Ukraine trở thành một phần Chiến lược công nghiệp quốc phòng của châu Âu

1,5 tỷ euro đã được dành cho việc thực hiện chiến lược công nghiệp quốc phòng châu Âu trong giai đoạn 2025 - 2027, với việc mở rộng nguồn tài trợ cho Ukraine.

Hội nhập và hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã trở thành một trong những mục tiêu của Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng Châu Âu (EDIS), Ủy ban châu Âu cho biết vào ngày 5/3.

Thông điệp nêu rõ: “Mục tiêu của chiến lược là củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng châu Âu, để ngành công nghiệp quốc phòng EU có thể đáp ứng kịp thời và đủ số lượng nhu cầu của các quốc gia thành viên”.

Động lực cho việc tạo ra chiến lược công nghiệp và quốc phòng đầu tiên của châu Âu theo thông báo bắt nguồn từ cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine.

Tài liệu này được châu Âu tạo ra có tính đến quan điểm từ phía Kyiv liên quan đến hoạt động quân sự, cũng như tầm nhìn về sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và Ukraine.

Dự kiến sẽ có sự hợp tác sâu rộng giữa các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Ukraine và châu Âu, điều này sẽ tăng cường sức mạnh cho cả hai bên trên cơ sở cùng có lợi.

Trong thời gian tới, Ukraine có thể tham gia mua sắm chung và các công ty quốc phòng nước này sẽ được hỗ trợ xây dựng năng lực trong quá trình hợp tác với châu Âu.

Tài liệu cũng nói về việc kích thích hợp tác giữa ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine và châu Âu, cũng như trao đổi thông tin về các tiêu chuẩn và kinh nghiệm. Để tăng cường hợp tác, EU sẽ tổ chức Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng EU - Ukraine vào năm 2024.

Ngoài ra để nhằm đảm bảo sự tương tác giữa các công ty khởi nghiệp và đổi mới của Liên minh với ngành công nghiệp của Ukraine, EU sẽ mở "Văn phòng Đổi mới" ở Kyiv.

Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng Châu Âu đi kèm với Chương trình Công nghiệp Quốc phòng Châu Âu (EDIP).

Đây là văn bản quy định cơ chế thực hiện Chiến lược, đồng thời là sáng kiến pháp lý trong tương lai, nhưng nó vẫn phải được Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đồng ý.

Tài liệu nêu rõ, liên quan đến việc Ukraine gia nhập EU trong tương lai, chương trình này có nghĩa vụ tăng cường hợp tác với Kyiv ở cấp độ công nghiệp.

Là một phần trong cam kết tương lai của EU đối với an ninh của Ukraine, châu Âu sẽ tạo điều kiện hợp tác chặt chẽ hơn với Lực lượng Vũ trang Ukraine để tăng cường khả năng đáp ứng các nhu cầu cấp thiết, cũng như nỗ lực hài hòa các tiêu chuẩn và cải thiện khả năng tương tác.

EDIP xác định những yếu tố sau: Mở rộng tư cách thành viên trong các chương trình phòng thủ quân sự châu Âu dành cho Ukraine. Phân bổ ngân sách riêng để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng và các công ty quốc phòng Ukraine.

Để tài trợ cho khoản mục ngân sách này, một phần lợi nhuận từ các tài sản của Nga bị đóng băng có thể được sử dụng cùng với những khoản khác. Điều này cần có quyết định tương ứng của Hội đồng châu Âu về đề xuất của Đại diện cấp cao.

Bước đi này theo nhận xét sẽ hỗ trợ năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, gắn kết Kyiv với cơ sở công nghiệp và quốc phòng của EU và đưa họ đến gần hơn với tư cách thành viên Liên minh châu Âu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ukraine-tro-thanh-mot-phan-chien-luoc-cong-nghiep-quoc-phong-cua-chau-au-post569259.antd