Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch tập trung còn thấp

Với mục tiêu nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch, những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy nước sạch tập trung. Tuy nhiên, sau khi các nhà máy đi vào hoạt động, tỷ lệ hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung hiện vẫn còn thấp.

Cán bộ, công nhân Nhà máy nước sạch Hoằng Hóa ứng dụng công nghệ trong vận hành hệ thống nước sạch tập trung.

“Ngại” thay đổi thói quen

Tại xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa), mặc dù đã có nhà máy nước sạch tập trung hoạt động từ năm 2018, nhưng đến nay một số hộ gia đình trên địa bàn vẫn chưa đăng ký sử dụng nước sạch. Gia đình ông Lê Như Cảnh, xã Hoằng Xuân là một trong số đó. Theo ông Cảnh, gia đình lâu nay vẫn dùng nước giếng khoan trong sinh hoạt hằng ngày và không vấn đề gì. Mặt khác, do phải đóng góp tiền lắp đặt đường ống ban đầu nên gia đình ông chưa đăng ký sử dụng nước sạch tập trung. “Trước đây, chưa khoan giếng thì gia đình dùng nước mưa. Sau này khoan giếng, chúng tôi sử dụng nguồn nước này không thấy vấn đề gì, một năm thau rửa một lần cũng chỉ có lớp gợn, váng ở trên, hớt lớp đó đi là dùng bình thường", ông Cảnh chia sẻ.

Nhà máy nước sạch xã Hoằng Xuân có công suất thiết kế 6.500m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho các hộ dân thuộc 10 xã khu vực phía Bắc của huyện Hoằng Hóa. Hoạt động cấp nước từ năm 2018, nhà máy hiện có 8.000 khách hàng sử dụng nước. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc điều hành Nhà máy nước sạch Hoằng Xuân, cho biết: “Nhờ tập trung vào công tác vận động, số lượng khách hàng của nhà máy tăng từ 5.500 khách hàng (năm 2021) lên 8.000 khách hàng (tháng 8-2023), song cũng chỉ mới đạt khoảng 60% tổng số hộ dân trong vùng dự án. Hoạt động cấp nước sạch tập trung ở vùng nông thôn hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn dân cư thưa, phân tán nên chi phí đầu tư lớn, nhất là mạng lưới đường ống. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch thấp khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong quá trình kinh doanh, vận hành. Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đường giao thông, xây dựng rãnh thoát nước... tại các xã cũng thường dẫn đến sự cố, gây mất an toàn hệ thống cấp nước, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, tỷ lệ thất thoát cao trên 30%.

Xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) là vùng giáp đê biển, nguồn nước ngầm ở đây đa số đều bị nhiễm phèn, nước có màu vàng đục, mùi tanh, nổi váng mặt nước. Từ trước đến nay, để có nước sinh hoạt, người dân trong vùng phải sử dụng đến nước giếng đào, giếng khoan. Muốn sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt hằng ngày, các gia đình phải xây dựng thêm hệ thống lọc truyền thống bằng cát, đá... nhưng chỉ có thể dùng để giặt giũ, tắm gội. Nguồn nước này dễ làm hỏng hóc các thiết bị, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Để có nước nấu nướng, ăn uống, nhiều hộ phải xây bể chứa nước mưa. Năm 2021, từ khi có đường ống nước sạch tập trung của Nhà máy nước sạch Hoằng Hóa do Công ty CP Thương mại đầu tư NVC Nam Việt đầu tư, nhu cầu bức thiết về nước sạch của người dân trong xã đã được giải quyết. Nhiều hộ gia đình đã lắp đặt nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, thay thế nước giếng khoan. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân trong xã đăng ký sử dụng nước sạch mới chỉ đạt khoảng hơn 20% tổng số hộ dân.

Bà Nguyễn Thị Giang, một hộ dân xã Hoằng Châu, chia sẻ: Nước sạch tập trung rất bảo đảm nhưng nhiều hộ đã đầu tư giếng khoan, bể lọc nước, bể đựng nước mưa, thậm chí là hệ thống lọc nước... nếu dùng nước sạch thì lại bỏ phí các công trình này. Hơn nữa, nếu muốn dùng nước sạch phải đầu tư vài triệu đồng chi phí ban đầu đóng cho công ty, mua téc nước và đóng tiền sử dụng nước hàng tháng... khiến không ít người có tâm lý “ngại” thay đổi thói quen, nhất là những hộ khó khăn về kinh tế.

Được biết, Nhà máy nước sạch Hoằng Hóa (đóng tại thôn 1 Hồng Thái, xã Hoằng Đồng) là một trong những công trình nước sạch tập trung có công suất thiết kế 6.500m3/ngày, đêm (giai đoạn 1), hệ thống vận hành tự động 100%, mạng lưới tuyến ống phủ kín đến 95% các xã trong vùng dự án. Sau gần 3 năm đi vào vận hành, đến nay số lượng khách hàng của nhà máy mới chỉ đạt 5.500 hộ gia đình, cá nhân trên tổng số khoảng 14.000 hộ dân của các xã trong vùng dự án. Công suất khai thác chỉ mới đạt 1.800m3/ngày, đêm.

Theo ông Lâm Quang Dương, Giám đốc điều hành Nhà máy nước sạch Hoằng Hóa, tỷ lệ người dân ở các xã trong vùng dự án đăng ký sử dụng nước sạch hiện nay còn thấp, đơn cử như ở xã Hoằng Châu chỉ có hơn 400 hộ/2.000 hộ; xã Hoằng Phong có 450 hộ/1.600 hộ; xã Hoằng Tân có 560 hộ/1.032 hộ; xã Hoằng Trạch có 500 hộ/1.200 hộ... Đối với các xã thuộc khu vực TP Thanh Hóa có tỷ lệ cao hơn, như xã Hoằng Đại 780 hộ/1.300 hộ; xã Hoằng Quang 1.400 hộ/1.600 hộ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình nước sạch tập trung còn thấp. Trong đó, chủ yếu là do thói quen dùng nước mưa và nước giếng khoan của bà con lâu nay. Nhiều người chưa hiểu hết lợi ích của việc sử dụng nước sạch đem lại so với nguồn nước giếng khoan, nước mưa...

Tuyên truyền thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng nước sạch

Theo kết quả Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn năm 2022 được UBND tỉnh công bố tại Quyết định số 834/QĐ-UBND ngày 14-3-2023, toàn tỉnh có 97% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung là 27,3%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước nhỏ lẻ là 69,7%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN là 60,2% (tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là 25,2%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước nhỏ lẻ là 35%).

Thực tế cho thấy, nhận thức của người dân nông thôn về tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với sức khỏe còn hạn chế nên còn chủ quan trong việc sử dụng nguồn nước. Nếu sử dụng nước mưa hay giếng khoan không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, vì nước là môi trường trung gian chuyển tải các chất hóa học và các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được. Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh, do tác động của môi trường, nguồn nước ngầm ở một số khu vực trong tỉnh đã có dấu hiệu bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Trường An, Phó trưởng Khoa Sức khỏe môi trường, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh, cho biết: Hiện nay, nước ngầm có dấu hiệu bị ô nhiễm mangan tại một số nơi như ở các huyện Thiệu Hóa, Yên Định; nhiễm asen ở một số khu vực của huyện Thiệu Hóa... Nước ngầm ngày càng không bảo đảm vệ sinh, lượng nước cũng ngày càng cạn dần. Vì vậy, để có nguồn nước hợp vệ sinh bảo đảm cho sức khỏe, tốt nhất bà con nên dùng nước sạch từ các nhà máy nước tập trung được kiểm nghiệm, thẩm định đầy đủ.

Nước sạch và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch là một trong những yếu tố thành phần quan trọng trong tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường sống thuộc Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025. Theo đó, chỉ tiêu hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung được quy định theo vùng, đối với xã vùng 1 phải đạt từ 25% trở lên và đối với xã vùng 2 phải đạt từ 55% trở lên. Đây là một trong những tiêu chí khó đối với nhiều địa phương khi xây dựng NTM nâng cao. Vì vậy, để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung, điều quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ lợi ích của việc sử dụng nước sạch tập trung và những nguy cơ từ việc sử dụng nước ngầm, từ đó thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng nước sạch nhằm bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài và ảnh: Minh Hiền

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ty-le-nguoi-dan-nong-thon-su-dung-nuoc-sach-tap-trung-con-thap/193566.htm