Ưu tiên đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế cửa khẩu của Điện Biên

Nếu được đầu tư đúng mức và hiệu quả, kinh tế cửa khẩu có thể phát triển thành động lực của hành lang biên giới, hạt nhân của hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

Tỉnh Điện Biên có đường biên giới dài hơn 455 km, tiếp giáp với Lào và Trung Quốc; có 1 Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, 1 Cửa khẩu Quốc gia Huổi Puốc, 1 cửa khẩu phụ với các tỉnh Bắc Lào và 1 lối mở A Pa Chải - Long Phú tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu của cả nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng.

Phát huy lợi thế trong phát triển kinh tế cửa khẩu, tỉnh Điện Biên tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, triển khai các chương trình kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhằm thu hút hoạt động phát triển thương mại biên giới.

Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Điện Biên, trong giai đoạn 2021-2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa, thương mại biên giới giữa tỉnh Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào đạt 211,22 triệu USD, trong đó tỉnh Điện Biên xuất khẩu sang các tỉnh Bắc Lào đạt 140 triệu USD; tỉnh Điện Biên nhập khẩu từ các tỉnh Bắc Lào đạt 71,22 triệu USD.

Mặt hàng tỉnh Điện Biên xuất khẩu sang các tỉnh Bắc Lào gồm: Vật liệu xây dựng các loại, xi măng Điện Biên sản xuất, nông sản, may mặc, đồ gia dụng và hàng hóa khác. Mặt hàng tỉnh Điện Biên nhập khẩu từ các tỉnh Bắc Lào gồm: gỗ các loại, hàng nông lâm sản, đồ gia dụng và hàng hóa khác.

Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang.

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Điện Biên, tình hình hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và hoạt động thương mại biên giới tỉnh Điện Biên với Lào năm 2021 đến năm 2022 bị hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động trao đổi hàng hóa qua đường mòn, lối mở, cửa khẩu phụ đều tạm thời dừng hoạt động và cấm đi lại. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa chỉ được duy trì thực hiện thông quan hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc bằng hình thức sang tải. Từ tháng 4/2022 đến nay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, lối mở đã được được khôi phục và trở lại hoạt động bình thường như trước khi xảy ra đại dịch covid-19. Hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới đã có tín hiệu phát triển tốt hơn.

Đối với tuyến biên giới với Trung Quốc, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 đến tháng 7/2023, lối mở A Pa Chải – Long Phú tạm dừng các hoạt động để phòng chống dịch, do đó hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới qua lối mở cũng bị tạm dừng. Từ ngày 1/8/2023, lối mở A Pa Chải - Long Phú đã chính thức khôi phục hoạt động qua lại biên giới, mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, tuy nhiên giá trị hàng hóa trao đổi trong năm 2023 không quá lớn, ước đạt 0,2 triệu USD.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Hồng Sơn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, trong những năm qua, để thúc đẩy thương mại biên giới, Điện Biên đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động thương mại biên giới; quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp, thương mại và mảnh đất, con người Điện Biên; giới thiệu sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh và một số mặt hàng sản xuất tại Việt Nam tới nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh giáp biên của Lào và Trung Quốc.

Ông Vũ Hồng Sơn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên.

Đối với Lào, tăng cường triển khai đến các doanh nghiệp và nhân dân vùng biên giới các chính sách, cơ chế ưu đãi về thuế suất thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước để được hưởng các ưu đãi về thuế suất theo quy định của pháp luật. Phối hợp triển khai xây dựng quy hoạch phát triển chợ biên giới. Căn cứ quy hoạch chợ biên giới, hai bên đang xúc tiến triển khai tìm nguồn vốn xây dựng các chợ phiên biên giới tại các khu vực Si Pa Phìn - Huổi Lả, Cửa khẩu quốc tế Tây trang- Pang hốc tiếp giáp biên giới tỉnh Điện Biên với tỉnh Phông-sa-lỳ và Chợ Huổi Puốc - Na Son, tiếp giáp biên giới tỉnh Điện Biên với tỉnh Luông-pha-bang.

Hiện nay, tại khu vực Cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc (tỉnh Điện Biên) - Na Son (tỉnh Luông-pha-bang) đã có nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu và đề xuất tỉnh Điện Biên cho phép thực hiện Dự án đầu tư hệ thống Logistics tại Khu vực Cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc - xã Mường Lói, huyện Điện Biên.

Đối với Trung Quốc, trong các năm 2021 và 2022 tỉnh Điện Biên đã gửi tài liệu, sản phẩm mẫu để quảng bá tại “Hội chợ triển lãm hàng hóa và Diễn đàn đầu tư – Thương mại Nam Á, Đông Nam Á” do chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tổ chức. Đáng chú ý, tháng 11/2023, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung lần thứ 23 với 4 gian hàng trưng bày, giới thiệu và quảng bá cho 25 sản phẩm hàng hóa của tỉnh tại hội chợ.

Cần tạo động lực từ hạ tầng cửa khẩu, giao thông kết nối

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế cửa khẩu tại tỉnh Điện Biên vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của hai bên. Đầu tư vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu, khai thác thị trường giữa Điện Biên với các nước còn hạn chế. Hàng hóa sản xuất tại tỉnh Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, phần lớn là hàng nguyên liệu. Chất lượng hoạt động thương mại - xuất nhập khẩu tại các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Điện Biên còn thấp, mang tính tự phát, thời vụ. Định hướng phát triển cơ cấu ngành kinh tế cửa khẩu tỉnh Điện Biên chưa thật sự rõ ràng…

Theo ông Vũ Hồng Sơn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, có một số nguyên nhân khiến tỉnh chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển kinh tế cửa khẩu. Cụ thể, quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Tây trang, cửa khẩu Huổi Puốc đã được phê duyệt nhưng thiếu nguồn vốn đầu tư do vậy tiến độ triển khai tổ chức thực hiện xây dựng đầu tư vào các hạng mục công trình còn chậm và chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, đường giao thông ra các cửa khẩu, đường giao thông đến các xã biên giới của hai bên chưa thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, nhất là vào mùa mưa. Theo quy hoạch đã được Chính phủ hai nước phê duyệt, tỉnh Điện Biên có 5 cặp chợ biên giới với Lào ưu tiên đầu tư đến năm 2020, tuy nhiên đến nay chưa được triển khai đầu tư chợ biên giới theo quy hoạch.

Đặc biệt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do hai bên tổ chức. Hàng hóa sản xuất tại tỉnh Điện Biên và các tỉnh bắc Lào có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp, phần lớn là hàng nguyên liệu chưa qua chế biến.

Kinh tế cửa khẩu có thể phát triển thành động lực của hành lang biên giới.

Để có thể khai thác kinh tế cửa khẩu trở thành động lực phát triển cho Điện Biên, ông Vũ Hồng Sơn cho biết, tỉnh Điện Biên đang kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành xem xét điều chỉnh, ban hành một số chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ với mức cao hơn để thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại biên giới trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

“Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên rất hạn chế, không đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển, do đó Điện Biên mong Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho đầu tư hạ tầng thương mại biên giới trong kế hoạch hàng năm để xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng thương mại biên giới theo quy hoạch được duyệt.

Trước mắt ưu tiên đầu tư xây dựng các cặp chợ biên giới theo quy hoạch đã được phê duyệt để phục vụ nhu cầu hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh và đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông hai bên biên giới một cách đồng bộ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bằng 100% vốn ngân sách nhà nước”, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Điện Biên chia sẻ.

Hiện nay, Điện Biên cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan của hai nước để sớm nâng cấp lối mở A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc) thành cửa khẩu song phương trong năm 2024, nâng cấp Mốc 49 Nà Bủng (xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) lên thành cặp cửa khẩu phụ Nà Bủng – Lao Phu Chai (huyện Phông-sa-lỳ, tỉnh Phông-sa-lỳ) để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi thương mại biên giới và các nhu cầu khác của cư dân hai bên.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/uu-tien-dau-tu-ha-tang-de-phat-trien-kinh-te-cua-khau-cua-dien-bien-a659288.html