Vai trò của NATO ở châu Á có thực sự cần thiết?

NATO đang muốn mở rộng ảnh hưởng tới châu Á, điều này làm dấy lên những tranh luận đa chiều về tầm ảnh hưởng của một liên minh an ninh vốn không dành cho khu vực.

NATO đang có ý định mở văn phòng đại diện tại Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)

NATO đang có ý định mở văn phòng đại diện tại Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)

An ninh không thể chia cắt

Nhiều năm qua, đã có một cuộc tranh luận về một NATO ở châu Á. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, cuộc thảo luận này đã chuyển thành một cuộc thảo luận về vai trò của “NATO ở châu Á”.

NATO sẽ luôn đóng một vai trò nhỏ đối với an ninh ở Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương. Khối này có thể đóng góp cho khu vực, nhưng lại ở quá xa với những mối quan tâm cấp bách cần phải tập trung năng lượng và nguồn lực vào.

Tuy nhiên, các mối quan hệ thân thiết luôn quan trọng. An ninh là không thể chia cắt. Ngay cả khi khoảng cách ngăn cản các nước NATO đóng góp vật chất đáng kể trong một cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, liên minh này vẫn thể hiện sự quan tâm đối với khu vực bằng cách triển khai lực lượng trong thời bình, tăng cường năng lực răn đe.

Mặc dù Nhật Bản và cơ quan chỉ huy của NATO tại Brussels đã để ý đến nhau trong vài thập kỷ, song cuộc tranh luận về vai trò mà NATO có thể đảm nhận ở châu Á được chú trọng trong năm qua.

Bốn đối tác chính ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là AP4 (bao gồm các nước Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc) đã lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO thường niên vào năm 2022 và dự kiến sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius vào tháng sau.

“Khái niệm chiến lược mới” công bố cuối năm 2022 đã lần đầu tiên nhắc đến mối đe dọa từ Trung Quốc và các chính sách tham vọng của nước này.

Bốn đối tác AP4 này đang hướng tới việc ký kết Chương trình hợp tác đáp ứng nhu cầu riêng (ITPP), nâng cấp quan hệ đối tác để tăng cường hợp tác trên một loạt vấn đề như hợp tác an ninh hàng hải, an ninh mạng, các công nghệ mới nổi và đang nổi, không gian vũ trụ, chống tin giả và tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh.

Có thông tin cho rằng NATO đang xem xét việc mở một văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo vào năm tới để thực hiện các ITPP đó.

Để thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn, Thủ tướng Nhật BảnKishida Fumio đã đến thăm trụ sở NATO và cũng đã tiếp đón tổng thư ký của tổ chức này tại Tokyo.

Ngoài ra, ông được cho là đã thảo luận về sự liên kết này với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng trước. Chủ đề này cũng nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp “2+2” giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Pháp ngày 9/5.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hoan nghênh mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nhật Bản tại Đối thoại Shangri-La, nói rằng một văn phòng ở Tokyo “nằm trong sự quan tâm của NATO” và “quan trọng đối với một số vấn đề”.

Có thực sự vì lợi ích của nhau?

Có thể dự đoán rằng sự hiện diện của NATO ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ vấp phải sự phản đối. Pháp cũng được cho là không hài lòng, lo ngại rằng việc này có thể khiến tổ chức sao nhãng khỏi nhiệm vụ cốt lõi là bảo vệ châu Âu, đồng thời có khả năng khiêu khích Trung Quốc.

Theo hầu hết các quan điểm về NATO, sự hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được coi là một nghịch lý: Một liên minh an ninh Bắc Đại Tây Dương đang làm gì ở châu Á? Hai khu vực không chỉ cách xa nhau, mà còn thường được cho là cạnh tranh để thu hút sự chú ý của Mỹ.

Mới chỉ cách đây 2 thập kỷ, châu Âu là khu vực có giá trị địa chính trị lớn và chỉ cho đến khi châu Á trỗi dậy thì những tính toán của Mỹ mới thay đổi.

Khi NATO được đưa ra thảo luận ở khu vực, tổ chức này thường chỉ được coi là một mô hình hợp tác đa phương, một NATO vì lợi ích của châu Á. Mỹ đã phản đối vai trò của NATO ở châu Á. Nước này ưu tiên hợp tác trực tiếp với với từng đồng minh châu Á.

Về phần mình, Bắc Kinh cũng không mong muốn NATO thể hiện vai trò của mình trong khu vực. Vào năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời kêu gọi “một châu Á dành cho người châu Á” nhằm hạn chế sự can dự của các quốc gia bên ngoài vào quá trình ra quyết sách khu vực cũng như làm giảm uy tín của các cơ chế ra quyết sách của họ.

Trung Quốc là quốc gia từng nhiều lần đề cập việc NATO tiếp tục vượt khỏi các khu vực phòng thủ truyền thống, không ngừng tăng cường quan hệ an ninh quân sự với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Mới đây nhất, ngày 4/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh một lần nữa nhấn mạnh, các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần “cảnh giác cao độ” trước sự mở rộng của NATO.

Hiện nay, trong chính khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhu cầu hợp tác mở rộng giữa các tổ chức và sáng kiến an ninh đang nở rộ. Các liên minh đang được hiện đại hóa, mối quan hệ giữa “các nan hoa” được hình thành hoặc củng cố và các sáng kiến mới được đưa ra. Ngày càng có nhiều quan hệ đối tác, quan hệ 3 bên, 4 bên và các thỏa thuận đa phương và tiểu đa phương.

(theo Japan Times)

Khánh Vy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vai-tro-cua-nato-o-chau-a-co-thuc-su-can-thiet-232755.html