Ưu tiên xây dựng cao tốc để phát triển Gia Lai

Sáng 17/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã công bố quy hoạch chung của tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cao tốc là một trong những ưu tiên, đột phá.

Phó thủ tướng Chính phủ công bố và trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050. Ảnh: H.C

Phó thủ tướng Chính phủ công bố và trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050. Ảnh: H.C

Ưu tiên phát triển cao tốc

Theo quy hoạch chung được công bố, đến năm 2030, Gia Lai nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.

Quy hoạch được phê duyệt định hướng nhu cầu huy động vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 khoảng 550.000 tỷ đồng, tương đương 22 tỷ USD.

Theo đó, Gia Lai sẽ triển khai các hoạt động huy động vốn đầu tư, gồm Trung ương hỗ trợ thông qua các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hỗ trợ khác để huy động vốn cho đầu tư phát triển; huy động nguồn vốn từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thực hiện cơ chế công tư kết hợp (PPP) dưới các hình thức khác nhau; đẩy mạnh huy động vốn từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn; khai thác khả năng huy động vốn của các hộ gia đình, dân cư và các kiều bào; huy động vốn ngoài nước.

Theo quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lai sẽ tập trung vào 5 đột phá phát triển.

Cụ thể, đột phá về cơ chế, chính sách; đột phá về nhân lực; đột phá về hạ tầng; đột phá về mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái và đột phá hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng.

Đáng chú ý, trong đột phá về hạ tầng có tầm vóc rất quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh Gia Lai.

Cụ thể, Gia Lai hướng đến xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng vùng động lực; tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; hạ tầng phục vụ khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin - viễn thông, như ưu tiên đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh (CT.20); mở rộng Cảng hàng không Pleiku; phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, logistics; phát triển hạ tầng số trên nền tảng đổi mới hạ tầng công nghệ thông tin, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), Quốc lộ 19, Quốc lộ 25 sẽ là 3 hành lang kinh tế động lực kết nối TP. Pleiku và vùng phụ cận lan tỏa kinh tế - xã hội đến các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy toàn tỉnh tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.

Đô thị Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Hòa

Đô thị Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Hòa

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ông Trương Hải Long cho biết: Quy hoạch chung của tỉnh Gia Lai cụ thể hóa các mục tiêu phát triển toàn diện của tỉnh.

"Đây là động lực phát triển mới và giá trị mới cho tỉnh trong thời kỳ quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2050, địa phương là "cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe''.

Bên cạnh đó, định hướng tỉnh Gia Lai đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng dễ bị tổn thương. Do đó, chúng ta cần phải cần quan tâm đến quy hoạch, có giải pháp phát triển bền vững. Cụ thể hóa bằng những công trình, khu đô thị, công nghiệp hóa, các thiết chế văn hóa để hiện thực hóa quy hoạch.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu trong buổi công bố quy hoạch chung tỉnh Gia LAi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu trong buổi công bố quy hoạch chung tỉnh Gia LAi.

Gia Lai cần cụ thể hóa các nguồn lực

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Gia Lai có vị trí quan trọng và khí hậu ôn hòa, giàu tiềm năng, có bản sắc văn hóa đa dạng phù hợp với định hướng phát triển trong quy hoạch.

"Tỉnh Gia Lai có vị trí giàu tiềm năng về kinh tế và giá trị văn hóa gắn với di sản phi vật thể, bản sắc văn hóa. Tôi mong rằng, tỉnh cần rà soát quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, kết nối với vùng khác. Đây là bước cụ thể hóa trong bản quy hoạch nhằm xây dựng nên quy hoạch đô thị, nông thôn, du lịch... Qua đó, thu hút các nhà đầu tư lớn cùng hỗ trợ, hiện thực từ quy hoạch đến hiện thực hóa.

Ngoài ra, tỉnh còn có các lĩnh vực phát triển, có tiềm năng sông, suối, thủy điện, năng lượng tái tạo nên tỉnh cần lựa chọn phát triển chế biến khu công nghiệp cao gắn với nông nghiệp xanh, nông nghiệp dược liệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất.

Rút kinh nghiệm đối với những vướng mắc trong việc xây dựng đô thị, Gia Lai nên xây dựng đô thị của riêng mình theo hướng một đô thị đại ngàn, đô thị đáng sống. Bởi, Gia Lai đang sở hữu một cảnh quan đẹp, khí hậu ôn hòa. Chính vì vậy, tỉnh cần nghiên cứu để xây dựng quy hoạch, phát triển đô thị xanh, thông minh. Đặc biệt, tỉnh cần chuẩn bị nhằm phát triển du lịch gắn với lâm nghiệp...

Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng cần phải cần quan tâm đến quy hoạch, có giải pháp phát triển. Cụ thể hóa bằng những công trình, khu đô thị, công nghiệp hóa, các thiết chế văn hóa để hiện thực hóa quy hoạch", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhắn nhủ cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Gia Lai cần tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, các bộ, ngành phát triển theo đúng định hướng quy hoạch.

Tạ Vĩnh Yên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/uu-tien-xay-dung-cao-toc-de-phat-trien-gia-lai-192240117103914064.htm