, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

PGS. TS Nguyễn Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng trình bày tham luận về xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng trong kiến trúc hiện đại.

PGS. TS Nguyễn Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng trình bày tham luận về xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng trong kiến trúc hiện đại.

Tham luận về xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng trong kiến trúc hiện đại, PGS. TS Nguyễn Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho biết: Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra mục tiêu cụ thể là các công trình kiến trúc đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, sự phát triển của kiến trúc hiện đại phải gắn liền với sự phát triển và ứng dụng các vật liệu xây dựng.

Công trình kiến trúc hiện đại ở nước ta từng bước được cụ thể hóa thông qua hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn hoàn thiện gần đây như: Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sử dụng các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; QCVN 04:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư; TCVN 13521:2022 – Nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà;…

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các sản phẩm vật liệu xây dựng ngày càng được cải tiến chất lượng cũng như bổ sung các tính chất đặc biệt giúp cho công trình kiến trúc hiện đại đạt được hiệu quả cao về công năng thiết kế, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng cũng như tính thẩm mỹ của công trình.

Sự phát triển của kiến trúc hiện đại đã đặt ra nhiều yêu cầu mới về việc sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng bao gồm vật liệu kết cấu, vật liệu bao che, vật liệu lợp, vật liệu làm vách ngăn bê trong công trình và các loại vật liệu hoàn thiện để có thể theo kịp các ý tưởng của các kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế công trình…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các vật liệu xây dựng tính năng cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường cũng đồng thời là cơ sở cho kiến trúc hiện đại phát huy tính sáng tạo và trở thành xu hướng phát triển tất yếu gắn liền kiến trúc và vật liệu trong tương lai đối với ngành Xây dựng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã lắng nghe các tham luận đến từ các chuyên gia, các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài đề cập đến một số nội dung liên quan như: Thanh nhưa gia cố sợi thủy tinh trong kết cấu công trình xây dựng; Khử carbon ngành Xây dựng bằng xi măng có hàm lượng carbon thấp; Giải pháp vật liệu xây dựng đáp ứng công trình xanh và công trình ven biển…

Góp ý cho Hội thảo, TS. Lê Quang Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, vật liệu xây dựng đóng vai trò quan trọng trong kiến trúc công trình. Về bản chất, người kiến trúc sư khi đưa ra ý đồ kiến trúc đó là ý tưởng, được thể hiện trên bản vẽ. Thế nhưng để đưa vào công trình cụ thể thì không thể thiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu tạo hình.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định vật liệu xây dựng đóng vai trò quan trọng trong kiến trúc công trình.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định vật liệu xây dựng đóng vai trò quan trọng trong kiến trúc công trình.

Bên cạnh đó, bản thân vật liệu xây dựng có từng vị trí, chức năng riêng sẽ đòi hỏi yêu cầu về tính chất cơ lý, tính năng riêng.

Xu hướng chung hướng tới sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nên cần có khái quát để hiểu rõ vai trò, chức năng của vật liệu…

Đồng thời, nên có tổng kết về quá trình hình thành vật liệu xây dựng từ sơ khai, xu hướng vật liệu ngày càng đa tính năng hơn, công nghệ tạo ra những loại vật liệu có tính năng ưu việt hơn, giúp cho công trình kiến trúc dễ dàng tạo ra nhiều hình, tạo ra những công năng tốt hơn, gắn kết hơn…

Linh Đan – Minh Châu

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vai-tro-cua-vat-lieu-cong-nghe-trong-tao-lap-khong-gian-song-360601.html