Ứng dụng khoa học - công nghệ: Đòn bẩy đưa sản phẩm kinh tế tập thể vươn xa

Hiện, ứng dụng khoa học-công nghệ được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng và là đòn bẩy để sản phẩm kinh tế tập thể vươn xa.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế, nhất là khi Việt Nam tham gia và thực thi các Hiệp định thương mại tự do, để có thể tận dụng các ưu đãi hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp muốn tiếp cận các thị trường quốc tế cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn yêu cầu cao, khắt khe. “Muốn đi xa, sản phẩm của Việt Nam phải có hệ thống sản xuất đạt chuẩn quốc tế. Theo đó, việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh là tất yếu”- ông Thủy nhấn mạnh.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất là hướng đi tất yếu đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Ảnh: TTXVN

Hợp tác xã miến Việt Cường (Thái Nguyên) thành lập trên cơ sở của một làng nghề vào năm 2007. Sự khởi đầu của hợp tác xã này theo như lời ông Nguyễn Văn Ba – Chủ tịch Hợp tác xã miến Việt Cường chia sẻ là gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, do nguồn lực về vốn hạn chế, không đủ để đầu tư công nghệ sản xuất nên không có máy móc thiết bị sản xuất, chế biến miến mà chỉ sử dụng các phương pháp thủ công như ép miến bằng tay, củ dong bằng đạp chân, phơi miến bằng phen tre nứa; miến tẩy trắng được bó bằng lạt, không có bao bì nhãn mác... vì thế hàng chỉ bán quanh chợ làng.

Tuy nhiên, đến nay, Chủ tịch Hợp tác xã miến Việt Cường Nguyễn Văn Ba cho biết, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, sở, ngành, nhất là khi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, hợp tác xã đã đầu tư công nghệ máy móc sản xuất, từng bước cải thiện năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. "Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt trên kệ các hệ thống siêu thị trong nước cũng như hiện hợp tác xã đã là đối tác của các tập đoàn đa quốc gia, sản phẩm xuất khẩu đi nhiều thị trường như Hy Lạp, Đài Loan (Trung Quốc)"- ông Ba cho hay.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tiếp tục khẳng định quan điểm “ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” trong phát triển kinh tế tập thể.

Thực hiện chủ trương của Nghị quyết 20-NQ/TW, ông Nguyễn Tiến Tài – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế, kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian qua, nhiều chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, chủ trì đã được triển khai và đem lại nhiều hiệu quả, cũng như hỗ trợ tích cực đến phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Trong đó, theo ông Nguyễn Tiến Tài, nhiều mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ ở các địa phương đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo xuất khẩu, phát triển sản xuất các loại nông sản nhiệt đới có lợi thế; nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình các hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng các quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, an toàn, đạt tiêu chuẩn GloabalGap, VietGap, ASC…

Đặc biệt, các hoạt động liên quan đến hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã đã được triển khai lồng ghép trong các chương trình khoa học và công nghệ... mang đến những tác động rất tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.

Đơn cử lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Tiến Tài cho biết, với việc ứng dụng công nghệ Blockchain, phân tích dữ liệu lớn, kết nối vạn vật… đã góp phần phát triển nền nông nghiệp chính xác của Việt Nam gần đây. “Các công nghệ trên đã được ứng dụng trong quản lý chuỗi sản xuất sản phẩm nông sản như ong, hạt tiêu; quản lý quá trình nuôi cá tra công nghiệp, xác định các thông số về đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu đất phục vụ phát triển nông nghiệp…”- ông Tài cho hay.

Tăng cơ hội gặp gỡ liên kết cùng phát triển

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hết năm 2023, cả nước có 30.698 hợp tác xã, 137 liên hiệp hợp tác xã, 71.000 tổ hợp tác. Tỷ lệ tổ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt trên 50%, quy mô sản xuất, xu hướng hợp tác mở rộng, đi vào thực chất.

Đóng góp cho thành quả này, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nêu rõ, một phần quan trọng là nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra còn rất chậm với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trình độ công nghệ không cao, đơn giản. Thực tế này có nhiều nguyên nhân, trong đó xuất phát từ nguồn lực tài chính cũng như mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế từ các hợp tác xã.

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Tiến Tài cũng chỉ rõ một số hạn chế trong việc ứng dụng khoa học công nghệ đối với kinh tế tập thể hiện nay. Đó là, phần lớn hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trình độ khoa học công nghệ còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, với hiện trạng phần lớn chưa thể tiếp cận được nền nông nghiệp 4.0; mặt khác, cơ sở vật chất kỹ thuật ở nhiều hợp tác xã về nông nghiệp rất lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, nhất là nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ cao trong nông nghiệp.

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và nhà nước. Vì thế, ông Lê Tuấn An – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là thực sự cần thiết, nhằm giúp nâng cao hiệu quả và minh bạch hóa môi trường sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hộ phát triển bền vững.

Do vậy, “để thích nghi với điều kiện cạnh tranh, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã Việt Nam buộc phải thay đổi mô hình quản trị, quản lý theo xu thế đón đầu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo”- ông An nhấn mạnh.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã, ông Nguyễn Tiến Tài nêu một số giải pháp, cụ thể: Cần tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển hợp tác xã, ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong sản xuất; tăng cường liên kết trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo giữa các hợp tác xã và các viện nghiên cứu nhằm tăng khả năng tiếp cận các nguồn cung công nghệ trong nước, tăng cường khả năng hấp thụ, làm chủ và phát triển công nghệ của các hợp tác xã.

Đặc biệt, cần “thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ cho các hợp tác xã, nhất là các thị trường về mua bản quyền giống cây, con, đặt hàng của các hợp tác xã với các tổ chức khoa học và công nghệ, mở rộng các hoạt động hội chợ, sàn giao dịch công nghệ, kết nối cung cầu để tạo điều kiện tốt nhất cho người sản xuất, người làm công tác khoa học và công nghệ có cơ hội gặp gỡ liên kết cùng phát triển”- ông Tiến nêu.

Về phía Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ông Lê Tuấn An cũng cho biết một số giải pháp cần triển khai, đó là đẩy mạnh đào tạo nâng cao trình độ quản lý, quản trị và đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ; tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng dụng khoa học - công nghệ trong và ngoài hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; chia sẻ, học tập các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả trong khu vực kinh tế tập thể; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tập thể, nhằm ươm mầm các ý tưởng đổi mới sáng tạo...

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-don-bay-dua-san-pham-kinh-te-tap-the-vuon-xa-318413.html